Con bị tự kỷ có thể do di truyền từ các rối loạn tâm thần của cha mẹ. Ảnh: corbis. |
Một vài bậc phụ huynh của trẻ tự kỷ đánh giá sự bày tỏ tình cảm trên nét mặt theo cách giống đáng kể với những người bị rối loạn tâm thần, mặc dù họ không xếp chính mình vào diện tự kỷ.
Phát hiện này đã củng cố mối liên quan giữa gene và bệnh tự kỷ, và có thể giúp chỉ ra những gene chịu trách nhiệm đến đặc điểm hành vi của hội chứng này.
Ralph Adolphs từ Viện Công nghệ California ở Pasadena (Mỹ) và cộng sự đã thực hiện các bài kiểm tra về tâm lý trên 42 phụ huynh của trẻ tự kỷ.
Dựa trên các test này, họ xếp 15 ông bố bà mẹ trong đó vào diện "sống khép kín về mặt xã hội", nghĩa là có xu hướng không thích tham gia những cuộc trò chuyện nhỏ, có rất ít bạn thân chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau.
Cả hai nhóm phụ huynh này lẫn phụ huynh của 20 đứa trẻ không bị tự kỷ sau đó được yêu cầu xem một loạt các gương mặt và đánh giá xem những người đó trông hạnh phúc hay sợ hãi.
Nếu người tự kỷ thường chật vật để đọc được cảm xúc trên mặt người khác, thì cả ba nhóm phụ huynh trên đều được cho điểm như nhau trong nhiệm vụ này, đoán đúng trong khoảng 83% số lần.
Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu tìm hiểu các bậc cha mẹ đã đánh giá những khuôn mặt như thế nào, họ phát hiện thấy nhóm cha mẹ sống khép kín có con tự kỷ chủ yếu nhìn vào miệng các chân dung, thay vì vào mắt.
"Điều này là một sự tương đồng đáng kinh ngạc với những gì chúng tôi thông báo trước đây về các cá nhân bị tự kỷ", Adolphs nói.
Ngược lại, người không bị tự kỷ thường quan sát mắt người khác để đọc cảm xúc của họ.
Các nghiên cứu trước kia đã chỉ ra rằng anh em ruột của trẻ tự kỷ thường dành một khoảng thời gian khá lớn để nhìn vào miệng người khác khi giao tiếp, nhưng đây là lần đầu tiên điều này được tìm thấy trên cha mẹ.
"Nó ủng hộ dứt khoát cho quan điểm rằng có nền tảng gene cho căn bệnh tự kỷ", Angelica Ronald, một nhà nghiên cứu về tự kỷ ở Đại học Kings, London, nhận định.
Ronald cho biết bớc tiếp theo sẽ là kiểm tra các bậc phụ huynh này về những đặc điểm tự kỷ khác, như các trục trặc về giao tiếp hoặc hành vi lặp đi lặp lại.
T. An (theo ABC)