Workshop Âm nhạc nuôi dưỡng cho trẻ 0-3 tuổi: Bố mẹ nào cũng có thể hát của trường Mầm non Koi Steiner, quận Cầu Giấy, chiều 10/4 hướng dẫn phụ huynh hiểu về âm nhạc một cách thấu đáo để mang lại những giai điệu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. Cách kết nối với con thông qua âm nhạc có tần số nuôi dưỡng là một phần quan trọng trong phương pháp giáo dục Steiner, thuộc triết lý của nhà giáo dục người Áo Waldorf Steiner.
Trịnh Thúy Hằng, 27 tuổi, ở quận Ba Đình, đến dự workshop sau khi tìm hiểu phương pháp Steiner trong các hội nhóm nuôi dạy con. Cô muốn học hỏi cách tiếp cận con, cách hát để cùng con ngân nga các giai điệu ở nhà.
Con gái Hằng, 15 tháng tuổi, đang học tại một trường mầm non có phương pháp giáo dục sớm gần nhà. Bận rộn với công việc, Hằng thường chỉ bật các bài hát trên YouTube mỗi tối mà hiếm khi hát cho bé nghe, phần vì tự ti không có giọng hát. Con thích nhún nhảy theo giai điệu mẹ bật và có thể hát, đọc thơ được hơn 10 bài khi có mẹ mồi đoạn đầu.
Cũng muốn học hát như Hằng, Họa My địu đứa con thứ hai mới vài tháng tuổi cùng chồng người Pháp đến buổi chia sẻ. My kể, con trai lớn hơn 2 tuổi của cô học ở Koi và rất thích hát. Nghe cô giáo cất lên vài từ đầu tiên trong bài Rửa tay, bé tự động ra vòi nước rửa sau khi ăn xong. Nếu muốn học sinh chơi xong tự dọn đồ chơi, các cô ở đây chỉ cần hát bài Dọn đồ chơi mà không cần phải nhắc nhở.
Trong căn phòng rộng, kê ba chiếc kệ tối giản trưng bày những con búp bê làm bằng vải, dạ, len và gỗ, Hằng và My cùng gần 30 phụ huynh quây quần học cách kết nối với con qua âm nhạc. Những người tham dự hầu hết có con trong độ tuổi mẫu giáo, có phụ huynh của Koi và cả các cô giáo trường ngoài. Không ít người lặn lội từ tỉnh đến workshop.
Thầy Trúc Thanh và cô Thiên Trang, hai giáo viên của Koi Steiner, là người dẫn dắt buổi chia sẻ. Sau phần "phá băng", giúp mọi người kết nối, làm quen nhau, thầy Thanh hướng dẫn các phụ huynh lặp lại câu: "Tôi yêu tất cả các bạn" nhưng với tốc độ nhanh, chậm, lên bổng, xuống trầm và vừa vỗ tay vừa nói.
Từng người sau đó hát câu trên theo giai điệu của riêng mình. Các giai điệu ấy tiếp tục được kết hợp với nhau rồi ghép nhạc.
Tiếp theo, 11 người được lựa chọn đưa ra một từ đơn hoặc từ ghép, gồm: cây, hoa, cô dâu, tròn, dịu dàng, giai điệu, vui, trong veo, mẹ và trái tim. Cô Thiên Trang đã phổ nhạc cho bài hát ngắn có 11 từ này.
"Tính nhạc vốn đã có sẵn trong giọng nói của mỗi người. Các hoạt động vừa trải nghiệm giúp mọi người cảm nhận âm nhạc trong mình", cô Trang giải thích.
Theo cô Trang, các em bé từ khi chưa chào đời đã có thể lắng nghe âm thanh của mẹ. Đó có thể là tiếng nhịp tim của mẹ, tiếng bố nói chuyện khiến cảm xúc của mẹ thay đổi... Những âm thanh ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn bé. Mỗi khi con khóc, mẹ cũng thường vỗ về: "Mẹ đây" để bé bình tĩnh và nín. Sự vỗ về, an ủi và chăm sóc của mẹ khiến bé cảm thấy yên tâm và được bảo vệ. Mẹ không cần hát hay với dám hát vì âm thanh mẹ tạo ra đã là món quà quý báu, giúp con trưởng thành. Bé không có nhu cầu mẹ hát hay vì với con, tình yêu thương quan trọng hơn cả. Âm nhạc là những thứ đời thường, ở ngay cạnh bạn, có khi là tiếng đồ chơi của bé, tiếng mẹ nấu cơm, rửa bát. Khi phổ nhạc cho các chất liệu này, bài hát sẽ trở nên gần gũi với trẻ.
"Mẹ có thể chế lời rồi phổ nhạc cho việc đi đánh răng, đi tắm cho con. Khi có âm nhạc, lại gắn với hoạt động quen thuộc, con sẽ thích làm những việc ấy hơn mà không cần mẹ giục giã hay nhắc nhở. Phép màu của âm nhạc ở chỗ đó", cô Trang phân tích.
Ở phần trải nghiệm, các mẹ được yêu cầu ngồi thoải mái, nhắm mắt, hít thở đều và nghĩ về nơi mình sinh ra, về thời thơ ấu khi còn là một đứa trẻ sống trong tình yêu thương của gia đình rồi lớn lên từ những giai điệu, âm thanh quen thuộc. Âm nhạc đi vào mỗi người một cách tự nhiên, không cần kỹ thuật cao siêu. Mục đích của phần này nhằm giúp mẹ kết nối với tuổi thơ của chính mình và tìm thấy dòng chảy âm nhạc để kết nối với con.
Phương pháp giáo dục Steiner lựa chọn âm nhạc ngũ cung với 5 nốt cơ bản, trung tâm là nốt La, thay vì 7 nốt như bình thường. Nốt La có tần số 432 hoặc 440 Hz-tần số mang tính nuôi dưỡng, tác động lên cơ thể trẻ và tạo nên sự cộng hưởng giúp thúc đẩy sự phát triển với kết cấu vững chắc.
Hầu hết các bố mẹ, ông bà đều thích nhìn thấy con vui sướng lắc lư, nhảy múa theo các bài nhạc sôi động. Phần lớn các bài hát thiếu nhi trên YouTube là remix, với tiết tấu nhanh, âm thanh mạnh, cực kỳ kích thích trẻ. Tuy nhiên, những loại nhạc này thực sự không tốt cho sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của con, nhất là trong giai đoạn 0-3 tuổi.
Có một thí nghiệm rất nổi tiếng về việc cho cây cối "nghe" nhạc mạnh, nhạc rock. Cái cây sau một khoảng thời gian ngắn đã phát triển theo hướng tránh né khỏi nguồn âm thanh, bởi các loại nhạc này có tần số không phù hợp cho sự phát triển sinh học của tế bào. Chúng không mang tần số nuôi dưỡng mà mang tần số kích thích, mang tính phá huỷ.
Cơ thể của trẻ cũng giống như cái cây này, nếu tiếp xúc nhiều với âm nhạc không phù hợp sẽ làm chậm quá trình hoàn thiện các cơ quan vật lý, quá trình trao đổi chất và não bộ của trẻ.
Trẻ ở lứa tuổi 0-3 chưa phát triển hoàn thiện và vô cùng nhạy cảm với các yếu tố âm thanh. Trong giai đoạn này, toàn bộ năng lượng của trẻ dùng để hoàn thiện các cơ quan vật lý, tạo nền tảng cho các giai đoạn phát triển sau.
Nếu được nghe, được cảm thụ âm nhạc mang tính nuôi dưỡng, vỗ về, trẻ sẽ có thêm sự hỗ trợ giúp phát huy tối đa hiệu quả của quá trình trao đổi chất, phân chia tế bào và hoàn thiện các cơ quan. Mặt khác, âm nhạc còn giúp trẻ kết nối với bố mẹ một cách sâu sắc, giúp con dễ dàng làm quen, luyện tập các vận động và kỹ năng đầu đời.
Buổi chia sẻ kết thúc với phần học hát các bài hát để chơi với con, kết nối với con tại nhà và những bài hát sinh hoạt giúp con yêu thích công việc thường nhật như rửa tay, dọn đồ chơi, uống nước, về nhà... Các mẹ ra về với tâm trạng vui vẻ, háo hức về hát cùng con.
Hằng hài lòng với những gì được tiếp nhận hôm nay. Cô biết cách kết nối và gần gũi với con hơn, nhận ra bấy lâu đã để con tiếp xúc với những âm thanh thiếu sự nuôi dưỡng. Thay vì được nghe âm thanh từ nhạc cụ thật, từ thực tế cuộc sống, con đang nghe qua các thiết bị điện tử.
Bình Minh