Dạy con tự phục vụ cá nhân ngay từ khi còn nhỏ là một cách giúp con tự lập, trưởng thành. Ảnh: Hoàng Hà. |
Câu chuyện là sự trải nghiệm của chính Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" khi còn là sinh viên tại Nga.
"Đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy một nỗi khó chịu dâng lên vì mình đã ‘gà công nghiệp’ quá thể như thế. Chung quy là chúng tôi đều thiếu kỹ năng sống", tiến sĩ Thụy Anh chia sẻ trong buổi tọa đàm về kỹ năng sống cho trẻ vừa được Alpha Kids tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace Hà Nội.
Theo chuyên gia, kỹ năng sống hiểu đơn giản là những kỹ năng để con người có thể sống và sống sót. Đó là khả năng làm việc thành thục dựa trên cơ sở nắm bắt được kiến thức và nguyên lý của hành động.
Thực tế, nhiều cha mẹ cho rằng không cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho con bởi mỗi người sinh ra đều tự học theo bản năng sinh tồn. Cũng vì thế, họ chỉ chú tâm dạy con kiến thức với mục tiêu cuối cùng là đỗ đạt, điểm cao để rồi khi trẻ lớn lại mất nhiều tiền cho con đi học những kỹ năng để sống.
"Bây giờ như một cái mốt, người người, nhà nhà, trường trường... đều nhắc đến cụm từ ‘kỹ năng sống’ như một khái niệm đẹp đẽ, thần kỳ, đem lại cho trẻ những điều hay ho. Thế nhưng, cha mẹ đang bỏ tiền ra mua những kỹ năng sống cho con mà đáng lẽ ra nếu quan tâm mình đã có thể dạy con từ khi còn nhỏ", tiến sĩ Thụy Anh lý giải.
Theo tiến sĩ, đứa trẻ từ khi mới được sinh ra đã bắt đầu học kỹ năng như: thở, nhìn, nghe, dùng tay nắm bắt, cách tự phục vụ bản thân, kỹ năng ứng xử, kỹ năng đối phó với nhiều tình huống trong cuộc sống... Nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh lại vô tình ngăn cản việc học kỹ năng của trẻ bằng cách làm thay cho con quá nhiều việc.
Chẳng hạn, một em bé một tuổi rưỡi có thể làm quen với việc tự xúc cơm ăn, những việc lặt vặt phục vụ bản thân. Thế nhưng thay vì để trẻ tự xúc ăn thì bà, mẹ lại ngồi đút, cố nhồi nhét cho đủ lượng thức ăn vào người trong thời gian ngắn nhất.
"Trẻ có ăn chậm, rơi vãi lung tung đó cũng là một cách giúp trẻ trải nghiệm. Vì thế, nếu cha mẹ làm thay con là đã tước đi của con cơ hội tự chăm lo cho bản thân", tiến sĩ Thụy Anh nói.
Hay khi trẻ đi học, vì muốn ngay từ đầu con đã phải học giỏi nên mỗi ngày con ngồi học đều có mẹ kèm bên cạnh. Người mẹ đã vô tình làm mất quá trình luyện tập kỹ năng tự học, tự suy nghĩ, tự hành động... của con. Về sau, khi mẹ không giục, bố không mắng thì trẻ sẽ không tự mình lôi sách vở ra được.
"Đến khi trẻ lớn hơn, khối lượng bài vở nhiều lên, kỳ thi đại học sắp đến cha mẹ lại giải phóng việc nhà cho con. Và như thế, con mất hết thói quen làm việc nhà, chăm gia đình hay đơn giản là rửa bát, lau nhà, tự nấu một bữa cơm... Nhiều em khi rời gia đình không biết tự xoay sở ra sao với cuộc sống tự lập", bà Thụy Anh phân tích.
Cũng theo tiến sĩ, nếu thiếu nhiều kỹ năng đơn giản để sống sót thì một người trẻ thông minh, học giỏi bỗng nhiên thuộc vào nhóm nguy cơ cao, dễ rơi vào trầm cảm, không điều chỉnh được tâm lý của mình hoặc rơi vào hoàn cảnh nợ nần, lô đề, cầm đồ... Nếu chỉ đến lúc đó cha mẹ mới tá hỏa lên, cho rằng con mình hư thì thực sự là một điều sai lầm.
"Bố mẹ là những người thầy đầu tiên quan trọng nhất của con trong cuộc sống. Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ không nên bỏ qua những cơ hội giản dị hằng ngày để cùng con học kỹ năng sống. Đó là cách ứng xử trong những tình huống khẩn cấp (cháy nổ, mất điện, đứt tay, tai nạn...), kỹ năng viết, đọc, nghe, nói, bày tỏ cảm xúc, nhận biết cảm xúc của người khác, tự phục vụ bản thân, tạo niềm vui cho mình và những người xung quanh... để trẻ vững vàng bước vào cuộc sống", chuyên gia nhấn mạnh.
Nam Phương