Chưa đến ngày 20/11, hai cô con gái của chị Hương đã nhắc “mẹ phải tặng quà đầy đủ cho cả cô giáo chủ nhiệm và các cô bảo mẫu đấy nhé”. Không muốn con thua thiệt bạn bè, vị phụ huynh phải bỏ gần nửa tháng lương còm để đầu tư quà cáp cho con mang đến tặng thầy cô.
Hoa là món quà được nhiều phụ huynh chọn tặng thầy cô. Ảnh: Cao Lâm |
Cũng như chị Hương, từ một tuần trước ngày Nhà giáo Việt Nam, không ít phụ huynh ở Sài Gòn đã phải dành khá nhiều thời gian để suy nghĩ chọn quà tặng cho thầy cô của con. Việc tưởng đơn giản song theo phụ huynh, nhất là những người có điều kiện kinh tế khó khăn lại không dễ tính toán, bởi ngoài tấm lòng thì món quà còn phải thiết thực để thầy cô dùng được.
Chiều 17/11, sau lời nhắc “hôm trung thu mẹ chỉ tặng cô chủ nhiệm bánh mà không tặng cô bảo mẫu trong khi các bạn khác đều có đủ cho các cô. Lần này mẹ đừng quên nhé”, chị Thủy nhà ở Bình Tân đã phải mua tất cả 6 phần quà mất hơn 2 triệu đồng cho thầy cô của con.
“Dù quà cho thầy cô mang giá trị tinh thần, song vì không muốn con thua thiệt bạn bè nên đành phải cố gắng chọn hàng có giá trị một tí. Kinh tế gia đình khó khăn, nhưng từ đầu tháng trong sổ chi thu, tôi và ông xã đã cân nhắc để dành một khoản cho ‘sự kiện’ này”, chị Thủy nói.
Giải thích việc quà tặng cho thầy cô là tấm lòng tri ân của gia đình và học sinh, song khi con mang bạn bè ra so sánh, sợ con bị thua thiệt, vợ chồng anh Minh, chị Tuyết ở quận 8 đành chọn giải pháp tặng hoa kèm phong bì có 300.000 đồng cho cả giáo viên chủ nhiệm lẫn cô bảo mẫu.
“Tôi đã đi nhiều siêu thị để chọn lựa quà, cuối cùng đành chọn giải pháp tặng hoa và tiền. Thấy cũng ngại vì thiên về vật chất nhưng thầy cô có thể tự mua những thứ mình thích”, chị Minh nói.
Nhiều phụ huynh chọn cách tặng phiếu mua hàng tại các siêu thị. “Món quà này theo tôi có ý nghĩa hơn tiền, vì thầy cô có thể tự vào siêu thị chọn những món đồ mình thích”, một phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, nói.
Trái ngược với tư tưởng “phải đầu tư quà cáp tốn kém”, một số phụ huynh khác lại cho rằng, quà tặng thầy cô chỉ cần mang giá trị tinh thần.
Với các thầy cô giáo, sự chăm ngoan, siêng năng học tập của học trò chính là món quà có giá trị nhất. Ảnh: Cao Lâm |
Theo anh Hòa, kỹ sư xây dựng có con theo học tại trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận 5, chỉ cần một cành hoa, vài dòng gửi đến thấy cô trong tấm thiệp nhỏ thôi cũng là quá đủ rồi. “Không nên tạo cho trẻ phân biệt sự giàu nghèo hơn thua với bạn bè qua món quà tặng cho thầy cô và cũng đừng để bọn trẻ đánh giá thái độ của thầy cô qua giá trị quà tặng”, anh Hòa nói.
Cũng theo vị phụ huynh này, điều đau đầu không phải tìm mua loại quà gì mà là việc phải giải thích cho con lý do mình không đầu tư quà cáp cho thầy cô giáo, bởi các cô cậu cứ khăng khăng: “Quà không có giá trị con sẽ bị thầy cô đì”, hoặc “các bạn tặng quà đắt tiền sẽ được thương yêu hơn”.
Không phủ nhận có một số thầy cô, nhất là giáo viên bảo mẫu tỏ thái độ quan tâm đến quà cáp khiến học sinh có thể hiểu nhầm, song theo thầy hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Bình Chánh, quà cáp không quan trọng bằng cách tặng và tấm lòng của học sinh
"Nhận quà thì ai cũng vui, nhưng là giáo viên, những người làm công tác trồng người, chúng tôi không bao giờ chờ đến ngày ấy để được tặng quà”, thầy nói.
Còn theo cô Kim Chi, giáo viên Trường THCS Chánh Hưng, quận 8, món quà khiến thầy cô vui nhất trong ngày 20/11 chính trông thấy học sinh của mình ngoan ngoãn, chăm học chứ không phải là quà cáp mang tính vật chất.
"Đành rằng thầy cô còn gặp khó khăn về kinh tế, nhưng các trò không nên nghĩ việc tặng quà là một cách để lấy lòng. Học sinh lơ là chuyện học, ngày thường vô lễ với thầy cô, thì món quà từ gia đình em dẫu có giá trị đến mấy cũng không khiến thầy cô vui", cô giáo nói.
Cao Lâm