Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Theo quy định nói trên thì người được quyền yêu cầu ly hôn là vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng. Khi vợ đang mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, chồng không có quyền được yêu cầu ly hôn.
Cha, mẹ, người thân thích khác chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014, “cưỡng ép ly hôn” là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.
Đối chiếu quy định của pháp luật viện dẫn ở trên, vợ chồng bạn hoàn toàn bình thường, rất yêu thương nhau đồng thời vợ bạn đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi nên việc bố mẹ vợ của bạn ép buộc vợ chồng bạn phải ly hôn là trái pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, người có hành vi “Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội