Vụ ẩu đả giữa hai ngôi sao sáng giá nhất là đỉnh điểm cho hỗn loạn ở tuyển Hàn Quốc, dẫn đến việc đội bị loại từ bán kết Asian Cup 2023, còn HLV Jurgen Klinsmann bị sa thải sớm. Sau đó, Lee đã gặp trực tiếp sang Anh gặp đàn anh xin lỗi, và đáp lại là lời kêu gọi tha thứ cho đàn em của Son Heung-min. Nhưng vết thương để lại cho bóng đá Hàn Quốc chưa lành.
Sáng 29/2, huyền thoại Cha Bum-kun dự lễ trao giải mang tên ông lần thứ 36, cho 18 cầu thủ bóng đá Hàn Quốc triển vọng, ở thủ đô Seoul. Tại đây, cựu tiền đạo này bất ngờ có bài diễn thuyết dài về mâu thuẫn giữa Son và Lee, với mong muốn trao đổi nghiêm túc về cách nuôi dạy cầu thủ bóng đá của các bậc phụ huynh.
"Sau Asian Cup, Lee Kang-in đang chịu làn sóng đả kích", Cha Bum-kun nói. "Nhưng bố mẹ Lee và những bậc người lớn cũng đáng bị đánh đòn cùng".
Huyền thoại này còn nói thêm: "Việc người trẻ đánh mất những phẩm chất quý gồm sự khiêm tốn, đức hy sinh là không tốt. Nếu họ vô tình vứt bỏ, người lớn ở bên cạnh nên nhặt và đặt lại vào tay đứa trẻ".
Cha Bum-kun cảm thấy xấu hổ vì bất chấp những lo ngại ấy, điều người lớn ở Hàn Quốc nghĩ đầu tiên lại là nghỉ ngơi và dừng lại, thay vì tích cực giáo dục cầu thủ trẻ. Huyền thoại sinh năm 1953 cho rằng người lớn nên nghiêm túc suy nghĩ xem phải làm gì. Vì vậy, ông đánh giá cao và thấy may mắn khi Son Heung-min làm đội trưởng ĐTQG và sẵn sàng đứng lên nói thẳng với các đàn em.
Cha Bum-kun nhận định nguồn cơn của vụ việc là xung đột giữa các thể hệ trưởng thành từ các nền văn hóa khác nhau. Lee đại diện cho thế hệ cầu thủ trẻ sớm tiếp xúc với văn hóa châu Âu. Anh sinh năm 2001 tại Hàn Quốc, nhưng gia nhập lò đào tạo Valencia ở Tây Ban Nha từ năm 2011. Trong khi đó, Son chịu sự huấn luyện nghiêm khắc của bố đến năm 16 tuổi mới xuất ngoại, đến Học viện Hamburg SV.
Theo huyền thoại Cha, bóng đá châu Âu quan niệm mọi người đều là đồng nghiệp, không phân biệt tiền bối, hậu bối hay lớn bé. Vì vậy, việc cầu thủ bày tỏ quan điểm một cách mạnh mẽ với ban huấn luyện không lạ lẫm. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với văn hóa phương Đông hay Hàn Quốc, nên việc dung hòa khác biệt như vậy trong một tập thể như tuyển Hàn Quốc lúc này không dễ dàng.
Cha Bum-kun quen cả hai nền văn hóa, với 12 năm thi đấu ở Đức từ 1978 đến 1989, rồi giao lưu với nhiều cầu thủ châu Âu sau khi giải nghệ. Tuy nhiên, cựu tiền đạo này vẫn nhấn mạnh giá trị văn hoá phương Đông, điều đã giúp ông và Park Ji-sung vẫn thành công và nhận được tình yêu ở lục địa già.
"Thế hệ trẻ có thể cho rằng việc sự khiêm tốn và hy sinh được đề cao ở phương Đông là lỗi thời và vô dụng", ông nói. "Nhưng mối quan hệ con người ấy là vũ khí và tài sản mà người Hàn Quốc được thừa hưởng".
Cha Bum-kun sinh năm 1953 và được xem là một trong những tiền đạo hay bậc nhất lịch sử châu Á. Ông được Liên đoàn Lịch sử bóng đá và Thống kê quốc tế (IFFHS) trao giải "Cầu thủ thế kỷ của châu Á" vào năm 1999, và xếp thứ 60 trong danh sách cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ của IFFHS. Cha tiên phong thi đấu tại giải VĐQG Đức Bundesliga và được coi là một trong những cầu thủ hay nhất giải.
Cha khởi đầu ở SV Darmstadt 98 mùa 1978-1979, rồi chơi cho Eintracht Frankfurt từ năm 1979 đến 1983, ghi 46 bàn sau 122 trận. Từ năm 1983 đến 1989, ông khoác áo Leverkusen, ghi 52 bàn sau 185 trận. Hai danh hiệu lớn nhất sự nghiệp của Cha là UEFA Cup - tiền thân của Europa League - mùa 1979-1980 và 1987-1988.
Ở đội tuyển Hàn Quốc, Cha thi đấu từ năm 1972 đến 1986, hiện đang là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất (58 bàn) và thi đấu nhiều nhất (136 trận) trong lịch sử đội tuyển.
Trung Thu