Quan điểm trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4.
Trái với nhiều nhận định cho rằng Việt Nam sẽ khó có cơ hội nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4, CEO Viettel lại quả quyết “cơ hội cho Việt Nam đang rất nhiều”. Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng này khi có những sáng tạo dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình.
Ông Hùng dẫn ví dụ việc rút ngắn thời gian xây dựng công nghệ kết nối mạng viễn thông. Nếu trước đây Việt Nam mất 20 năm để xây dựng mạng 2G; 10 năm để có được mạng 3G, nhưng khi tới công nghệ 4G lại chỉ mất 6 tháng để phủ sóng tận vùng sâu, xa với công nghệ mới nhất, dung lượng lớn...
Vị lãnh đạo Viettel cũng cho rằng, nếu nhìn đây là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, đại gia thì sẽ thất bại. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, của mọi người thì lại là lợi thế của Việt Nam.
Tương tự, nếu nhìn nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp lớn thì Việt Nam cực kỳ lợi thế, bởi đa số doanh nghiệp Việt là nhỏ, siêu nhỏ.
Chia sẻ với lãnh đạo Viettel, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng cho rằng, cơ hội cho mỗi người, doanh nghiệp vào cuộc cách mạng công nghệ thế hệ thứ 4 là rất lớn. Nhưng diện mạo nền kinh tế, thị trường lại được quyết định bởi sự tham gia của nhóm nhỏ, chỉ vài người, thay vì số đông, nhóm lớn như nhiều người vẫn mường tượng.
"Việt Nam đang lần đầu tiên đứng trước một cuộc cách mạng, mà nếu chúng ta không làm gì thì có nghĩa người Việt Nam già mà vẫn còn nghèo”, ông Trương Gia Bình nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, “nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, không biết gì. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 chỉ có giá trị nếu chúng ta đi trước, làm những việc người khác chưa làm, thậm chí làm ngược lại những gì đã có”, ông đúc kết.
Về mức độ "phủ sóng" của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kết quả cuộc khảo sát cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội cho thấy, 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới cuộc cách mạng này. 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% cho rằng không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.
Tuy thế, dưới góc độ doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, công nghệ đang làm thay đổi nhiều mô hình, phương thức kinh doanh. Dẫn chứng với ngành ngân hàng, ông Hưng cho hay, với chi phí giao dịch online rẻ hơn vài chục lần truyền thống, các nhà băng muốn cạnh tranh sẽ phải nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0.
"Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ tốt, lãi suất thấp hơn. Phía ngân hàng sẽ tối đa hoá lợi nhuận, tiết kiệm chi phí, đó là những lợi thế có thể nhìn thấy được mà các ngân hàng đều phải hướng đến", lãnh đạo TPBank chia sẻ.
Còn người đứng đầu Uber Việt Nam - ông Đặng Việt Dũng, lại cho rằng trong ngắn hạn thì Việt Nam chưa thể bắt kịp, còn trung hạn vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi theo ông, về bản chất, muốn đón nhận thế nào còn phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách. Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, muốn bắt kịp cuộc cách mạng này phải có sự đột biến, mà đột biến thì phải có điều kiện. "Chỉ có Nhà nước mới tạo được đột biến”, ông Liên khẳng định.
Dù tạo ra sự thay đổi diện mạo ra sao trong tương lai, thì Chủ tịch FPT – Trương Gia Bình nhấn mạnh, “cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra sức ép khủng khiếp cho cải cách. Đích của cuộc cách mạng còn rất xa, có thể phải 15 năm nữa. Nhưng, muốn thấy đích thì phải bắt đầu từ bây giờ”.
Anh Minh