Luật sư Phạm Thanh Bình.
- Là người quan tâm vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, ông đánh giá thế nào về việc mẹ Nghĩa có đơn gửi cơ quan tố tụng xin giảm án tử hình cho con?- Bà Phạm Thị Chuân (mẹ Nghĩa) vừa làm đơn gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao xin giảm nhẹ hình phạt tử hình cho đứa con trai độc nhất sau khi ông Nguyễn Đức Hùng (cha Nghĩa) bị tai nạn giao thông chết là việc làm bình thường của người mẹ trước mạng sống con. Nhưng theo quy định của pháp luật, đây không phải là tình tiết mới để tòa cấp phúc thẩm có thể xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Nghĩa.
- Vậy theo ông, cơ hội được xét kháng cáo của Nghĩa trong phiên phúc thẩm sẽ mở ngày 11/11 là gì?
- Phiên tòa phúc thẩm sẽ phải xem xét đến các nội dung kháng cáo của Nghĩa. Để đưa ra quyết định cuối cùng, HĐXX phải xem xét, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mà Nghĩa đã thực hiện, cũng như hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phạm tội đó gây ra.
Quá trình xét xử cũng có thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý chủ quan của HĐXX cũng như áp lực từ phía dư luận. Việc Nghĩa có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo… được pháp luật quy định là các tình tiết giảm nhẹ, nhưng tôi cho rằng với các tình tiết của vụ án đã được công bố thì Nghĩa khó có thể được xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
- Có quan điểm rằng việc kháng cáo của Nghĩa là cách để kéo dài thời gian được sống, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Nguyễn Đức Nghĩa từng nhiều lần khẳng định “sẽ không kháng cáo dù án tuyên thế nào”, nhưng việc Nghĩa bất ngờ kháng cáo cũng là việc bình thường. Đó quyền tố tụng của người bị kết án.
Dù với động cơ gì thì Nghĩa cũng chỉ làm một việc mà pháp luật cho phép bị cáo được làm. Đó có thể là kết quả của sự thay đổi về mặt nhận thức của Nghĩa, mặc dù sự thay đổi này trái với những lời mà bị cáo đã tuyên bố. Trước cái chết, con người ta có thể có nhiều toan tính, nhiều hy vọng nhưng dù gì thì cũng không thể vượt qua các quy định của pháp luật.
Hành vi phạm tội do Nghĩa thực hiện là đặc biệt nghiêm trọng, lý do Nghĩa kháng cáo không giết người với tính chất man rợ khó có thể được tòa cấp phúc thẩm chấp nhận nên khả năng thoát hình phạt tử hình là cực kỳ nhỏ.
- Theo ông, Nghĩa còn có cơ hội nào khác nếu bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo?
- Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TAND Tối cao, bản án phải được gửi lên Viện trưởng VKSND Tối cao. Trong thời hạn hai tháng, Chánh án, Viện trưởng phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, thì TAND Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình.
Cũng theo luật, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Luật sư Hằng Nga.
"Luật pháp không quy định tình tiết giảm nhẹ đối với người là con độc nhất. Nếu Nghĩa ra đầu thú, gia đình có công với cách mạng, hoặc bố mẹ là thương binh liệt sĩ hoặc có thành tích trong học tập và chiến đấu thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 điều 46 Bộ Luật hình sự. Nhưng trong vụ án này, Nghĩa chỉ có tình tiết là thành khẩn khai báo và gia đình có công. Tuy nhiên, Nghĩa lại bị tình tiết định khung là man rợ nên coi như "hòa".
Cách duy nhất Nghĩa được giảm án là gia đình bị hại có đơn xin cho anh ta. Ngoài ra không còn tình tiết nào khác vì hành vi của Nghĩa là cực kỳ man rợ", luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội).
Nguyên Anh