Con dông hình dáng như con kỳ nhông nhưng lớn chỉ độ bằng ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi... Theo những người có kinh nghiệm bắt dông lâu năm, thời điểm cuối xuân đầu hè con dông đến mùa sinh sản nên mập, nhiều thịt. Người ta thường dùng cuốc, xẻng để đào hoặc dùng bẫy để bắt dông.
Dông lột da, bỏ ruột, cắt bỏ đuôi và bốn bàn chân. Khi làm thịt phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vì dông làm xong không được rửa bằng nước lã để khỏi tanh. Thường người ta dùng lá chuối lót khi làm dông để giữ vệ sinh.
Tiếp đến, dùng dao bằm hoặc cho vào cối xay nhuyễn thịt dông cùng với các loại gia vị như tiêu ớt, hành, tỏi, dầu ăn. Trộn đều thịt dông với một ít nấm mèo và bún khô. Dùng bánh tráng mỏng cuốn lại phần thịt đã chuẩn bị trên thành những cuốn đều bằng ngón tay cái người lớn và đem chiên chín vàng.
Chả dông được dọn ra đĩa, ăn kèm với rau sống các loại, dưa leo thái mỏng nhỏ và chén nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt với ít đậu phụng rang. Lấy một miếng bánh tráng, nhúng sơ qua nước cho mềm, để các loại rau sống, dưa leo lên trên, tiếp đến là chả dông, cuốn tròn lại, chấm vào chén nước chắm và thưởng thức. Thỉnh thoảng cắn thêm trái ớt hiểm, tép tỏi đảo Lý Sơn cảm giác nồng ngon tăng lên mới hấp dẫn làm sao.
Vừa ăn vừa cảm nhận chả dông giòn rụm, có vị ngọt thịt, mang hương vị nồng đượm của đồng quê mộc mạc. Món ăn còn có độ dai thơm và ngọt thịt ngon miệng.
Tuyết Thắng