Con gái chị, lấy chồng cách đây hai tháng, đang ốm nghén và có triệu chứng giống như mắc căn bệnh này: sốt nhẹ, phát ban, mắt bị viêm kết mạc... Chị lo lắng không biết đứa cháu ngoại có mắc bệnh đầu nhỏ không. Cả gia đình hoang mang không biết phải làm gì.
Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao cô bé không biết mình đang sống trong vùng dịch và không áp dụng các biện pháp tránh thai; chị trả lời, cũng có nghe thấy nói đến virus Zika, nhưng đâu nghĩ mình có thể mắc. Với lại tụi nhỏ mới lấy nhau, làm sao hoãn được cái sự đó?
"Chắc dịch chừa mình ra" là tâm lý chung của một bộ phận lớn người dân Việt Nam. Cô dâu mới về nhà chồng, chồng cô và cả hai bên nội, ngoại đều là thành phần trung lưu của xã hội, được tiếp cận thông tin đầy đủ, biết dịch ở đâu đó rất gần mình, nhưng không có ý thức phòng chống.
Đầu năm nay, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về dịch bệnh do virus Zika, ngành y tế đã tiến hành chiến dịch truyền thông đến người dân ở những khu vực từng có dịch sốt xuất huyết (dịch do virus Zika có chung vật chủ truyền bệnh là muỗi ...), đến những người đã đi đến vùng dịch và nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Chiến dịch này được vận hành hết công suất, nhưng sự thờ ơ của rất nhiều người dân như hòn đá tảng cố hữu ngăn chặn những nỗ lực phòng dịch của ngành y.
Những năm gần đây các chiến dịch vận động người dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết được tiến hành ở những địa phương xung yếu, nhưng rồi dịch bệnh vẫn diễn ra. Tham gia khảo sát thực tế tại một số tỉnh thành ở miền đông và miền tây Nam Bộ, tôi nhận ra, những biện pháp ngăn chặn chỉ được người dân thực hiện một hai lần sau khi ngành y tế vận động.
Việc thay nước bình hoa hàng ngày, đổ những vật chứa nước lưu cữu nơi muỗi đẻ trứng xung quanh khu vực mình sinh sống, dù rất hiệu quả trong phòng bệnh, không được người dân tự giác coi là nghĩa vụ thường xuyên để bảo vệ chính mình và người thân.
Tôi thường thấy, người dân vẫn chở gà vịt đi tiêu thụ trong khi đang có dịch cấm gia cầm; cánh đàn ông vẫn ăn tiết canh bất chấp hình ảnh những bệnh nhân tím tái vì mắc bệnh liên cầu lợn... Thói quen ỷ lại coi chống dịch là việc của riêng ngành y làm xói mòn những nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Để rồi đến lúc có dịch thì chạy hết từ hoang mang này sang lo lắng khác.
Khi dịch do virus Zika nổ ra, chiến dịch phòng chống với thông điệp mới "Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết" được phát động. "Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng", chứ không còn là "chung tay diệt muỗi, loăng quăng" giống như chiến với chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết. Ngành y tế muốn người dân thay đổi nhận thức, chuyển từ việc mặc nhiên coi ngành y phải lo phòng chống dịch cho mình, sang tự mình lo và thực hiện phòng chống dịch.
Hàng triệu tờ rơi được phát cho các phụ nữ sinh nở, những thông tin về cách thức phòng chống bệnh cũng được gửi đến tận tay 20 triệu người sử dụng điện thoại di động... Như vậy thông tin chỉ dẫn phòng dịch đã đến tận tay rồi, chỉ còn mỗi việc là người dân đọc và thực hiện nữa thôi. Nhưng đến đây thì gặp vật cản là sự thờ ơ, bàng quan của người dân.
Vợ chồng con gái chị bạn tôi lẽ ra vẫn có thể hưởng hạnh phúc của tuổi trẻ mà không cần phải bắt hai họ phải hoang mang lo lắng về số phận của đứa cháu. Chị bạn tôi với tư cách là người mẹ lẽ ra vẫn cần quan tâm tới đứa con đã lớn của mình như chị từng dạy nó đánh răng hay rửa tay trước khi ăn hồi nó còn nhỏ. Nếu ai cũng tự quan tâm tới sự an nguy của mình bằng cách tự giác thực hiện những biện pháp phòng chống dịch chẳng mấy phức tạp và phiền toái, thì ngành y tế và cả xã hội sẽ bớt được nhiều điều phải lo.
Tôi không biết là với tất cả những biện pháp như trên, ngành y tế có thể làm gì hơn nữa để đổi được một cái “giật mình” của người dân về dịch bệnh rất nguy hiểm này? Có thể độc giả của bài viết sẽ có nhiều ý tưởng. Nhưng tôi tin, mơ ước của nhiều người làm công tác y tế công cộng rất đơn giản: Mong sao tảng đá thờ ơ với dịch bệnh được người dân nhấc ra khỏi đầu mình.
Vũ Mạnh Cường