Đang du học tại Mỹ, An Trần về nước tham gia chuỗi đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn theo lời mời của gia đình nhạc sĩ. Tại buổi công bố dự án, cha con nghệ sĩ thể hiện nhạc phẩm nổi tiếng, từng được Trần Mạnh Tuấn thu âm trong đĩa Hạ trắng (2002), với màn đệm đàn guitar của MC - ca sĩ Tấn Sơn. Trần Mạnh Tuấn để con thể hiện các quãng cao trào, nhắm mắt phiêu theo giai điệu với những đoạn cô chơi ngẫu hứng.
Kết thúc tiết mục, Trần Mạnh Tuấn mỉm cười nhìn con gái. Phải ngồi ghế do hai chân còn yếu - di chứng hậu đột quỵ, anh cho biết thời gian qua nỗ lực tập vật lý trị liệu, mong sớm đứng lại trên sân khấu lớn. Gần đây, các khớp ngón tay của anh dần linh hoạt trở lại, làn hơi cũng khỏe hơn. "Các đồng nghiệp sợ tôi chưa chơi được kỹ thuật phức tạp do tay còn yếu. Nhưng tôi nói họ không cần lo bởi An Trần sẽ thay tôi đảm nhận các đoạn khó", anh cho biết.
Với Trần Mạnh Tuấn, con gái út An Trần là "dự án lớn nhất đời anh". Cô xuất hiện lần đầu trong liveshow Dấu ấn của bố năm 2013, từ đó hai cha con thường biểu diễn chung ở các đêm nhạc. Theo thời gian, lối chơi nhạc của An Trần ngày càng điêu luyện, được nhiều đồng nghiệp của Trần Mạnh Tuấn ví như truyền nhân của anh. Năm 2021, anh khóc trên giường bệnh khi nghe tin con nhận học bổng toàn phần của Berklee College of Music, trường nhạc hàng đầu Mỹ.
An Trần hiện là đại sứ của quỹ học bổng Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ, cho biết cô là một trong những nghệ sĩ gen Z được gia đình tin tưởng mời dự các concert lớn, cùng tiếp nối di sản nhạc Trịnh. Theo bà, An Trần may mắn được người thầy - người cha "truyền lửa" từ những bước đầu vào nghề. Bà mừng khi cô ngày càng tiến bộ về kỹ thuật biểu diễn, gu âm nhạc, trưởng thành trong suy nghĩ sau thời gian du học. Trịnh Vĩnh Trinh nói: "Với gen nghệ thuật và tinh thần rèn luyện không ngừng nghỉ, cô bé sẽ còn tiến xa trong nghề".
Sắp tới, cha con Trần Mạnh Tuấn tham gia chuỗi đêm nhạc Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy (tháng 6 ở Huế), Hãy yêu nhau đi (tháng 7 ở Quảng Trị), cùng sự góp mặt của Cẩm Vân, Hà Trần, Quang Dũng, Đức Tuấn. Chương trình được thực hiện với tinh thần giao thoa giữa các thế hệ hát nhạc Trịnh, đan xen nhiều tiết mục giao hưởng cổ điển, jazz đương đại, nhạc điện tử. Ngoài An Trần, một số nhân tố mới được giới thiệu như nhạc trưởng Dustin Tiêu, nghệ sĩ violin Hàn Jmi K, giọng ca gen Z Viết Thu.
Trần Mạnh Tuấn, 54 tuổi, sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha mẹ và chị gái là nghệ sĩ cải lương. Anh là nhạc công chơi saxophone duy nhất được đề cử năm lần tại giải Cống hiến. Anh từng thành lập câu lạc bộ jazz Sax n' Art tại TP HCM, làm giám khảo cuộc thi Vietnam Idol 2008. Nghệ sĩ ra hàng chục album, tiêu biểu như Độc tấu Saxophone Trần Mạnh Tuấn (1997), Lời ru mắt em - chung với Vũ Quang Trung, Trần Thu Hà và Bằng Kiều (2000), Biển khát (2001), Hạ trắng (2002), Về quê (2003), Ru ta ngậm ngùi (2009). Tháng 8/2021, anh nhập viện cấp cứu vì đột quỵ, trải qua ba lần phẫu thuật não để hồi phục.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Nhiều tên tuổi gắn liền nhạc của ông như: Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Quang Dũng, trong đó Khánh Ly là giọng hát biểu tượng.
Mai Nhật