Nửa đêm, cụ ông, 90 tuổi, muốn đi tiểu, anh Khánh thức giấc dìu vào nhà vệ sinh rồi đưa ông trở về giường. Ba tháng trước, công ty sắp xếp anh đến bệnh viện chăm ông đang nằm mê man vì nhiều bệnh nền như rối loạn nhịp tim, động kinh... Bệnh nhân xuất viện sau ba tuần, gia đình nhờ anh tiếp tục về chăm tại nhà riêng ở quận 3. Cụ ông sống cùng gia đình con gái, hai người con khác đều ở nước ngoài.
"10 ngày Tết được gần cả chục triệu nên tôi không có ý định về quê, hơn nữa ở lâu 'mến tay mến chân', cụ ông cũng không muốn đổi người khác chăm trong lúc con gái về quê chồng ăn Tết", anh Khánh nói.
Từng là phụ bếp tại một khách sạn lớn ở TP HCM, lương khoảng 8-9 triệu đồng, sau khi trừ tiền thuê nhà và chi phí ăn uống, đi lại, người đàn ông không dành dụm được nhiều. Đợt dịch Covid-19, anh thất nghiệp về quê, được một người khuyên làm công việc chăm người bệnh vì "thu nhập cao, không tốn tiền ăn ở vì chăm trong bệnh viện thì có cơm từ thiện, ở nhà riêng thì ăn cùng gia đình người ta". Hơn nữa, công việc này linh động thời gian, có thể nhờ công ty sắp xếp người đến thay thế khi bận việc gia đình.
Thời gian đầu, cụ ông nặng gần 70 kg nằm một chỗ nên anh Khánh phải xoay trở, thay tã, vệ sinh, bón sữa, đút ăn... Hiện, ông hồi phục dần, có thể tự vệ sinh cá nhân, ăn uống, anh chủ yếu hỗ trợ bên cạnh, tránh để ông một mình té ngã.
Bén duyên công việc chăm người bệnh khoảng một năm, đây là lần đầu anh ở lại xuyên Tết cùng người bệnh. Thấy mọi người về quê sum họp dịp đầu năm mới, anh "cũng có chút buồn", nhưng nghĩ con còn nhỏ nên phải cố gắng đi làm kiếm tiền.
"Tết về quê cũng chủ yếu ăn nhậu", anh nói, thêm rằng thường xuyên gọi điện động viên vợ chăm lo Tết đầy đủ cho các con.
Cũng lần đầu xuyên Tết cùng người bệnh, chị Thu, 30 tuổi, đang túc trực tại Bệnh viện Nguyễn Trãi cùng cụ bà 80 tuổi. Bà vừa bị đoạn chi 10 ngày vì biến chứng của bệnh tiểu đường, phải nằm một chỗ. Bác sĩ dự định cho bà xuất viện trước Tết vì tình hình bệnh ổn hơn. Gia đình nhờ chị theo về chăm bà tại nhà.
"Bố mẹ từ ngoài Bắc vào TP HCM phụ tôi chăm con nhỏ gần 3 tuổi, sang năm cháu mới đi học. Tết cả nhà đều ở trong này nên tôi yên tâm đăng ký đi làm", chị Thu nói.
Trước đây, chị làm bưng bê phục vụ ở quán ăn với mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng. Sau 7 tháng chăm bố chồng bị ung thư đến ngày ông qua đời, với nhiều đợt nhập viện, chị biết đến nghề này và chuyển sang làm, bởi công việc đều đặn, thu nhập ổn định.
Trước khi bắt tay vào việc, chị đã được huấn luyện, đào tạo các kỹ năng cần thiết. Thời gian bố chồng bị ốm, ông bực dọc nên hay cáu gắt, nặng lời với con cháu, nên "giờ nếu gặp bệnh nhân khó tính cỡ nào tôi cũng thấy thông cảm và xem họ như người thân để chăm sóc tốt nhất", người phụ nữ chia sẻ.
Dịp cuối năm, trên các hội nhóm mạng xã hội, việc trao đổi tìm kiếm người chăm bệnh cũng rất nhộn nhịp. Sau những thông tin đăng tải tình trạng người bệnh, địa chỉ, rất nhiều người vào bình luận mong muốn nhận làm. Nhiều người chăm bệnh cũng chủ động giới thiệu bản thân, để lại thông tin liên lạc để người có nhu cầu chủ động liên lạc.
Anh Tuấn Hùng, ngụ quận 10, cho biết bố bị tai biến ba năm qua, gần như mọi sinh hoạt đều phụ thuộc người nhà nên dịp Tết năm nào anh cũng phải nhờ đến dịch vụ chăm bệnh thuê để đưa vợ con về ngoại. "Nếu không có dịch vụ này, gia đình tôi cũng khó xoay xở khi cần đi đâu", anh Hùng cho hay.
Hiện chưa có thống kê về số người ở lại gia đình hoặc bệnh viện xuyên Tết để chăm sóc người bệnh, nhưng đại diện một số bệnh viện tại TP HCM cho biết dịch vụ này tăng theo các năm.
Ông Nguyễn Minh Tâm, tổng giám đốc một công ty chuyên về cung cấp chăm sóc viên trong lĩnh vực y tế, cho biết khoảng 60% nhân sự đăng ký ở lại chăm bệnh ngày Tết, mức thu nhập gấp đôi ngày thường. Mức giá chăm bệnh của công ty bình thường dao động 500.000-600.000 đồng đến khoảng 900.000 đồng, tùy tình trạng người bệnh. Như vậy, tiền lương một nhân viên chăm sóc người ốm tại nhà dịp Tết có thể từ một đến hai triệu đồng một ngày, từ 25 âm lịch đến hết mùng 5.
Nhiều nhân viên đang chăm sóc bệnh nhân ở nhà riêng, đã ký hợp đồng với người nhà nên túc trực dịp Tết, không về quê. Một số trường hợp, công ty sẽ sắp xếp gọi khi người bệnh nội trú ở các bệnh viện cần người chăm. "Tết đa số bệnh nhân xuất viện về nhà, chủ yếu chỉ còn nhu cầu ở các khoa hồi sức, cấp cứu", ông Tâm nói, thêm rằng công ty sắp xếp nghỉ bù, hỗ trợ tiền tàu xe cho những người muốn về nhà sau Tết.
Theo thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, những người chăm bệnh thuê cũng được xem như thân nhân người bệnh, đều đăng ký quét vân tay để quản lý. Những ngày Tết, bệnh viện vẫn duy trì cung cấp suất ăn miễn phí, mỗi ngày hai lần cho những người nuôi bệnh có nhu cầu.
Anh Khánh dự định sau mùng 10 Tết sẽ nhờ công ty sắp xếp người thay để về quê thăm gia đình vài hôm. Làm công việc mà trước đây chủ yếu các chị em mới chọn lựa, anh cho biết sẽ gắn bó lâu dài vì tìm thấy nhiều ý nghĩa với công việc, góp phần giúp nhiều người bệnh hồi phục "trong thời buổi ai cũng ít con cái, không có nhiều thời gian chăm bố mẹ".
Tết của anh Khánh và cụ ông 90 tuổi cũng trở nên ấm áp hơn, vì hai người đã coi nhau như người thân một nhà.
Lê Phương