Cũng như nhiều cha mẹ khác, anh Xiao Liang (40 tuổi, Bắc Kinh) ban đầu đăng ký cho hai con tham dự cuộc thi người mẫu nhằm giúp con tự tin hơn trước đám đông và thể hiện được bản thân. Nhưng khi thấy hai con thể kiếm tiền được từ đó, họ bắt đầu đầu tư nhiều hơn và ôm mộng xây dựng sự nghiệp cho con cái.
"Cặp song sinh trai - gái nhà chúng tôi khiến những ông bầu đặc biệt chú ý. Vì 'của trời cho' này, tôi muốn tập trung phát triển sự nghiệp cho con mình vì rõ ràng chúng có lợi thế hơn những đứa trẻ khác", Xiao chia sẻ.
Ở Trung Quốc, thị trường quần áo trẻ em đang phát triển nhanh chóng hơn bất cứ mảng nào trong ngành thời trang. Trong năm 2018, thị trường này đạt giá trị đến 40,5 tỷ USD. Con số này kéo theo nhu cầu tìm kiếm người mẫu nhí của các ông lớn trong lĩnh vực thời trang và truyền thông. Do vậy, nhiều phụ huynh muốn con mình có được công việc này.
Mở cửa vào 3 năm trước, Le Show Stars là trường đào tạo người mẫu nhí đầu tiên ở Bắc Kinh với học phí khoảng 820 tệ (2,7 triệu đồng) cho một tuần học.
"Cha mẹ của các em mong muốn công việc này hơn là bản thân các em. Nếu đứa trẻ nào dám không nghe theo lời hướng dẫn trong lớp người mẫu, phụ huynh sẽ sẵn sàng ra tay đánh đập để ép các em phải làm theo", Lee Ku, người sáng lập trường mẫu nhí Le Show Stars cho biết.
Cặp song sinh Yumi và Yuki (4 tuổi), con của Xiao, suốt 2 năm nay được cha mẹ liên tục đưa đến các khóa học làm người mẫu và các sàn diễn thời trang ở khắp nơi.
Ông Xiao cho biết, ở những cuộc thi tuyển chọn người mẫu, các con phải đến phòng thay đồ từ trước 6 giờ sáng dù màn thể hiện được bắt đầu sau 2 giờ chiều. Trong thời gian đó, hai bé sẽ được cho thử quần áo và trang điểm rồi tập dượt để kiểm tra dáng đi và thần thái.
Sau khi được ban giám khảo đánh giá, Yumi và Yuki phải tẩy trang hoặc thay đổi trang điểm, trang phục để đến một nơi khác. Mỗi cô bé cậu bé như vậy có thể kiếm được 10.000 tệ (khoảng 33 triệu đồng) sau mỗi show diễn.
Chuyên gia tâm lý trẻ em Gong Xueping cho biết, trẻ em từ 0 đến 6 tuổi đang trong thời gian phát triển về mặt tinh thần, cần được tự do khám phá. Tuy vậy, làm việc tại sàn diễn khiến các em phải thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau trên khuôn mặt trong một thời gian ngắn, hay thậm chí là trái ngược với tâm trạng thật của trẻ.
"Điều này hạn chế khả năng biểu lộ cảm xúc, mà nhìn xa hơn tâm lý của các em sẽ bị rối loạn, các bé đôi khi thậm chí sẽ không biết mình muốn gì. Tôi thấy đây thật sự là một công việc rất tồi tệ đối với trẻ em trong độ tuổi này", ông Gong chia sẻ.
Xiao và vợ nhận thức được những cạm bẫy của công việc này và cho biết sẽ để tùy con mình lựa chọn có theo đuổi tiếp tục hay không khi chúng lớn lên. "Nếu hai con thật sự có khả năng và mong muốn được theo nghề, tôi sẽ hỗ trợ 100% giúp chúng thực hiện được ước mơ", anh Xiao nói.
Theo ông Wang, một luật sư ở Bắc Kinh, "phần lớn hoạt động kinh doanh người mẫu nhí đều diễn ra trong bí mật. Không hiểu nổi vì sao phụ huynh đôi khi phải chi tiền cho các ban ngành liên quan để được trót lọt".
Mặc dù có quy định giới hạn thời gian làm việc 10 tiếng/ngày, không cho phép trẻ em phát ngôn quan điểm nghề nghiệp, nhưng nền công nghiệp catwalk nhí ở đất nước tỷ dân vẫn đang hoạt động như một cách bóc lột trẻ em nghiêm trọng.
Hồi đầu năm nay, một video gây sốt ghi lại cảnh người mẹ thẳng chân đá và đạp cô con gái 3 tuổi của mình chỉ vì em không làm theo lời của người hướng dẫn tại lớp học. Video đã tạo làn sóng phẫn nộ từ người dùng mạng.
Đầu tháng 8 vừa qua, một clip khác ghi lại cảnh cậu bé người mẫu phải khoác trên người rất nhiều lớp quần áo dày của mùa đông trong khi nhiệt độ bên ngoài là 37 độ C. Video này cũng nhận về hàng loạt lời chỉ trích nặng nề.
Trọng Nghĩa (Theo The Guardian)