Công ty Cổ phần Dịch vụ vận chuyển Thế giới (WorldTrans) thuộc Vietravel Group, phụ trách vận chuyển hàng không cho toàn hệ thống Vietravel. Cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, hàng không đột ngột hứng "cơn
bão" Covid-19, WorldTrans bị chao đảo, rồi gượng dậy, tiếp tục tồn tại vượt qua khủng hoảng và tìm thấy cơ hội mới cho mình.
Ông Vũ Đức Biên - Phó tổng giám đốc Vietravel kiêm Tổng giám đốc WorldTrans chia sẻ hành trình tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
- Covid-19 ảnh hưởng ra sao đến WorldTrans?
- Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, trong đó, hàng không, lữ hành chịu tác động đầu tiên và trực tiếp. Thiệt hại rất lớn khiến cho các hãng vận chuyển lao đao và rơi vào cảnh khủng hoảng chưa từng có.
WorldTrans có ba lĩnh vực hoạt động chính. Thứ nhất là cung cấp vé máy bay cho khách hàng với sàn giao dịch vé máy bay có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, kết nối với hơn 50 hãng hàng không trong và ngoài nước. Thứ hai là cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng doanh nghiệp từ vé máy bay, khách sạn, visa, du lịch trọn gói, nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị... trong và ngoài nước. Thứ ba là thuê nguyên chuyến bay (charter) cho khách hàng có nhu cầu đến các điểm khác nhau trong nước và quốc tế với hơn 500 chuyến hàng năm.
Chúng tôi đặt chỉ tiêu trung bình về doanh thu bán hàng năm 2020 khoảng 3.300 tỷ đồng, tức mỗi tháng phải thu vào gần 300 tỷ đồng. Nhưng tháng 1, gần đúng như kế hoạch, công ty đạt doanh thu 293 tỷ đồng.
Khi Covid-19 đến, doanh thu tháng 2 còn 50 tỷ đồng; tháng 3 và 4 giảm đến 95%, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại gần như bằng 0. Đây là mức giảm và ảnh hưởng mang tính "sốc nhiệt" của WorldTrans từ trước đến nay.
- Cụ thể, mảng bán vé máy bay vốn đóng góp hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho WorldTrans chịu thiệt hại thế nào?
- Thời điểm diễn ra dịch bệnh, toàn bộ các hãng hàng không ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới dừng khai thác. Trong 3 tuần giãn cách xã hội vào tháng 4, gần 200 máy bay ở Việt Nam "đắp chiếu" trên đường lăn, sân đỗ, hoạt động hàng không giảm đến 95% so với trước. Các nước đóng cửa biên giới gần như toàn bộ, chỉ trừ một số chuyến bay ngoại giao, chuyến bay công vụ hay chuyến bay chuyên chở khách đặc biệt về nước...
Sàn giao dịch vé máy bay của WorldTrans phục vụ cho nhiều công ty du lịch và các khách hàng lẻ đã bị "đóng băng" trước những tác động trực tiếp của Covid-19.
Đối với sự ảnh hưởng mang tính đột ngột và sụt giảm doanh thu rất lớn như vậy, công ty nhanh chóng triển khai kịch bản ứng phó "thời chiến".
Theo đó, công ty đã cân đối quỹ dự phòng để lập một kế hoạch tài chính đến hết năm trong trường hợp xấu nhất; đồng thời xác định nhân viên là cốt lõi của doanh nghiệp, dù bất cứ hoàn cảnh nào, không một người lao động nào bị bỏ rơi. Tinh thần đoàn kết và đồng lòng lên cao đỉnh điểm, toàn bộ nhân viên tương trợ lẫn nhau.
- WorldTrans dự kiến có hơn 500 chuyến bay thuê chuyến (charter) năm nay. Mục tiêu này điều chỉnh thế nào trong bối cảnh hiện tại?
- Trong quý I, công ty dự kiến thuê khoảng 170 chuyến charter đi Nhật Bản, Bhutan, Ấn Độ, Hàn Quốc... Song tất cả chuyến bay này đều không thể thực hiện được vì ảnh hưởng của Covid-19.
Tuy nhiên, WorldTrans vẫn tìm ra cơ hội nhằm đảm bảo nhu cầu vận chuyển của người dân từ nước ngoài về Việt Nam và Việt Nam đi các nước. Khi việc di chuyển bằng máy bay thương mại của các hãng hàng không bị hạn chế, thì đó là cơ hội của charter thuê nguyên chuyến bay.
Với vai trò là người dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực bay charter ở Việt Nam, công ty đã tổ chức khoảng 20 chuyến bay đưa du học sinh, lao động về Hàn Quốc... Sắp tới, công ty còn thực hiện một số chuyến bay cho công dân về Ấn Độ. Hoạt động này phần nào giải quyết tình trạng đi lại của người dân, đồng thời mang lại nguồn thu nhất định cho công ty.
- Vì sao công ty thành lập thêm mảng vận chuyển về hàng hóa trong thời điểm này?
- Covid-19 tuy tác động nặng đến nhiều mặt trong xã hội, nhưng chúng tôi đánh giá đây là thời hoàng kim của các chuyến bay chở hàng (Cargo) vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn.
Giữa dịch bệnh, các hãng hàng không thường lệ không bay nữa, nhưng nhu cầu luân chuyển trang thiết bị y tế, thực phẩm, hàng hóa giữa các nước rất lớn. Nếu không có các chuyến bay chở hàng chắc chắn sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy WorldTrans quyết định đánh mạnh vào dịch vụ vận chuyển hàng hóa - Cargo Charter.
Chuyến bay Cargo vào sáng ngày 1/6 vận chuyển hàng hóa sang châu Mỹ vừa qua đã mở đầu cho chuỗi 18 chuyến bay đi các nước châu Âu và Mỹ trong tháng 6 của WorldTrans. Cùng với việc ký kết hợp đồng trị giá 260 tỷ vận chuyển hàng hóa đi các nước, WorldTrans gần như đã hoàn thành tốt kế hoạch 6 tháng đầu năm.
- Các phương án ứng phó của WorldTrans thời dịch là gì?
- WorldTrans đã đưa ra 3 kịch bản để ứng phó ngay khi Covid-19 diễn ra.
Kịch bản thứ nhất: Để tiết giảm chi phí, cuối tháng 1 đầu tháng 2, WorldTrans đưa ra phương án "ngủ đông" (tháng 3-6), đẩy mạnh các hoạt động đào tạo. Song, bộ máy công ty vẫn hoạt động bình thường nhưng theo hình thức online, doanh thu đạt 35% kế hoạch, kết cấu chi phí giảm 65-70%.
Kịch bản thứ hai: phục hồi 50% (tháng 6-8), có thể đạt doanh thu 90% so với dự kiến.
Tuy đưa ra các kịch bản ứng phó, nhưng ngay từ đầu tháng 5, WorldTrans đã "thức dậy" và phục hồi từ giữa tháng 5. Dự kiến, nếu hoạt động Cargo tốt, sang tháng 6, có thể doanh thu, lợi nhuận của công ty sẽ gần như phục hồi 100% do hoạt động Cargo tốt.
Kịch bản thứ ba: phục hồi 100% (tháng 9-12). Nếu một số biên giới mở cửa quốc tế thì WorldTrans sẽ quay trở lại hoạt động 100% các lĩnh vực.
Mặt khác, công ty sẽ đẩy tốc độ Cargo lên để đảm bảo mức độ doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ này lên 150% trong quý IV.
Tuy nhiên, tất cả kịch bản luôn thay đổi theo tình thế. Thực tế, chúng tôi đã phục hồi sớm hơn dự kiến. Song, WorldTrans vẫn dự phòng một kịch bản thứ tư khi diễn biến Covid-19 có thể xấu hơn hiện tại, bằng cách chủ động về vấn đề chiến lược.
- WorldTrans đóng vai trò như thế nào trong hệ sinh thái của Vietravel Group?
- Tôi nhận thấy, trong một doanh nghiệp, nên có những hệ sinh thái khác biệt. Trong hệ sinh thái Vietravel Group, Vietravel chuyên phát triển mảng du lịch; WorldTrans đảm nhiệm các giải pháp vận chuyển, thuê bao nguyên chuyến cho Vietravel; Vietravel Airlines khai thác vận chuyển hàng không... Các yếu tố trong hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành một nền tảng vững chắc.
- Nếu chia sẻ về điểm sáng mà ông nhận thấy bản thân đã đúc kết trong đại dịch, đó sẽ là gì?
- Trong đại dịch, công ty có cơ hội rà soát lại những điểm mạnh và yếu, từ đó đưa ra những giải pháp cải cách toàn diện. Đồng thời, ban lãnh đạo công ty cũng thấy được rằng, nguồn tài chính vững chắc là rất cần thiết để đưa doanh nghiệp vượt qua tâm bão.
Covid-19 tạo cơ hội cho công ty phát triển những loại hình sản phẩm mới: triển khai mảng kinh doanh về hàng hóa Cargo, bước đầu gây chú ý và thành công với nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Ban lãnh đạo cũng nhận thấy tính liên kết sản phẩm với các công ty đối tác. Cụ thể, chúng tôi ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty bảo hiểm Bảo Minh để bán sản phẩm chéo, cũng thu về những kết quả khả quan.
Những ngày khủng hoảng vừa qua đã chứng minh rằng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt chính là mấu chốt giúp công ty tồn tại bền vững, vượt qua mọi thách thức, dù cho đó là biến cố không lường trước.
Chúng tôi cùng đồng lòng vững bước trên "con thuyền", mọi thành viên đều tin tưởng nhìn về phía trước. Những ngày Covid-19 vừa qua, công đoàn công ty đã lập quỹ hỗ trợ nhân viên gặp khó khăn. Không chỉ chia sẻ cùng nhau, chúng tôi còn tham gia tích cực hoạt động cộng đồng. Công ty đã thực hiện hai đợt từ thiện với tổng giá trị hơn 140 triệu đồng ở các điểm cách ly tại Nhà Bè, Củ Chi cùng chung tay với Chính phủ và Bộ Y tế phòng chống dịch bệnh.
Một chia sẻ nữa là trong khủng hoảng, tốc độ của các quyết định cần được thực hiện một cách dứt khoát, nhanh và gọn với tầm nhìn xa. Covid-19 đi qua, WorldTrans không những tồn tại mà còn phát triển hơn nữa. Ban lãnh đạo kỳ vọng, với các giải pháp quyết liệt, WorldTrans sẽ trở thành điểm sáng trong ngành dịch vụ của mình, vượt qua khủng hoảng thành công.
Thư Kỳ