Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với hoạt động kinh doanh vàng là đồ trang sức vẫn được phép tiến hành bình thường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Nhưng để hoạt động này đi vào nề nếp và đúng quy định thì Ngân hàng nhà nước và UBND cấp tỉnh phải có sự tổ chức và hướng dẫn cụ thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, đồng thời, tiến hành rà soát lại tất cả các quy định hiện hành về quản lý vàng để trình Chính phủ ban hành thành một Nghị định quản lý đối với vàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với loại hàng hóa đặc biệt này.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ hai phương án xử lý sàn vàng: Chấm dứt hoạt động kinh doanh của các sàn vàng; hoặc tiếp tục cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước một cách chặt chẽ trong đó mức dự kiến kỹ quỹ có thể lên đến 100%.
Để giao dịch tại sàn vàng, nhà đầu tư hiện chỉ phải ký quỹ 7%. Ảnh chụp màn hình |
Ngày 22/12, Thường trực Chính phủ cũng đã có cuộc họp bàn về việc quản lý nhà nước đối với mọi loại hình sản xuất, kinh doanh vàng và quản lý hoạt động sàn giao dịch vàng. Văn bản thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, được ban hành ngày 30/12 sẽ là cơ sở pháp lý mới để xử lý vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 20 sàn vàng được tổ chức theo 4 dạng: Do ngân hàng thương mại thành lập và nhà đầu tư mở tài khoản tại ngân hàng như Trung tâm giao dịch Vàng Á Châu, Phương Nam, Sacombank, Việt Á... Do các tổ chức, cá nhân hình thành và nhà đầu tư tham gia đóng tiền vào một tài khoản đứng tên công ty thành lập sàn, như Trung tâm giao dịch vàng Phố Wall, Châu Á, 24K...
Do các tổ chức cùng với ngân hàng tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty và nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng, như Trung tâm giao dịch Vàng Việt Nam... Do các công ty tổ chức, nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước ngoài, như Kim Thiệu, Kim Minh Đạt... Tại mỗi sàn, doanh số giao dịch mỗi ngày lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Mô hình giao dịch vàng tại một số sàn vàng ở Việt Nam hiện này là khách hàng muốn tham gia kinh doanh chỉ cần ký quỹ một lượng tiền rất nhỏ (7%) giá trị giao dịch số còn lại được ngân hàng (phục vụ sàn vàng) cho vay và như vậy người kinh doanh có thể thực hiện lệnh mua (bán) gần gấp hơn 14 lần lượng vốn mình có. Đó là về mô hình, còn những nền tảng cho hoạt động của sàn vàng thì từ trước tới giờ rõ ràng là đáng quan ngại và dường như chỉ dựa vào niềm tin để kinh doanh là chính.
Như vậy, người đầu tư và chủ sàn giao dịch chỉ kinh doanh dựa vào nền tảng khá mong manh và thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở kinh tế, kỹ thuật và hiểu biết.
Và cũng chính do thiếu khung pháp lý chặt chẽ, nhà cung cấp “sàn vàng” luôn trong tình trạng “vừa làm vừa lo”, còn nhà đầu tư thường bị thua thiệt khi có tranh chấp. Trong điều kiện như vậy, loại hình kinh doanh sàn vàng hiện nay là khá rủi ro cho giới đầu tư và cả hệ thống tài chính vì kinh doanh vàng tài khoản là một ngành đặc thù có liên quan đến cung cầu tiền tệ quốc gia.
(Theo Chinhphu.vn)