Bộ trưởng Lê Hồng Anh: "Những trường hợp nghi vấn chạy chức, chạy quyền có cả ở cấp địa phương lẫn trung ương". |
- Thưa bộ trưởng, từ hồi làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) cho đến nay là bộ trưởng Bộ Công an, đã có trường hợp nào chạy chức, chạy quyền, chạy tội... tới ông chưa?
- “Chạy” thì nhiều kiểu, có thể “chạy” để thanh minh, giải thích rằng họ không làm việc này, việc kia. Trước ở UBKTTƯ, nay ở Bộ Công an cũng thế, thường tôi nhận được những bản giải trình nói không có việc A, việc B... Dạng chạy tội kiểu như thế tôi nhận được nhiều. Dạng thứ hai là những cán bộ cấp dưới “có vấn đề”, họ xin gặp để trình bày và cũng phải bố trí nghe họ trình bày. Tôi chưa gặp trường hợp nào khi có khuyết điểm, có tội đang phải kiểm điểm xử lý lại qua người này, người khác đến đưa tiền, đưa quà.
- Nhưng Chính phủ lại một lần nữa phải báo động căn bệnh “chạy” trước Quốc hội?
- Riêng chạy chức, nhiều anh em cũng xin gặp tôi, ví dụ đơn vị người ta dự kiến đề bạt lên phụ trách việc này, việc kia trong lực lượng, nhưng cá nhân người đó cũng còn cái phải xem xét, cân nhắc, có thể chậm lại. Họ không biết nghe ai nói, mới chỉ phong thanh, chưa được tổ chức thông báo chính thức gì hết thì vội vàng viết đơn gửi lên trình bày tôi không có chuyện thế này, thế kia. Cũng có trường hợp lại xin gặp trực tiếp để giải thích cho rõ chuyện này, chuyện kia.
- Thưa bộ trưởng, có trường hợp nào mà sau khi ký quyết định bổ nhiệm, đề bạt rồi mới phát hiện vị cán bộ đó chạy chức, chạy quyền?
- Có những trường hợp tôi nghi vấn. Đó là qua đơn thư tố cáo và qua trực tiếp phản ảnh là có chạy chọt. Không phải tất cả, nhưng có một số trường hợp có biểu hiện đó. Tôi đang chỉ đạo làm để xem kết quả như thế nào.
- Những trường hợp nghi vấn này ở cấp trung ương hay cấp địa phương?
- Ở địa phương cũng có mà ở những đơn vị trực thuộc bộ cũng có.
- Gần đây có dư luận về một cán bộ cấp đội ở Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) lập “kỷ lục” về chạy chức, chạy quyền với giá hàng trăm nghìn đôla để lên “ghế” phó trưởng công an một quận mới?
- Tôi nghe nhiều thông tin, nghe nhiều người phản ảnh ở cả địa phương, cả trên này. Đang chỉ đạo làm rõ, kết luận thực hư ra làm sao. Trường hợp này nằm trong số vừa nói đó, nhưng quan trọng là phải có chứng cứ...
- Thưa bộ trưởng, từ lúc ở UBKTTƯ đến nay, không chỉ trong ngành công an mà trong cả đội ngũ cán bộ công chức, đã phát hiện trường hợp “chạy” cụ thể nào chưa?
- Tôi mới về ngành công an nên chưa phát hiện trường hợp nào, mới chỉ có dư luận thì đang chỉ đạo làm. Còn cán bộ công chức nói chung, tôi không nhớ trường hợp cụ thể nào nhưng mà có, tôi nhớ là ở một số tỉnh cũng đã có kỷ luật rồi. Con số cũng không nhiều lắm bởi họ rất tinh vi trong việc chạy. Có anh nào chạy mà lại nói to cho mọi người biết là anh ta đi chạy đâu, thường là “biến tướng” dưới nhiều hình thức: cho tiền, quà nhân “sếp” về nhà mới, đám cưới con, sinh nhật con...
- Thưa bộ trưởng, trường hợp ông Bùi Quốc Huy đã có dư luận không hay từ hồi ở An Giang nhưng vì sao vẫn được đề bạt?
- Việc này bây giờ nói thế nào cũng khó, nhưng có thể nói đó là yếu kém của cấp có thẩm quyền trong việc quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ không chịu lắng nghe ý kiến ngoài tổ chức, dư luận... Tôi cho rằng trong đánh giá, nhận xét cán bộ phải nghe nhiều thông tin, nhất là thông tin ngoài xã hội, từ tổ chức khác. Phải tổ chức những đoàn đi kiểm tra, làm đến nơi đến chốn, kết luận rõ ràng đúng sai, từ đó mới đề bạt, còn nếu chưa xác minh làm rõ được thì cũng phải để lại. Còn trường hợp ông Bùi Quốc Huy, anh em đi điều tra trần ai chưa ra.
- Thưa bộ trưởng, gần đây vụ án Lã Thị Kim Oanh đang được dư luận quan tâm, trong đó có những ý kiến nhận xét trường hợp Lã Thị Kim Oanh là điển hình của các loại chạy, từ chạy chức, chạy quyền, chạy dự án đến chạy tội...
- Nhưng Lã Thị Kim Oanh có khai chạy cho ai đâu, rồi cũng không ai nhận cái này. Vậy khoản tiền mất cân đối cả trăm tỷ đồng này ở đâu? Nhiều người cũng nói chỉ có thể là chạy chọt, biếu xén, chạy dự án... Nhưng chạy ở đâu, cho ai thì đến giờ này không có làm rõ được. Ngay cả mấy vị nguyên thứ trưởng cũng chỉ khởi tố, truy tố và sắp tới đây xét xử về góc độ trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không phải là chung chung mà là ký vào các văn bản để bảo lãnh vay tiền. Còn nói họ nhận tiền nên mới ký, họ lại nói họ không nhận thì lấy căn cứ gì để buộc là người ta nhận...
- Như vậy việc ký bảo lãnh của các thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) có tiêu cực hay không, hiện vẫn chưa được làm rõ, thưa bộ trưởng?
- Yêu cầu của ban chỉ đạo chuyên án này là phải làm rõ, nhưng làm vẫn chưa ra.
- Nhiều lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chứ không chỉ những vị đã bị khởi tố ủng hộ Lã Thị Kim Oanh mở doanh nghiệp, làm ăn, dẫn đến nhiều sai phạm về sau?
- Hiện UBKTTƯ đang làm, đang kiểm điểm. Ngoài một số vị đã khởi tố, quá trình điều tra có phát hiện một số vị có dấu hiệu vi phạm về mặt trách nhiệm ở lĩnh vực này khác, UBKTTƯ đang chỉ đạo tiến hành.
- Bộ trưởng nghĩ sao khi vụ án đang trong giai đoạn khởi tố, chuẩn bị truy tố, Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT lại có văn bản đề nghị được xử lý hành chính?
- Đó là quyền của người ta đề nghị, còn các cơ quan pháp luật có chấp nhận hay không lại là một chuyện khác. Tôi nhớ trong văn bản có nói các đồng chí ấy có công, có nhiều đóng góp, về mặt pháp luật đó có thể là tình tiết xem xét giảm nhẹ, nhưng không thể không truy tố, không xét xử.
- Ông có nghĩ những vụ án hiện nay có dính líu đến cán bộ công chức đang có chiều hướng tăng lên?
- Các loại tội phạm bây giờ biết sớm muộn gì cũng sẽ bị phát hiện, vì vậy đã tranh thủ “chỗ dựa” là các cơ quan nhà nước, người có chức có quyền. Như chạy chọt, quà cáp, bằng tình cảm người nọ qua người kia... rất tinh vi, xảo quyệt. Lần lần gần gũi, quen biết rồi, thỉnh thoảng cho cái này cái kia, cũng nghĩ đó là cái bình thường, là quan hệ xã hội, đến khi đâm lao phải theo lao.
- Một khi tội phạm móc ngoặc với quan chức sẽ trở thành mafia. Ông có nghĩ VN bây giờ đã có mafia?
- Đúng là hiện nay có một thế lực ngầm, đường dây ngầm để chạy dự án, chạy chức, chạy tội. Đường dây này tồn tại lâu rồi, có điều là làm chưa ra được thôi nhưng có khi nó nằm ngay trong bộ máy nhà nước. Theo tôi nó vẫn tồn tại. Có những dự án này, dự án kia ngoài kế hoạch mà nó vẫn chạy được, tất nhiên không phải tất cả các dự án ngoài kế hoạch và ngoài qui hoạch đều thế, nhưng rõ ràng là có. Có những dự án chả có yêu cầu nhưng vẫn thấy chạy được.
- Thưa bộ trưởng, có đặt ra yêu cầu nào để bóc gỡ, làm lộ diện thế lực ngầm này không?
- Tất nhiên phải tập trung, có điều làm chừng nào nó ra. Nói cho dễ hiểu thì bây giờ mình thừa nhận có tham nhũng, có tiêu cực, có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy công trình, chạy dự án, nhưng rõ ràng nó phải chạy tới những người có chức, có quyền, không lẽ lại chạy tới dân. Ở huyện nó phải có người trên tỉnh, ở tỉnh nó phải có người trên trung ương, phải có người thầy dùi mới ra được cái này. Điều đó chắc chắn là có, có điều mình chưa làm ra được.
(Theo Tuổi Trẻ)