Gia đình chị Phan Thị Thúy. Ảnh: CAND |
Năm 1994, khi 26 tuổi, chị Thúy ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), dù được nhiều chàng trai trong làng để ý, nhưng vẫn quyết về làm vợ kế anh Trần Đình Toa, 39 tuổi, thương binh hạng 1, mù hai mắt, có hai đứa con nhỏ dại.
Khi hay tin anh Toa sẽ đi thêm bước nữa, hai đứa con của anh, Trần Thị Hương (lớp 5), Trần Đình (lớp 1) tìm mọi cách ngăn cản. Anh Toa nhớ lại: “Nhiều đêm chúng nói, con sẽ không đi học nữa để ở nhà chăm nuôi ba. Có khổ cực đến mấy chúng con sẽ gánh vác, chứ không bao giờ chấp nhận thêm một người phụ nữ nữa trong nhà. Sau hai năm thuyết phục không có kết quả, tôi suốt ngày mượn rượu làm bạn, đi lang thang. Nhiều hôm túng quẫn, tôi muốn tìm đến cái chết. Nhưng nghĩ lại sau lưng mình là hai đứa con thơ nên không đủ can đảm”.
Ngày bước chân về làm vợ kế anh Toa, chị Thúy phải đối mặt với những khó khăn; khoản nợ gần 5 triệu đồng chữa bệnh và lo lễ tang cho người vợ trước của anh để lại. Nhưng cái khó nhất đối với chị là hai đứa con chồng. Chị Thúy tìm cách chinh phục hai đứa trẻ bằng tình thương và trách nhiệm với những việc làm cụ thể hàng ngày.
Chị nói: “Nhiều lúc tôi tâm sự với hai đứa con chồng: mẹ là phận gái mà chấp nhận làm vợ kế cho ba con là quá thiệt thòi, nhưng vì các con, mẹ đã chấp nhận. Nếu một mai các con ốm đau vào bệnh viện ai chăm sóc? Thuyết phục mãi gần nửa năm trời tôi mới cảm hóa được chúng”.
Để trả khoản nợ cho chồng và nuôi con ăn học, chị Thúy tổ chức lại cuộc sống gia đình. Chị xin hợp tác xã làm một mẫu ruộng, nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ ăn. Chị chạy về nhà ngoại xin làm thêm mấy sào ruộng nước nữa, trong làng ai không làm ruộng chị xin nhận làm thay.
Mỗi ngày chị thức dậy từ 3h sáng lo bữa ăn sáng cho chồng, con. 6h đạp xe chở hai con đến trường, ghé về chợ Diên Sanh làm nghề giữ xe để tăng thêm thu nhập, đến 11h đến trường đón con. Cơm nước qua loa đến 1h chiều, chị vác cuốc ra đồng, hoặc lên đồi kiếm củi.
Chị tâm sự: "Nhiều hôm đi làm đồng về bụng dạ cồn cào, nhưng nhìn nồi cơm lưng lẻo, tôi giả bộ ra ngoài đuổi gà, nạt lợn để cho mấy cha con ấm bụng... Hay những lúc trong túi có tiền nhưng không dám mua bộ đồ mới, nhỡ các con cần mua sách vở, nộp tiền trường thì lấy đâu ra”.
Khi hai đứa con chồng lớn khôn, chị Thúy phân công, đứa lớn buổi đi học, buổi giúp mẹ việc nhà, đứa nhỏ trông em để chị rảnh rang làm thêm nghề buôn bán rau quả.
Sau gần 5 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chị Thúy trả xong nợ và gia đình bắt đầu có của để dành. Dù vất vả nhưng hai đứa con chồng chăm học, chăm làm.
Niềm vui rồi cũng được đền đáp, và năm 2001, Trần Thị Hương thi đỗ vào Khoa Luật, ĐH Đà Lạt. Con gái vào đại học, khó khăn lại chồng chất, nhưng chị vẫn gắng vượt qua.
Cuộc sống gia đình đang ấm êm, bỗng đầu năm 2002, đứa con thứ hai một lần nghe theo đám bạn rủ rê đã sa vào con đường hư hỏng. Suốt ngày bỏ học, tụ tập đi lang thang, thậm chí tham gia trộm cắp vặt, bị công an triệu tập nhắc nhở, răn đe.
Nhận được “hung tin”, chị Thúy giấu kín chồng kẻo sợ anh Toa bức xúc bệnh tật tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị đến công an tìm hiểu nguyên nhân, đến nhà trường nhờ thày cô giúp đỡ, nhờ cán bộ Hội phụ nữ cảm hóa. Từ tình thương và trách nhiệm ấy chị Thúy thêm lần nữa cảm hóa được đứa con chồng trở nên tiến bộ và trở lại học đường.
Khổ cực rồi cũng trôi qua, con gái đầu Trần Thị Hương vừa tốt nghiệp đại học nay đã có việc làm ổn định tại tỉnh Đắk Nông, còn Trần Đình đang học lớp 12, đứa con gái chung của anh chị năm nay cũng vào lớp 5, học sinh giỏi của thị trấn. Dù bao năm vất vả nhưng chị Thúy vẫn dành dụm được 50 triệu đồng để xây ngôi nhà mới khang trang.
“Nếu không có mẹ Thúy đến kịp thời chắc mấy cha con em không có được ngày hôm nay. Tấm lòng bao dung của mẹ đã vực dậy cuộc sống gia đình. Em sẽ quyết tâm vươn lên để khỏi phụ lòng mẹ”, Đình tâm sự.
(Theo Công An Nhân Dân)