Cormac McCarthy
Tên sách: Cha và con
Nguyên tác: The Road
Người dịch: Thanh Nhã
Tác giả: Cormac McCarthy
NXB Văn hóa Thông tin
Đúng, chỉ vẻn vẹn có hai người. Không rõ tên, không rõ tuổi. Chỉ biết có một ông bố hơi già. Vợ ông đã mất. Cậu con trai hẳn là còn nhỏ, gầy yếu luôn "xanh xao và run rẩy". Người đọc sẽ gặp họ trong cuộc hành trình dài dằng dặc suốt 294 trang sách. Họ cứ đi và đi, cứ như hai thày trò đang vượt ngàn dặm đường thiên lý giống như thầy trò Đường Tăng năm xưa sang Tây Trúc thỉnh kinh vậy. Nhưng, truyện Tây Du Ký không giống thế. Bốn thầy trò Tam Tạng đi qua bao núi cao, rừng thẳm, gặp không biết bao nhiêu người. Người hiền thánh nhân cũng lắm. Ma quái, yêu tinh cũng nhiều. Còn cha con nhà kia thì đi qua không biết bao nhiêu địa danh mà kể. "Vào trưa ngày hôm sau, họ đi qua thành phố... Thành phố hầu như bị thiêu trụi. Không còn một vết tích nào của sự sống". "Họ tiếp tục lên đường vào buổi sáng. Một vùng đất ảm đạm... Bên trong kho thóc, ba xác chết treo lơ lửng trên xà nhà". "Hai cha con đi qua đồng cỏ... Những thân cây chết khô và xám đen bị tuyết che phủ". "Hai cha con xác định hướng trên bản đồ nhưng thực sự anh không biết mình đang ở đâu". "Anh bắt đầu nghĩ rằng cái chết đang gần sát hai cha con rồi và họ nên tìm một nơi nào đó để chết mà không sợ ai tìm thấy"... Suốt cả chặng đường xuôi phương Nam không có điểm dừng ấy, người đọc chỉ nhận ra sự tàn phá, cô quạnh, sự sống lúc ẩn lúc hiện. Môi trường, nhà cửa, cây cối, đường sá đều như vừa qua một thảm hoạ. Đến con người cũng không thấy đâu (ngoài hai cha con nọ). Quả là một lối dẫn chuyện hết sức lạ kỳ. Nhưng đây là một cách dẫn chuyện "ảo mà thực" của McCarthy. Cái đích ông nhắm tới là thông điệp mang tính thời đại: Sự sinh tồn của con người chúng ta đang bị lâm nguy...
Trang bìa cuốn "Cha và con". |
Hành tung của hai cha con nhà kia rất mơ hồ, bí hiểm. Nhưng đó hoàn toàn không phải là một kết cấu tuỳ tiện, vô bổ. Bố con họ không đi trong vô định. Phải chăng là họ đang trốn chạy khỏi cuộc sống? Những đoạn đối thoại cho thấy ông bố kiên trinh, nhẫn nại, giàu lòng trắc ẩn đến mức nào. Còn cậu con trai bé nhỏ thì khôn ngoan, già dặn hơn tuổi nhiều. Cậu chịu đựng cùng cha mọi nỗi gian nan vất vả khôn cùng. Đói khát, nắng mưa, rét mướt. Nhưng cao hơn cả là sự lo lắng mơ hồ, sự mất niềm tin nghiêm trọng về những con người trong cộng đồng: Họ sẽ tìm cách giết chúng ta. Họ sẽ không giết được cha con mình đâu. Họ có thể lắm chứ... Trong cuộc trường chinh ấy, hai cha con chẳng có gì ngoài đôi chân để bước, đôi bàn tay để lo liệu mọi việc và một quyết tâm đi tìm lẽ sống. Có cảm giác họ đang rơi vào tuyệt vọng, nghi ngờ tất cả. Tác giả tiểu thuyết đặt người đọc vào một trò "ú tim" khi không có một địa danh, một cộng đồng người, một thời gian lịch sử cụ thể nào. Một tiểu thuyết "siêu tưởng" mà mạch sự kiện chỉ được người đọc hình dung qua các cuộc đối thoại triền miên của hai thế hệ trên đường thiên lý. Đúng như tờ Waterstone’s Books Quaterly đã viết: "Vừa sợ, vừa hay, cả câu chuyện đều viết về chúng ta với những điều tốt đẹp nhất và cả những điều xấu xa nhất của con người".
Ai từng đọc Jack London sẽ nhận ra những tình huống khắc nghiệt của cuộc sống trong những trang viết của ông năm xưa được tái hiện trong tiểu thuyết của McCarthy. Mc Carthy quả là bậc thày về đối thoại ngắn. Nhà văn tỉnh táo, lạnh lùng. Hai cha con nhà nọ cứ túc tắc, nhát gừng đối thoại. Nhưng những trang viết của ông toát lên tình nhân văn đặc biệt sâu sắc và cảm động. Cũng bởi những chi tiết trong truyện luôn thay đổi, mới lạ, sinh động và luôn luôn là nghiệt ngã. Cuộc sống ở đây không phải là một bài ca. Cha và con không phải là một cuốn sách có thể đọc ngốn ngấu "ăn sống nuốt tươi" được. Bạn phải đọc nó trong một tâm thế bình tĩnh với một thái độ chiêm nghiệm. Bạn sẽ tự rút cho mình nhiều nhận định về triết lý nhân sinh rất thực, rất thấm thía...
Kết cục là một trong hai nhân vật (người cha) đã gục ngã. Ông đi theo vợ vào thế giới bên kia để lại đứa con bé nhỏ chơ vơ giữa cuộc đời. Nhưng cậu bé năm xưa còn ngơ ngác, dại dột (ở đầu tiểu thuyết) giờ đây đã khác. Cậu bất ngờ gặp được những đồng loại tốt hơn cậu tưởng. Điều đáng nói, đáng suy ngẫm, nằm trong lời bộc bạch của cậu "Con biết rồi. Lửa ở trong con. Luôn ở trong con".
PGS - TS Phạm Văn Tình