Người mẹ 42 tuổi ở Đà Nẵng vội vã tra hỏi và vỡ lẽ hóa ra cậu bé hiểu lầm. Ngọc Trung, con trai chị bắt đầu vào tuổi dậy thì, từng vài lần xuất hiện tình trạng cương cứng, phải xả vào bồn cầu. Một lần chị gái hàng xóm sang dùng nhờ nhà vệ sinh. Hai tháng sau, người này khoe với chị Hằng là đã có thai.
Ngọc Trung hốt hoảng lên Internet tìm hiểu, thấy nói "xuất ngoài vẫn có thể mang thai". Cậu bé đinh ninh mình là bố của đứa bé trong bụng chị hàng xóm nên thú tội với mẹ.
Thở phào vì câu chuyện không nghiêm trọng như mình tưởng nhưng ngay sau đó chị Bích Hằng nhận ra con đang thiếu hụt kiến thức về giới tính và tình dục trầm trọng. Trong lúc giải thích cho Trung, chị cũng bối rối chưa biết cách diễn đạt cho đúng, đôi khi thấy ngượng ngùng. Tìm các lớp để con có hiểu biết hơn nhưng đều phải đợi lịch, chị rủ thêm 5 người bạn khác, cũng đang có con ở tuổi dậy thì cùng đến quán cà phê, mời một chuyên gia hướng dẫn trong hai buổi.
Chị Trần Thị Vân Anh, 50 tuổi, có con đang học lớp 8 tại một trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết mình và nhiều phụ huynh nhận thấy các con đang yêu theo phong trào, nghĩa là bạn có người yêu, mình cũng phải có.
Không biết có nên cho con yêu hay không và nên làm thế nào để bảo vệ con, phụ huynh hai lớp khối 8 xin phép nhà trường được chủ động mời chuyên gia giáo dục giới tính đến nói chuyện với gần 100 học sinh.
Trong buổi học, con chị Vân Anh và các bạn được phân biệt giữa thích và yêu ở tuổi học trò, biết về những nguy hại khi quan hệ tình dục trước hôn nhân, được giới thiệu các biện pháp tránh thai, hậu quả khi lạm dụng thuốc tránh thai và đặc biệt các con hiểu được yêu ở tuổi học trò thì "mất nhiều hơn được".
Sau đó, gần 200 cha mẹ tham gia buổi tọa đàm khác với chủ đề "Đồng hành cùng con", hôm 21/4 do nhà trường tổ chức. Các phụ huynh đến tọa đàm hiểu hơn về tâm sinh lý của con và cách để gần gũi, chia sẻ kiến thức về giới tính, tình dục.
Cũng hoang mang khi con sắp bước vào tuổi dậy thì, cuối tháng 3, chị Lê Hương, 39 tuổi, ở Phú Nhuận, TP HCM một phụ huynh có con 8 và 12 tuổi lên mạng xã hội tự "chiêu sinh" học viên cùng mình mở lớp về giáo dục giới tính, rồi mời thầy về dạy.
Sau một tuần tuyển học viên, chị Hương tìm được 20 người có chung nhu cầu. Họ cùng mở một lớp học qua Zoom, học hai buổi từ 19h30-22h vào đầu tháng 4, với chủ đề "Cùng con đi qua tuổi dậy thì".
Trong hai buổi học, chị Hương và học viên được thầy giáo chia sẻ về những thay đổi tâm lý, sinh lý, giới tính của con, cách để thoải mái trò chuyện, dạy con về giới tính và tình dục mà không phải e ngại.
Chưa có thống kê cụ thể nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục giới tính nhận thấy nhu cầu định hướng cho con của phụ huynh ngày càng tăng.
Trong nghiên cứu về nhu cầu của phụ huynh một trường trung học cơ sở ở Tây Ninh, đăng trên tạp chí Y học TP HCM cho thấy, có đến 60% phụ huynh có nhu cầu đào tạo về giáo dục giới tính cho con. Đa số muốn được đào tạo về những kiến thức giới tính phù hợp cho từng lứa tuổi của trẻ (72%) và kỹ năng lắng nghe, làm bạn với con (53,4%).
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (Trung tâm Ứng dụng Tâm lý- Giáo dục An Nhiên, TP HCM), người được mời nói chuyện trong lớp học của chị Lê Hương, cho biết nhu cầu giáo dục giới tính đang thực sự bùng nổ trong thời gian gần đây. Từ 2019 đến nay, các lớp học về giáo dục giới tính do phụ huynh chủ động đề nghị mở cho con và cho chính mình, tăng dần từng năm.
Nhiều phụ huynh đề nghị ông Huân mở lớp để mình và con cùng học, nhưng có những phụ huynh tự tìm chuyên gia. Có phụ huynh giống chị Hương, chị Hằng, quan tâm đến tâm sinh lý các con nên gom nhau lại tổ chức lớp cho chính mình. Thậm chí, có phụ huynh tự bỏ tiền túi, đóng góp tài chính để mời chuyên gia đến trường hướng dẫn cho con mình và bạn bè. Một số phụ huynh kết nối với nhà trường để mở lớp. Trong trường không sắp xếp được thì tổ chức online, tổ chức ở nhà riêng, ở quán cafe.
"Phụ huynh không còn xem nhẹ việc giáo dục giới tính như trước và cũng tiến bộ hơn khi nhận ra rằng, giáo dục giới tính rộng hơn và nhiều nội dung hơn việc chỉ nói về tình dục", ông Huân nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số (nay là Cục Dân số - Bộ Y tế) đánh giá cao các phụ huynh có sự chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục để trang bị cho mình và con.
Là diễn giả thường xuyên ở các lớp học giáo dục giới tính, ông Phương cũng nhận thấy phụ huynh ở thành phố quan tâm cao hơn khu vực nông thôn.
Theo ông Mai Xuân Phương, hiện nay, kiến thức, kỹ năng của phụ huynh, thậm chí giáo viên của trường còn hạn chế. Nhiều thầy cô nhận được câu hỏi của học sinh thì mặt đỏ gay, xấu hổ, ngượng không trả lời được.
Cha mẹ học sinh cũng loay hoay không biết phải giải thích thế nào cho con mình hiểu, thậm chí còn mắng con còn nhỏ chưa cần biết hoặc trả lời qua loa, sai với thực tế làm học sinh không thỏa mãn, dẫn tới tò mò truy cập vào sách báo, phim ảnh, mạng xã hội tiếp thu không tin chưa được sàng lọc, dẫn đến những câu chuyện đau lòng.
Một khảo sát vào năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỉ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Một nghiên cứu khác của Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) ước tính có trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn (từ 15-24 tuổi) đã từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn.
Thạc sĩ Lê Minh Huân cho rằng phụ huynh là một trong ba trụ cột giáo dục giúp trẻ phát triển. Việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được bắt đầu từ gia đình, thống nhất tác động giữa các thành viên, phối hợp với nhà trường trên cơ sở sự tiến bộ và thực tế xã hội.
Qua hai buổi học ở quán cà phê, chị Bích Hằng hiểu những thay đổi về tâm lý, sinh lý của con và cách truyền đạt kiến thức cho con về tình yêu, tình dục, tâm sinh lý tuổi dậy thì. "Tôi cũng đăng ký một khóa học ba buổi để con hiểu thêm về những thay đổi của bản thân", chị nói.
Trước kia, chị Hương thường bị bất ngờ khi các con kể chuyện yêu đương ở lớp, thường gạt phắt đi. "Học rồi tôi mới hiểu ở tuổi này có những tò mò, thắc mắc về giới tính là bình thường", chị nói.
Phạm Nga