Với người Hàn Quốc, những chuyến tham quan vài ngày đến di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng là kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng mạng xã hội nước này đang lan truyền những bài viết được cho là của một giáo viên chia sẻ về chuyến đi đến đảo Jeju cùng học sinh và những "helicopter parents" (cha mẹ trực thăng) bao bọc con cái quá mức. Câu chuyện đang dấy lên cuộc tranh luận về sự cần thiết của những chuyến đi như trên.
Theo bài đăng, 6 phụ huynh, đa phần là các bà mẹ đã đi theo lớp học đến mọi điểm dừng trong hành trình kéo dài ba ngày, hai đêm. Một số ở chung khách sạn với các học sinh, trong khi số khác yêu cầu giáo viên gửi con đến phòng thuê riêng vì đứa trẻ không thích thay đồ chung phòng với các bạn.
Một yêu cầu khác là về thực đơn bữa trưa. Sau khi biết cả lớp sẽ được thưởng thức món thịt lợn đen nướng, món ăn nổi tiếng ở Jeju, một phụ huynh đã yêu cầu đổi sang thịt bò vì con không thích ăn thịt lợn. "Họ đang khiến tôi phát điên", người đăng tải bài chia sẻ viết.
Dưới bài đăng, nhiều người dùng mạng để lại bình luận: "Nếu quá lo lắng cho con, sau họ không cho chúng ở nhà?", "Họ đang hủy hoại cơ hội phát triển sự độc lập của các con".
Rất khó xác thực được người đăng bài vì ẩn danh, nhưng nhiều giáo viên cho biết từng trải qua tình cảnh tương tự.
Tháng 10/2022, Park Hye Soo, giáo viên trung học cơ sở ở Seoul, có tổ chức một chuyến đi trong ngày cho các học sinh đến công viên giải trí. Suốt chuyến đi, nữ giáo viên liên tục thấy bản thân bị giám sát bởi các phụ huynh đi cùng.
"5-6 bà mẹ đi cùng. Số còn lại liên tục gọi điện thoại hoặc nhắn tin yêu cầu tôi không cho con họ đến những địa điểm đông người", nữ giáo viên 31 tuổi nói.
Yang Soo-ji, giáo viên mẫu giáo ở Gyeonggi, cũng gặp trường hợp tương tự. Khi tổ chức lớp học làm bánh cho các học sinh vào đầu năm nay, một phụ huynh đã xuất hiện và nhất quyết đưa con về nhà, như thể không muốn ăn bánh quy được làm ở sự kiện này.
"Tôi đã lên kế hoạch để trẻ có thể chia sẻ những chiếc bánh tự làm với người khác. Tôi cảm thấy cô ấy không tôn trọng tôi với tư cách là một giáo viên", Yang nói.
Tuy nhiên, một số phụ huynh nói rằng hiểu được nguyên nhân khiến nhiều người bảo vệ con cái quá mức.
Sau loạt thảm kịch về an toàn công cộng từng xảy ra, như chìm phà Sewol năm 2014 đến giẫm đạp ở Itaewon năm 2022, nhiều bậc cha mẹ cảm giác rằng không bao giờ được phó mặc hoàn toàn sự an toàn của con cái cho giáo viên, người tổ chức sự kiện, cảnh sát hoặc bất kỳ ai cũng có trách nhiệm, thẩm quyền.
Yang Ji Won, bà mẹ 2 con ở Incheon nói rằng hầu hết các nạn nhân của vụ chìm phà Sewol đều là học sinh trung học tham gia chuyến đi thực tế. "Các bậc phụ huynh đã mất niềm tin rằng hệ thống của chúng ta có thể giữ con cái của họ an toàn. Họ đang làm những gì để có thể bảo vệ những người thân yêu", bà Yang nói.
Trước đó, vụ chìm phà Sewol đã khiến hơn 300 người thiệt mạng để lại vết sẹo khó lành trong xã hội Hàn Quốc, khiến nhiều phụ huynh bắt đầu phân tích rủi ro - lợi ích của các chuyến đi với trường học.
Sau thảm kịch trên, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn tất cả các chuyến đi kéo dài hơn một ngày ở các trường học phải được hơn 70% phụ huynh đồng thuận. Do đại dịch, đến nửa cuối năm 2022, các buổi dã ngoại mới bắt đầu được kết nối lại. Một số giáo viên cho biết trong vài năm qua, các vấn đề an toàn công cộng được ưu tiên hơn mục đích giáo dục trong các chuyến đi thực tế.
Kim Dan Bi, 33 tuổi, y tá trường học ở tỉnh Gyeoggi, cho biết: "Tai nạn liên quan đến trường học ngày càng gia tăng và các vấn đề như lây nhiễm dịch bệnh vẫn xảy ra, dù giáo viên đã nỗ lực quản lý. Điều này không chỉ gây ra các mối đe dọa với sức khỏe, sự an toàn của học sinh mà còn tác động đến xã hội".
Theo thống kê của Bộ giáo dục Hàn Quốc, số vụ tai nạn liên quan đến trường học trong nửa đầu năm 2022 là 64.000 vụ, tăng 20.000 so với một năm trước. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2018 là 57.000 vụ tai nạn.
Trường học nơi y tá Kim đang làm việc đã phải hủy kế hoạch tổ chức chuyến đi hai ngày tới Gyeongju vào tháng 10 năm ngoái vì chỉ có 30% phụ huynh đồng ý. Thay vào đó, nhà trường sẽ thay thế bằng chuyến đi một ngày cho học sinh tới Everland, công viên giải trí ngoài trời lớn nhất cả nước.
Một số chuyên gia về văn hóa thanh niên bày tỏ sự hoài nghi về lợi ích giáo dục từ các chuyến đi thực tế.
Lee Gwang Ho, giáo sư chuyên về tâm lý và văn hóa thanh thiếu niên tại Đại học Kyonggi, nói rằng: "Với thế hệ cũ, các chuyến đi dã ngoại từng mang đến cơ hội trải nghiệm văn hóa và tận hưởng hoạt động giải trí. Nhưng nay mọi thứ đã khác, người ta đi du lịch thường xuyên, khiến hoạt động kia mất đi giá trị ban đầu".
Trong khi đó, tại hầu hết các chuyến đi dã ngoại, học sinh sẽ đến thăm các di tích lịch sử, bảo tàng dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đến buổi tối, các em sẽ cùng nhau tham dự các chương trình biểu diễn tài năng hoặc vận động. Đa phần các học sinh sẽ cùng làm những việc giống nhau trong suốt chuyến đi. Điều này khiến nhiều chuyên gia tiếp tục đặt câu hỏi về mục đích giáo dục có thể đạt được.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ các phụ huynh và học sinh ghi nhận ý nghĩa của các chuyến dã ngoại, nhất là sau thời gian tạm ngưng vì đại dịch.
Cô Woo, một nhân viên văn phòng ngoài 40 tuổi, nói rằng học sinh không thể đạt được những trải nghiệm độc đáo nếu chỉ ngồi trong lớp học. "Ví dụ như con gái 16 tuổi của tôi vừa thực hiện chuyến đi đến Gangneung, tỉnh Gangwon để xem một triển lãm nghệ thuật và tham quan nhà máy chế biến cà phê. Tôi nghĩ việc tiếp xúc với môi trường và con người mới có thể là phần thiết yếu trong quá trình trưởng thành của con trẻ", cô chia sẻ.
Nữ phụ huynh cũng bày tỏ quan điểm cho rằng các hoạt động ngoại khóa không phải là thủ phạm chính gây ra các tai nạn về an toàn. Bởi một số vụ việc không thể tránh khỏi, trong khi số khác là do thiếu an toàn công cộng hoặc người dân không nhận thức được sự nguy hiểm.
Minh Phương (Theo Korea Herald)