Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể nào về độ tuổi nam nữ được phép yêu đương.
Luật chỉ điều chỉnh về độ tuổi, điều kiện khi nam nữ kết hôn. Tuy nhiên, khi con cái chưa thành niên (dưới 18 tuổi) thì cha mẹ, người giám hộ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc và hướng dẫn, bao gồm cả việc giám sát các mối quan hệ xã hội nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn của con.
Việc cha mẹ cấm bạn yêu, nhốt trong nhà thể hiện tính áp đặt trong giáo dục, quản lý con cái, là hành vi bạo lực gia đình; xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, quyền tự do trong đi lại, quyền được lao động của con cái.
Việc cha mẹ bạn ép buộc bạn kết hôn (nếu có) với một người không dựa trên cơ sở tự nguyện là vi phạm điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình.
Để chấm dứt việc bị quản lý, cấm cản trái pháp luật trong việc yêu đương, bạn có thể thực hiện một số việc sau:
- Chỉ tiếp tục nếu mối quan hệ yêu đương đó trong sáng, không trái đạo đức xã hội (yêu đương vì lý do tiền bạc, vật chất), không vi phạm pháp luật (yêu đương, chung sống với người đang có vợ).
- Sinh hoạt, học tập và làm việc một cách tích cực, có trách nhiệm với bản thân để củng cố niềm tin của cha mẹ đối với bạn.
- Trao đổi với cha mẹ để mọi người hiểu nhau hơn, thông cảm với những suy nghĩ, mong muốn của hai bên, bạn cũng cần chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn để mối quan hệ trở nên gần gũi, tự nhiên.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Bạn nên chia sẻ với người mà bạn tin tưởng trong gia đình như ông bà, cô chú bác lớn tuổi để được lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ.
Trường hợp cha mẹ tiếp tục nhốt không cho bạn đi làm, đi chơi thì bạn có quyền báo cán bộ hội phụ nữ ở địa phương, tổ trưởng dân phố hoặc công an khu vực. Khi đó, cán bộ có chức năng, thẩm quyền sẽ hướng dẫn, giải thích cho cha mẹ bạn biết cách ứng xử phù hợp, đúng pháp luật với con cái.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Hoa
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội