Tặng thận cho bệnh nhân là người bố, 63 tuổi. Ngày 24/6, đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết ca ghép thận thành công, bệnh nhân được xuất viện.
Bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo ba lần một tuần. Anh cũng bị suy tim, thiếu máu, không đi tiểu được, huyết áp cao, nhập viện ngày 11/5. Ghép thận là giải pháp cuối cùng để cứu bệnh nhân.
Các xét nghiệm cho thấy thận của người cha tương thích với con trai. Bố tình nguyện hiến một quả thận để ghép cho con. Hội đồng Ghép thận của Bệnh viện Đà Nẵng đã hội chẩn, tính toán các phương án, gần 20 ngày sau quyết định phẫu thuật ghép quả thận từ người cha cho con trai.
Ê kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa nội thận, thận nhân tạo, gây mê hồi sức, ngoại tiết niệu, huyết học... chia thành các nhóm chịu trách nhiệm gây mê hồi sức, phẫu thuật lấy thận, rửa thận, ghép thận. Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ, thành công.
Sau hơn một tuần được ghép thận, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, ăn uống được, các thông số và chức năng thận tiến triển tốt, tiểu 3-4 lít một ngày.
Đây là ca ghép thận thành công thứ 30 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Năm 2015, chương trình ghép thận được tái khởi động tại Bệnh viện Đà Nẵng, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Năm 2018, các ê kip của bệnh viện đã tự chủ ca mổ ghép hoàn toàn.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cũng thông qua đề án thành lập Trung tâm Ghép tạng và Cấy ghép Tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng, với kinh phí trên 495 tỷ. Tòa nhà trung tâm tổng diện tích 2.629 m2, quy mô hai tầng hầm, 11 tầng nổi, dự kiến khởi công cuối năm 2020.
"Không chỉ ghép thận, bệnh viện sẽ triển khai cấy ghép tủy, ghép gan trong thời gian tới", Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết.