"Con cái càng lớn càng lười, không biết thương bố mẹ" là lời than thở thường xuyên nhất của chị Hoa (Hoàng Liệt, Hà Nội) dạo gần đây. Người ta bảo sinh được con gái đầu lòng thì sướng, nhưng 17 năm nay, chẳng mấy khi chị được cô con gái lớp 11 đỡ đần. Tết năm ngoái về quê nội, cô con gái còn khiến chị xấu hổ với họ hàng vì nồi cơm khê ngay hôm mùng Một. Cậu con trai lớp 8 thì suốt ngày cắm mặt vào chiếc máy tính, đến việc ăn cơm cũng không tự giác, đợi mẹ leo từ phòng bếp lên tầng 4 "mời" mới chịu xuống.
Dạo trước, thương con học hành vất vả, chị Hoa thuê ô sin để gánh vác bớt việc nhà. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi ô sin nghỉ, cuộc sống gia đình xáo trộn cả lên. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ đi chợ nấu cơm đến cọ toilet, lau 5 tầng nhà, gập chăn màn cho con sau khi ngủ dậy... đều đến tay chị. Hễ mở lời sai con làm việc nhà là đứa lớn đùn đẩy đứa bé, không tị nạnh thì cũng vùng vằng làm cho có. Sắp đến Tết, nhà người khác nghỉ ngơi vui vầy thì nhà chị như bước vào kỳ lao động thực sự.
May mắn hơn chị Hoa, chị Ánh (Hà Nội) còn được cô cháu gái đang học nội trú ở trường cấp 3 FPT sang đỡ đần mỗi dịp cuối tuần. Đều đặn cứ tối thứ Sáu đến Chủ nhật được nghỉ học, cô cháu gái lại về nhà dì, cùng chị Ánh đi chợ, nấu cơm, chơi với em, dọn dẹp nhà cửa...
Do tính cách cần cù, lại thêm khuôn khổ rèn luyện ở trường, cô cháu làm gì cũng ưng mắt, từ việc lau nhà sạch như lau như li đến việc gập chăn màn vuông vắn như trong quân đội. Nhìn cô con gái lớp 9 của mình vừa lười vừa đoảng, chị Ánh chỉ biết ngán ngẩm, trách mình nuông chiều con quá mức. Thế nên, chị chủ định khi con chuyển cấp, sẽ cho con vào học nội trú tại trường trung học phổ thông FPT như cô cháu để rèn giũa lại.
“Nghe cháu kể thì tôi thấy nếp sinh hoạt nội trú ở trường cháu rất nghiêm ngặt, kỉ luật. Bên cạnh đó, những hoạt động vệ sinh nội vụ luân phiên như rửa bát, quét nhà... khi sống tập thể, hoặc việc thức dậy sớm để rèn luyện thể dục, gấp chăn màn vuông như cục gạch... dưới sự hướng dẫn của giáo viên quản nhiệm cũng khiến các cháu “biết” việc, chịu khó hơn. Nhiều cậu ấm cô chiêu cùng trường cháu tôi sau thời gian học nội trú đã không ngại việc nhà nữa, biết tự giúp đỡ cha mẹ.” – chị Ánh chia sẻ.
Tình trạng học sinh không làm việc nhà khá phổ biến, đặc biệt là ở những gia đình khá giả có thuê người giúp việc. Thậm chí, ở Tây Ban Nha, Chính phủ nước này còn ra dự luật bắt buộc học sinh dưới 18 tuổi phải làm việc nhà, sau khi tình trạng thanh niên thất nghiệp (trên 55%) và bỏ học trong độ tuổi 18-24 (chiếm 23,5%, cao nhất châu Âu) tăng lên mức báo động.
Theo Thạc sỹ tâm lý Trịnh Thị Mai, trẻ không làm việc nhà dễ hình thành tâm lý ỷ lại, thiếu sẻ chia và ngại va chạm trong tương lai. Việc rèn luyện tính tự lập, tính kỷ luật, tinh thần tự giác, cách thích nghi và hoà nhập cho trẻ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống trưởng thành sau này. Trong đó, làm việc nhà là một trong những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết cần được cha mẹ chú ý rèn luyện sớm.
“Để con cái biết chia sẻ công việc nhà với bố mẹ, phụ huynh nên hạn chế trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, phân công lao động rõ ràng, cân đối thời gian học thêm và giải trí cho con. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần biết gợi mở, trò chuyện với con, khích lệ tinh thần khi trẻ làm tốt, cắt tiền tiêu vặt khi làm ẩu hoặc mạnh tay hơn bằng cách cho con rèn luyện tính tự lập trong môi trường học nội trú, sống xa sự bao bọc về vật chất của gia đình.”, Thạc sĩ Mai tư vấn.
An San