Cha tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cha chào đời được một năm thì ông nội mất, để lại cho bà chín người con. Không sao kể hết nỗi cơ cực của bà khi ấy cũng như những tình cảm của bố đối với nội sau này.
Năm 1979, sau 18 năm công tác tại mỏ than Quảng Ninh, cha lâm bệnh phải về nghỉ mất sức. Cha tôi sau này kể lại: ngày mới về đứng dựa cột không vững. Tuy nhiên, “người đứng dựa cột không vững” ấy lại là trụ cột của cả gia đình. Khi sức khỏe được hồi phục, ông đã từng bước cải tạo gia đình: mở rộng diện tích cấy lúa, đấu thầu ao thả cá… duy trì kinh tế, nuôi sống tám miệng ăn trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội.
Nhưng rồi tai họa đã ập đến gia đình tôi khi mà cả anh và em trai đều mắc bệnh ưa chảy máu (tức bệnh Hemofilia). Từ đó, cha tôi đã phải mất hơn 20 năm để bao lần cứu các con thoát khỏi bàn tay của tử thần.
Biểu hiện của bệnh Hemofilia là hiện tượng tự chảy máu trong cơ thể do tiểu cầu luôn tục bị phá hủy. Anh tôi đầu gối sưng to, hay bị bầm tím và đau nhức. Còn em tôi thường xuyên chảy máu chân răng và máu cam. Máu trong cơ thể bị mất đi nhiều khiến hai anh em luôn ở trạng thái nguy kịch. Trong những lần như thế, cha phải đưa các con vào viện cấp cứu.
Ngày ấy, do chưa có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân Hemofilia nên mỗi lần điều trị thường rất tốn kém. Trong một năm có khi em điều trị tạm ổn vừa ra viện thì anh lại phải nhập viện. Suốt 20 năm ấy, không thể đếm nổi đã bao nhiêu lần cha đưa các con đi viện, bao nhiêu bịch máu được truyền, bao nhiêu tiền phải chi trả. Số lần nhập viện nhiều tới mức hầu hết các bác sĩ, y tá khoa truyền máu huyết học của bệnh viện đa khoa tỉnh, viện Nhi Thụy Điển, bệnh viện Bạch Mai bố tôi đều đã quen mặt, nhớ tên.
Từ sau khi nhận thấy tác dụng của thuốc bắc, cha tôi đã tiến hành pháp đồ điều trị một cách đan xen. Khi các con ra nhiều máu, ông cho nhập viện. Còn khi đau nhức thì cắt thuốc bắc về cho uống. Vì thầy lang ở xa, mỗi lần đi cắt thuốc cha phải đạp xe hàng chục cây số. Sau này có lần ông viết thư cho tôi kể lại: “Những trưa hè nắng đỏ lửa, những hôm trời mưa bão đổ cây, đổ cột điện, biết bao gian khổ và nguy hiểm bố đã trải qua để đi lấy thuốc cho các con, khi về nhà luôn nở nụ cười để mọi người được vui vẻ. Những khi ở viện, máu các con chảy, bố phải ngồi dịt và thay bông suốt đêm. Những khi ở nhà, chân các con nhức bố phải cõng trên vai cho bớt cơn đau. Rồi những ngày sắc thuốc, bất kể trời mưa củi ướt hay ngày hè nóng bức đều có bàn tay của bà, của bố mẹ. Tất cả vì các con, tất cả để cứu các con, giành lại sự sống khỏe mạnh cho các con”.
Tuy con cái bệnh tật triền miên song chưa bao giờ cha tôi biểu hiện sự bi quan. Trái lại, ông là người sống gắn bó với đời, sống lạc quan và vui với niềm vui dù rất nhỏ. Một vườn nhãn sai quả, một vụ lúa được mùa hay một buổi chiều tôi xách giỏ cá từ trên đồng về, ông đều đón nhận với niềm tin phấn khởi. Yêu lao động và bởi gia đình còn nhiều khó khăn, đôi bàn tay ông đã gắn bó không ngơi với công việc.
Cha tôi gắn liền hình ảnh của mình với đôi dép cao su: nhỏ nhắn, thô sơ, bền bỉ, giản dị. Ông đã đi đôi dép ấy từ khi về nghỉ mất sức đến hết cả cuộc đời. Cả cuộc đời cha tôi không có gì là cao sang, không phô trương, văn hoa. Ông đã cột chặt nhân cách của mình vào cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đúng như lời Bác dạy. Ông đã phấn đấu suốt đời và rồi cũng để lại cho chúng tôi tất cả: một ngôi nhà cao ráo, một mảnh vườn xanh cây, một cái ao nhỏ gắn liền với bao kỷ niệm, sự sống cho các con… và quan trọng hơn, một nhân cách con người như một pho tượng sống về niềm tin, lòng nhân hậu, sự nhẫn nại mà chúng tôi được thừa hưởng suốt cả cuộc đời.
Gió mùa đông bắc lại về báo hiệu ngày giỗ cha sắp tới. Biết bao đổi thay từ khi bố qua đời. Anh trai đã lập gia đình và sinh cháu gái kháu khỉnh. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm của Chính phủ giúp việc điều trị của hai anh em bớt khó khăn hơn rất nhiều. Con cũng sắp được làm cha. Thời khắc này, trong con lại vẳng lên câu nói của người xưa: “Nuôi con mới biết công cha mẹ” mà lòng lại thương cha đến vô tận vô cùng.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Nguyễn Đình Thiên