Năm 2015, cơ quan thuế cho biết, Nguyễn Hà Đông - ông chủ của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird - đã chủ động kê khai và nộp cho cơ quan thuế 1,4 tỷ đồng tiền thuế thu nhập phát sinh từ các trò chơi điện tử, trong đó có Flappy Bird. Trao đổi với VnExpress, một nguồn tin từ cơ quan này cho biết, đây chỉ là số tự kê khai của Nguyễn Hà Đông, tạm tính theo phương án thu nhập từ bản quyền bán ứng dụng (thuế suất 5%). Nguyễn Hà Đông cũng cho rằng hoạt động của mình là xuất khẩu phần mềm và theo quy định hiện nay, không phải chịu thuế Giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng, cơ quan thuế xác định ứng dụng Flappy Bird được cho tải miễn phí tại các chợ ứng dụng trên Google và Apple nên không thể tính là thu nhập từ bản quyền. Phương án tính thuế mới với Nguyễn Hà Đông được cơ quan thuế đưa ra có bổ sung thuế giá trị gia tăng thay vì chỉ thuế thu nhập cá nhân như ban đầu và thuế suất cũng thay đổi.
Cụ thể, ngành thuế xác định đây là hoạt động kinh doanh dịch vụ có gắn với hàng hóa, số tiền thu từ cho thuê ứng dụng để nhúng quảng cáo thuộc nhóm dịch vụ thông tin mã ngành Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
Theo đó, Nguyễn Hà Đông không chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu trò chơi điện tử với Google và Apple mà tạo không gian và thời gian cho hai đơn vị này kinh doanh quảng cáo nên không thể gọi là hoạt động xuất khẩu phần mềm. "Hà Đông cho thuê ứng dụng để nhúng quảng cáo. Nói nôm na giống như có một chiếc xe buýt nhưng anh ta “gián tiếp” thông qua một bên thứ ba để cho các công ty kinh doanh quảng cáo hình ảnh trên thân xe buýt và được chia sẻ thu nhập từ hoạt động kinh doanh này", vị này nói.
Nguồn tin của VnExpress cho biết, năm 2014, thu nhập kê khai của Nguyễn Hà Đông ít nhất là 22 tỷ đồng, trong đó ngoài nguồn thu nhập từ Flappy Bird còn đến từ 3 trò chơi khác là Shuriken Block, Super Ball Juggling và Swing Copters. Như vậy, với hoạt động kinh doanh này, theo quy định tại Thông tư 111/2013, 15% thu nhập từ hoạt động của Nguyễn Hà Đông năm 2014 sẽ phải chịu thuế với thuế suất theo biểu lũy tiến bậc cao nhất là 35%. Còn thuế thu nhập cá nhân trong năm 2015 áp theo thuế suất 1,5 % (Theo Nghị định 12/2015). Thuế giá trị gia tăng đối hoạt động kinh doanh này được quy định theo tỷ lệ 3% trên doanh thu áp dụng đối với các năm 2014 và 2015.
Như vậy, tính riêng năm 2014, tổng thuế phải nộp của Nguyễn Hà Đông khoảng gần 2 tỷ đồng. "Tính cả năm 2015, số thuế ông chủ Flappy Bird nộp có thể trên 2 tỷ đồng", một nguồn tin từ Tổng cục Thuế cho hay.
Nguyễn Hà Đông tha thiết có cơ chế ưu đãi thuế cho các cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ, thay vì chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp. |
Lãnh đạo cấp Vụ của Tổng cục Thuế khẳng định: "Hiện không có quyết định truy thu thuế nào với trường hợp này mà chẳng qua lần này hai bên làm rõ về cách tính thuế. Hơn nữa, cần làm rõ bản thân Nguyễn Hà Đông là một trí thức rất đàng hoàng, chủ động tự kê khai thuế trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hiện nay lợi dụng web đen để làm game 'lậu' và trốn thuế thì trường hợp Hà Đông rất đáng được biểu dương".
Tuy nhiên, dù "tự giác" nộp thuế nhưng cá nhân Nguyễn Hà Đông cũng có những tâm sự về cơ chế ưu đãi thuế hiện nay. Anh cho rằng trong khi Bộ Tài chính đã ban hành nhiều ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ phần mềm thì lại chưa có một cơ chế ưu đãi thuế nào cho những cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm hay sản phẩm công nghệ như anh. "Việt Nam đang có hàng chục nghìn người là thanh niên trẻ yêu thích công nghệ thông tin, khao khát được sáng tạo để tạo công ăn việc làm, đóng góp vào phát triển ngành công nghệ thông tin nhưng hầu hết họ là các thanh niên trẻ, không có điều kiện thành lập công ty, phải đầu tư rất nhiều, thậm chí nhiều năm làm việc không lương mới có thể phát triển một trò chơi hay phần mềm có giá trị kinh tế", Nguyễn Hà Đông nói.
Một đại diện Cục Thuế Hà Nội xác nhận, đầu tháng 4, Nguyễn Hà Đông đã kê khai và nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hà Đông.
Thanh Thanh Lan