Hơn 30 y bác sĩ, trong đó nhiều người chưa kịp đeo đồ bảo hộ vì mổ cấp cứu, lặng người đi. Lúc này mà ngưng mổ để bảo vệ bản thân thì bệnh nhân sẽ chết. Vài chục giây im phắc trôi qua, kíp mổ lại tiếp tục các thao tác phẫu thuật. Họ động viên nhau "sẽ ổn thôi" để hoàn thành công việc.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vẫn nhớ như in diễn biến của ca mổ 4 năm trước. Sản phụ được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng máu từ âm đạo chảy ào ạt mặc dù đã được đóng bỉm. Máu phun thành vòi bắn vào quần áo các y bác sĩ và thiết bị xung quanh.
Trong tình huống nguy cấp, toàn bộ kíp trực chú tâm giành mạng sống người bệnh nên không kịp dùng trang phục bảo hộ. "Không ai biết bệnh nhân nhiễm HIV", bác sĩ Khải kể lại.
Đóng bụng bệnh nhân xong, các y bác sĩ bắt đầu đi xét nghiệm cho mình. Họ được lập hồ sơ theo dõi, uống thuốc dự phòng ARV, cứ mỗi 3 hoặc 6 tháng xét nghiệm lại. Đây là ca phơi nhiễm HIV cùng lúc đông nhất từ trước đến nay, trong đó có 19 người dính máu trực tiếp của bệnh nhân trên.
"Rủi ro nghề nghiệp, nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan, giang mai... nhưng không vì thế mà mình cứ ngồi mà sợ", bác sĩ Khải nói. "Bác sĩ sản khoa phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ và đối xử bình đẳng giữa các bệnh nhân. Mỗi quyết định đều ảnh hưởng đến hai mạng người".
Con đường đưa Lưu Quốc Khải trở thành bác sĩ khá tình cờ. Trong thời gian làm bộ đội, một lần đến trạm xá, anh chăm chú nhìn bác sĩ trẻ thao tác nhanh nhẹn và tận tình chăm sóc một bệnh binh rồi bỗng thấy "tim mình thổn thức". Từ đó, anh nung nấu ước mơ trở thành người thầy thuốc.
Xuất ngũ, Khải tìm lại những quyển sách hóa, sinh và ôn thi vào Đại học Y Hà Nội. Để có tiền trang trải việc học, anh làm mọi công việc từ phụ hồ đến bảo vệ... Nhờ đó, anh thấu hiểu cuộc sống và luôn ưu tiên những sản phụ nghèo, khó khăn được khám trước.
Thời gian đầu công tác tại khoa sản, anh ngại ngùng khi bị bạn bè trêu chọc. Nhưng anh tự động viên, "đâu phải ai cũng được chứng kiến giây phút những đứa trẻ chào đời". Một trong những ca đáng nhớ nhất với bác sĩ Khải là đỡ đẻ cho vợ, đón đứa con trai đầu lòng lúc còn khó khăn, bươn chải kiếm sống.
"Khi đó, vợ tôi mang bầu gần 9 tháng. Vợ chồng tính còn vài tuần nữa mới sinh, thì tôi còn có thời gian xoay xở", người cha khi đó mới là bác sĩ học việc kể.
Nhưng chị chuyển dạ sớm, lại là thai ngôi ngược. Anh quyết định đỡ đẻ tại nhà để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Nhìn con trai chào đời, anh thấm thía ý nghĩa của câu nói "mẹ tròn con vuông" mà các bác sĩ sản phải khắc cốt ghi tâm.
Hành trình nhiều chục năm trong nghề khiến anh thấu hiểu và đồng cảm với các sản phụ, giúp họ tin tưởng, bớt sợ hãi và an tâm sinh con.
"Nhiều người tưởng công việc này nhàn hạ, chỉ là hướng dẫn người mẹ rặn rồi đỡ em bé, cắt dây rốn. Thực ra mỗi phụ nữ vượt cạn đối mặt với rất nhiều rủi ro, cần sự đồng hành của bác sĩ", anh nói.
Ngoài theo dõi, điều trị cho thai phụ khi mang thai và sinh, bác sĩ Khải còn điều trị vô sinh hiếm muộn, phát hiện sớm ung thư phụ khoa, đỡ đẻ cho những ca sinh khó nhất tại bệnh viện. Anh còn trực tiếp giảng dạy và đào tạo các y, bác sĩ trẻ. "Công việc cứ cuốn tôi đi, 24 giờ mỗi ngày không đủ", bác sĩ Khải nói.
Với mỗi bác sĩ sản, bài toán khó nhất của nghề là trong thời gian ngắn phải đảm bảo người mẹ không bị mất máu nhiều và con không bị ngạt. Khi phẫu thuật, anh luôn cố gắng giữ lại tử cung cho phụ nữ nếu được, bởi còn tử cung là còn hạnh phúc làm mẹ. Anh cũng tự đặt cho mình những quy tắc nghề nghiệp riêng, phải nghiêm túc, tâm sáng, có đạo đức để gắn bó lâu dài với nghề.
Hơn 20 năm qua, bác sĩ Khải không nhớ đã bao lần được nghe tiếng khóc chào đời. Hàng trăm lời chúc, tin nhắn từ những gia đình bệnh nhân, anh lưu lại coi như gia tài. Anh còn được các đồng nghiệp công nhận là cha đỡ "mát tay" nhất bệnh viện. Nhiều người xin lấy tên anh đặt cho con của mình, hoặc xin nhận bác sĩ làm cha nuôi.
"Niềm hạnh phúc mỗi ngày của tôi là tận tay đón những sự sống mới đến với cuộc đời", anh nói.
Thùy An