9h20 sáng thứ hai, Trường Giang, lớp 10A1 trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội tranh thủ ăn sáng trong 15 phút nghỉ giữa hai tiết học. Mỗi ngày, Giang học 3-5 tiết online, khoảng 5-7 tiếng, chỉ nghỉ chủ nhật. Việc dùng máy tính trong thời gian dài khiến em bị đau cổ, phải dán salonpas để học, mắt cũng mỏi và chảy nước liên tục. "Em tỉnh táo khoảng 9-11h sáng, lúc đó học vào nhất, chiều thường mệt mỏi nên nghe câu được câu mất", Giang kể.
Trường Giang chia sẻ, dù nghiêm túc học và cố gắng nghe giảng, em chỉ tiếp thu được khoảng 60% kiến thức của một buổi học online trong khi tỷ lệ này nếu học trên lớp là 90%. Trong buổi học, giáo viên yêu cầu cả lớp tắt camera và mic, học sinh có gì thắc mắc mới hỏi. Việc gặp hạn chế trong tương tác và "nhìn vào một màn hình toàn các ô màu đen" khiến em không hứng thú học tập.
Nhiều khi mạng lỗi, em bị out khỏi lớp học. Mất 15 phút mới đăng nhập lại được, thầy giáo đã giảng sang phần mới trong khi Giang chưa kịp hiểu phần trước. "Buổi học hôm đó coi như công cốc vì em phải đọc lại sách toàn bộ, hỏi thêm bạn bè mới hiểu được bài", Giang nói.
Nam sinh cho rằng nếu chỉ học online có thể làm bài kiểm tra được 7-8 điểm nếu cố gắng. "Những bạn lực học yếu hơn sẽ rất khó duy trì điểm 7 nếu không tự học và làm thêm bài tập, chỉ trông vào 60 phút một buổi học online", Giang nói.
Chung cảm nhận như Trường Giang, Thùy Trang, học sinh 11, trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM) cho rằng việc học trực tuyến chỉ đạt hiệu quả 70% so với học trên lớp.
Với các môn xã hội như Văn, Sử, Giáo dục công dân, việc tiếp thu qua bài giảng online không bị hạn chế nhiều, vì có sách giáo khoa hỗ trợ, có thể xem lại video nếu chưa hiểu kịp. Với các môn tự nhiên, có nhiều bài tập như Toán, Lý, Hóa, việc học online hạn chế, học sinh không thể hỏi ngay thầy cô nếu có thắc mắc.
Tuy nhiên, Trang nhận thấy học trực tuyến có lợi thế là học sinh có nhiều thời gian tự học hơn do không phải đi lại, học thêm. Ngoài ra, việc tự học ở nhà cũng thú vị hơn khi có thể tìm hiểu, tra cứu thông tin dễ dàng trên mạng phục vụ bài học. "Em nghĩ hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức tự học của mỗi người, vì nếu không chăm học thì dù có lên lớp cũng khó lòng giỏi được", Trang nói.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Văn trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (Hà Nam), cũng cho rằng chất lượng dạy và học online không được như kỳ vọng dù giáo viên và học sinh cố gắng thích nghi. Hàng tuần, cô Mai dạy 6 tiết Ngữ văn cho hai lớp. Lớp 6 học nghiêm túc và tập trung hơn, còn lớp 9 trong lúc học vẫn có em nằm ra giường, ăn uống hoặc làm việc riêng dù đã được nhắc nhở.
Đối với môn Văn, yếu tố cảm xúc rất quan trọng trong khi dạy và học. Nếu như ở trên lớp, cô Mai được đi lại trên bục giảng, sử dụng phấn và bảng để minh họa cho lời nói, đồng thời nhìn thấy học trò thì việc học online chỉ cho phép cô nhìn vào màn hình máy tính. Các em học online cũng thiếu tập trung hơn so với trên lớp khiến cảm hứng học tập của học sinh và giáo viên bị giảm đáng kể.
Cô Mai thường giao bài trực tiếp trên Online Math, nền tảng học và làm bài tập trực tuyến do Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng, sau mỗi bài học. Tuy nhiên, bài tập trên Online Math chủ yếu ở dạng trắc nghiệm nên cô phải giao thêm đoạn hoặc bài văn để học sinh luyện tập. Đến buổi học mới, cô sẽ chọn ngẫu nhiên bài làm của một số em để chiếu lên cho cả lớp xem, sau đó nhận xét và cho điểm.
Nhìn một cách tổng thể, nữ giáo viên 41 tuổi cho rằng việc học online chỉ đảm bảo khoảng 50-60% khối lượng kiến thức và chất lượng bài giảng, nhưng cô trò vẫn phải theo "vì đây là cách duy nhất giúp học sinh không quên kiến thức trong tình hình Covid-19 như hiện tại".
Thầy Phan Thế Hoài, thạc sĩ Ngôn ngữ học trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, cũng cho rằng việc học online còn nhiều bất cập do lớp quá đông và không quản lý được việc làm bài của học sinh, dẫn đến chất lượng học không đảm bảo.
Thầy Hoài nhận định, đối với những lớp có sĩ số lên tới 50-55 em, giáo viên gặp trở ngại trong việc quản lớp, tương tác hai chiều và theo sát từng học sinh. Chẳng hạn, nếu học trên lớp, học sinh nào nói chuyện riêng hoặc không tập trung, thầy cô chỉ cần ngưng bài giảng, nghiêm nghị nhìn em đó là hành vi được điều chỉnh ngay lập tức. Nhưng khi học online, những việc này rất khó để thực hiện, gây ảnh hưởng đến chất lượng của bài giảng hôm đó và cả quá trình học.
Khi giao bài cho học sinh, thầy Hoài cũng nhận lại nhiều bài làm chống đối, mang tính hình thức. Vừa qua, thầy giao đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn 10 cho học sinh, yêu cầu sau khi hoàn thành thì gửi vào email của giáo viên. Khi chấm bài, thầy phát hiện một số em làm bài giống nhau hoặc sao chép trên mạng bằng một số thao tác kiểm tra đơn giản. Tùy theo mức độ vi phạm, thầy Hoài trừ hoặc cho em đó 0 điểm.
"Bất cập trong học online khiến hình thức này chưa đạt hiệu quả cao tại nhiều nơi. Để khắc phục tôi nghĩ cần sự đồng hành và phối hợp của nhà trường, giáo viên và phụ huynh, đồng thời học sinh cần tự giác và có ý thức học tập hơn", thầy Hoài nói.
Cùng quan điểm với thầy Hoài, một thầy giáo dạy Toán trường THPT tại quận 10 cho rằng nhiều thầy cô thành thạo trong việc dạy online, học sinh cũng thích thú, nhưng như vậy là chưa đủ. Học online muốn hiệu quả phải mang đến cho học sinh động cơ học tập, duy trì kết nối, cảm xúc trong suốt khóa học, đặt ra được mục tiêu sẽ đạt được sau khóa học.
Hiện, việc dạy trực tuyến được khuyến khích, nhưng chưa thể lấy đó thay thế cho việc dạy trực tiếp. Muốn công nhận việc học trực tuyến phải cần thêm nhiều thời gian bởi ngay trong một trường, một lớp, khó có điều kiện để đảm bảo 100% học sinh tiếp cận được theo mô hình này. Việc học online chỉ mang tính chất ôn tập, hỗ trợ học sinh không quên kiến thức trong thời gian nghỉ học, là một kênh học tập để học sinh tham khảo.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới, chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.
Thanh Hằng - Mạnh Tùng