Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án kiến trúc đoạt giải A trong cuộc tuyển chọn từ 17 phương án dự thi. Theo giải trình của Chính phủ, phương án này có tính biểu tượng cao, kiến trúc đẹp, tổ chức bên trong mạch lạc, sử dụng được ánh sáng tự nhiên, tạo cơ hội giao tiếp và làm việc tốt. Về thẩm mỹ, công trình thiết kế theo phương án này sẽ tạo được vẻ thanh nhã, mới mẻ, có tính quốc tế, nhưng vẫn đậm đà giá trị Việt Nam.
Từ Quảng trường Ba Đình nhìn vào tòa nhà Quốc hội. Ảnh chụp từ mô hình: H.K. |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nhận xét, hội trường Ba Đình được thiết kế giống "bánh chưng", ôm lấy "bánh dày" là phòng họp Quốc hội. Điều này thể hiện bản sắc dân tộc, nhưng chỉ thích hợp với góc nhìn từ trên cao. "Nhìn từ góc độ khác, mái lại tạo cảm giác ức chế. Tốt nhất nên thiết kế theo hình cầu", ông Bình đề xuất.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đồng tình: "Quả thật nhìn phòng họp Quốc hội trông rất nặng nề. Giá như phòng họp là hình cầu thì rất đẹp". Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, một tòa nhà uy nghiêm, bề thế phải thể hiện sự vững chãi ở 4 góc. Nhưng theo thiết kế, 4 góc phòng họp Quốc hội là những mảnh kính ghép vào, rất mong manh. Việc bố trí phòng họp Quốc hội theo kiểu thượng thách, hạ thu (trên to, dưới nhỏ) là không chắc chắn, mà nên bố trí theo hướng ngược lại.
Theo ông Phùng Quốc Hiển thì việc bố trí phòng họp Quốc hội theo lối trên to, dưới nhỏ, 4 góc là kính ghép vào sẽ không vững chãi. Ảnh chụp từ mô hình: H.K. |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lại băn khoăn về tính hiện đại và bản sắc Việt Nam của tòa nhà. "Mặt tiền tòa nhà Quốc hội không uy nghi, không thể hiện rõ đây là trụ sở làm việc của cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước", ông Hiền nói.
Giải trình trước Thường vụ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng để thể hiện bản sắc Việt Nam rất khó. "Quan niệm của ta, nhà phải thiết kế theo kiểu tam quan tứ trụ, kiến trúc có trục là trung tâm, hai ban có tả hữu, thì mới thể hiện bản sắc. Với thiết kế hiện nay, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của 40 kiến trúc sư tên tuổi nhất trong nước thì đa số đều đồng tình", ông Quân nói.
Nhà Quốc hội phải có giá trị sử dụng 100 năm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, tòa nhà Quốc hội phải tính tới khả năng có tới 20 ủy ban, thậm chí hơn nữa, chứ không phải chỉ 10 ủy ban như hiện nay. Ông Thuận lấy ví dụ việc xây nhà 35 Ngô Quyền, chỉ sau 5 năm kể từ khi xây dựng đã phải đập phá, cơi nới để đủ chỗ làm việc cho các cơ quan của Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, công trình nhà Quốc hội phải tính tới giá trị sử dụng trong 100 năm, với quy mô dân số không phải là hơn 80 triệu như hiện nay mà phải tới 200 triệu người. "Nếu chỉ nhìn tới năm 2020 thì quá lãng phí", ông Lưu nói.
Tổng thể tòa nhà Quốc hội. Sảnh tầng trên lõm vào trong. Ảnh: H.K. |
Chia sẻ với ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói: "Thủ đô sắp tới sẽ mở rộng gấp 3 lần như hiện nay, nhưng trái tim thủ đô thì lại có vấn đề". Ông Phước dẫn chứng ngay tòa nhà Quốc hội theo kiến trúc mới đề xuất vừa bị ràng buộc bởi độ cao (không được cao hơn các tòa nhà xung quanh), vừa bị giới hạn về diện tích, thiếu không gian cây xanh, không gian văn hóa.
"Tòa nhà Quốc hội phải có tầm nhìn tới 100 năm, phải thể hiện là quảng trường của hơn 100 triệu dân, chứ không riêng gì của thủ đô Hà Nội. Các cơ quan của Quốc hội phải tập trung làm việc tại tòa nhà này, nếu để phân tán thì rất vô duyên", ông Phước thẳng thắn.
Hiện theo bố trí của Văn phòng Quốc hội, do bị giới hạn về độ cao, tòa nhà Quốc hội chỉ là nơi diễn ra các kỳ họp, tổ chức đón tiếp khách quốc tế theo nghi lễ nhà nước và nơi làm việc của chủ tịch, các phó chủ tịch và chủ nhiệm văn phòng Quốc hội. Còn các ủy ban và hội đồng dân tộc sẽ làm việc ở chỗ khác.
Dự kiến, nhà Quốc hội khánh thành vào tháng 2 năm 2011.
Hồng Khánh