Ông bà năm nay 80 tuổi, hàng ngày ở nhà (thuộc quận Tân Bình, TP HCM) với người giúp việc vì con cháu đi làm hết. Dạo gần đây có nhiều thanh niên đến nhà tìm anh hai của tôi (trong khi anh tôi sống riêng và rất ít khi về thăm cha mẹ) để đòi nợ.
Họ cho rằng anh tôi (hiện gia đình tôi không thể liên lạc được anh hai) vay tiền rồi không trả, buộc cha mẹ tôi trả thay, sau đó la hét hăm dọa "đốt nhà" cha mẹ tôi, công khai để lại số điện thoại để "chuẩn bị tiền trả nợ xong gọi họ đến lấy".
Ít nhất 3 lần cửa nhà tôi bị khóa bên ngoài, nhốt toàn bộ người bên trong, phải nhờ người đến cắt khóa... Vài ngày sau nhóm thanh niên lại đến đòi nợ của anh hai tôi, tiếp tục hăm dọa cha mẹ già của tôi.
Tôi đã báo Công an phường 2 lần, nhờ can thiệp giúp đỡ, bảo vệ cha mẹ tôi; cung cấp cho công an số điện thoại của nhóm thanh niên kia... Công an phường đưa cho chúng tôi số điện thoại của 2 cán bộ, dặn "có gì thì gọi chúng tôi xuống".
Mới đây, nhóm thanh niên lại tìm đến hăm dọa cha mẹ tôi, tiếp tục dọa đốt nhà. Bố mẹ tôi gọi công an phường nhưng khi họ đến thì nhóm người kia đã bỏ đi, công an ra về không làm được gì chúng. Tối hôm 17/8, chúng lại đến chửi bới.
Cha mẹ tôi già yếu, bệnh tật, hiện rất hoảng loạn vì bị hăm dọa. Tôi trực tiếp gọi đến số máy kia giải thích "cha mẹ hay chúng tôi không liên quan gì đến khoản nợ (nếu có) của anh hai tôi, đề nghị họ không quấy phá, sẽ báo công an". Thanh niên nghe máy thách thức, chửi tôi xối xả, hăm dọa sẽ đến nhà tôi chém giết và đốt nhà.
Xin cho biết, theo quy định của pháp luật thì gia đình tôi phải làm sao để được bảo vệ?
Chúng tôi đã báo công an phường rồi nhưng với cách xử lý như trên của công an rõ ràng không hiệu quả: cha mẹ già tôi vẫn bị khủng bố, dọa giết. Theo quy định của pháp luật thì công an phường làm vậy có đúng không? Nếu không thì chúng tôi nên gửi đơn cầu cứu đến đâu?
Độc giả Đặng Vịnh
Luật sư tư vấn
Với trường hợp của gia đình, thì anh có quyền tố cáo các hành vi có dấu hiệu tội phạm của nhóm thanh niên trên bằng cách làm đơn tố giác tội phạm gửi lên các các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác về tội phạm.
Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017, thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm bao gồm: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Như vậy, anh có thể gửi đơn tố giác đến các cơ quan, tổ chức được liệt kê ở trên nhưng theo thông thường thì anh có thể lựa chọn các cơ quan như: Công an TP HCM, Công an quận Tân Bình và công an phường nơi cư trú của gia đình anh để gửi đơn tố giác tội phạm trước.
Căn cứ theo thông tin anh cung cấp thì anh đã báo công an phường 2 lần để nhờ can thiệp giúp đỡ nhưng vẫn không có hiệu quả. Vì không đủ dữ kiện về việc liệu tố giác trước đó của anh đã được cơ quan công an phường lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận hay chưa, nên để đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp của gia đình thì anh nên làm đơn tố giác tội phạm và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền (đã được nêu ở trên) để được giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự.
Thời gian giải quyết đơn tố giác tội phạm
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn tố giác thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho anh biết.
Thời hạn giải quyết tố giác là không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác và không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được tố giác nếu thuộc trường hợp tố giác có nhiều tình tiết phức tạp.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn trên thì cơ quan có thẩm quyền có thể gia hạn thêm một lần nhưng không quá 2 tháng (Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Trong trường hợp hết thời gian giải quyết tố giác mà anh vẫn không nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì anh có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận đơn phải thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác. Như vậy, anh cần lưu ý về thời hạn giải quyết tố giác của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo được tốt nhất quyền lợi hợp pháp của mình và gia đình.
Bên cạnh đó, nếu trong quá trình giải quyết đơn tố giác hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết tố giác mà anh vẫn không nhất trí với kết quả giải quyết và/hoặc cho rằng việc giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thỏa đáng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tố tụng hình sự thì anh có quyền khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM