Các nhà nghiên cứu từ Đại học Brigham Young và Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã phỏng vấn 388 gia đình có cha mẹ và hai con ở tuổi thiếu niên, các con không cách nhau quá 4 tuổi. Phỏng vấn được thực hiện tại gia đình họ mỗi năm một lần, trong vòng 3 năm.
Câu hỏi cha mẹ hay gặp nhất là "Bé lớn và bé nhỏ khác nhau như thế nào khi đến trường và trong lĩnh vực học tập, chẳng hạn trong việc đạt điểm cao? Anh chị có muốn nói rằng bé nhỏ học ở trường tốt hơn, hoặc bé lớn học ở trường tốt hơn nhiều, hoặc các bé ở đâu giữa hai khoảng đánh giá này?".
Để đánh giá xem kết quả học tập thực sự của những đứa trẻ ra sao, các nhà nghiên cứu cũng thu thập bảng điểm gần nhất của mỗi trẻ trong mỗi lần họ đến phỏng vấn.
Trong vòng 3 năm, khoảng 48% cha mẹ đánh giá con đầu học tốt nhất, bất chấp kết quả điểm số thực tế ra sao. Chỉ có khoảng 33% coi đứa con nhỏ hơn là học tốt hơn, và khoảng 19% đánh giá hai trẻ như nhau.
Chỉ có duy nhất một tình huống cha mẹ dường như đi chệch khỏi quỹ đạo trên, là khi con út là con gái, và đứa đầu là con trai: Trong các gia đình này, cha mẹ có xu hướng coi con út là xuất sắc nhất.
Một điều thú vị là, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mức độ coi trọng của cha mẹ sẽ dự báo sự khác biệt về điểm số của các con: Nếu một đứa trẻ được cha mẹ coi trọng về học tập, điểm số của bé dần dần sẽ cải thiện hơn đứa còn lại. Tuy nhiên, chiều ngược lại không đúng: điểm số của con (dù tốt hay xấu) không thể làm thay đổi đánh giá của cha mẹ về khả năng học tập của con.
Tại sao nghiên cứu này và các công trình trước đây đều tìm thấy có sự thiên vị với đứa con đầu? Các nhà nghiên cứu giả định rằng có thể cha mẹ đã đặt kỳ vọng cao hơn vào đứa con đầu, hoặc chính những đứa con đầu đó đơn giản là đã làm nhiều bài tập ở trường hơn và vì thế dường như có vẻ giỏi và ấn tượng hơn.
"Nhưng vào thời điểm mà đứa con út đạt đến các mốc học tập như anh chị lớn, cha mẹ sẽ xem các thành công của chúng đơn giản chỉ là hoàn toàn bình thường", nhóm nghiên cứu cho biết.
Thuận An (theo huffingtonpost)