Cuối năm 2015, sau khi nghiên cứu và xác định rõ ràng các thị trường tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm, Lê Nguyễn Khánh Trình bắt đầu nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Mỹ.
Luật sáng chế Mỹ quy định sự độc quyền, cho phép chủ sở hữu được quyền loại trừ đối thủ cạnh tranh. Họ có thể độc quyền khai thác, sử dụng và bán sản phẩm ra thị trường trong vòng 20 năm. Những ai muốn sử dụng thiết kế đó phải xin phép chủ sở hữu và phải đóng phí bản quyền. Nếu sử dụng trái phép có thể bị kiện ra tòa và phải bồi thường cho chủ sở hữu.
Theo Vũ Liệu, một chuyên viên tư vấn sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, việc đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng có hai cái khó. "Một là hình thức đăng ký, hai là khả năng đáp ứng điều kiện bảo hộ. Nếu thông qua các bên dịch vụ chuyên nghiệp, người nộp đơn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong hình thức đăng ký vì trách nhiệm của họ là cung cấp thông tin. Các công việc còn lại, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến hành".
Còn về đáp ứng điều kiện bảo hộ, vị này cho rằng Mỹ cũng là quốc gia có khá nhiều yêu cầu về tài liệu. Đồng thời, hệ thống thẩm định của họ rất chặt chẽ, kỹ lưỡng nên cũng là thử thách đối với người nộp đơn.
Một thiết kế sản phẩm được cấp bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, phải đáp ứng đồng thời ba điều kiện tiêu chuẩn là sản phẩm mới, sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Trước khi chi hàng nghìn USD đăng ký sáng chế tại Mỹ, Khánh Trình - nhà sáng lập thương hiệu xà đơn xếp Khánh Trình đã thuê một luật sư Ấn Độ tại Mỹ tra cứu thông tin về những sản phẩm giống như vậy liệu từng xuất hiện hay chưa. Luật sư trả về kết quả tra cứu bằng nhiều thứ tiếng, với hơn 20 sản phẩm đã xuất hiện tại nhiều quốc gia. Nhưng khả năng đăng ký thành công bằng sáng chế ở Mỹ lên đến gần 70% vì hình dáng và đặc điểm của xà đơn xếp Khánh Trình khá khác biệt.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm thẩm định hồ sơ, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) mới trả về cho anh kết quả lần đầu. Họ từ chối và cung cấp bằng chứng về 14 sản phẩm tương tự tại Mỹ và Thụy Sĩ. Nhiều sản phẩm đã xuất hiện cách đây cả thế kỷ.
Kết quả này khiến nhà sáng lập thực sự "choáng" bởi luật sư đã thực hiện tra cứu toàn cầu nhưng không tìm thấy thông tin về các sản phẩm này. Mang câu hỏi tới vị luật sư, Trình được trấn an rằng ông này đã có nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ việc tương tự. Hai bên tiếp tục làm việc để trả lời lại thư từ chối của USPTO.
Bất chấp những lý lẽ phản biện lần đầu của Khánh Trình và luật sư, 4 tháng sau, anh tiếp tục nhận được thư từ chối từ USPTO. Họ thông báo rằng đây là quyết định cuối cùng của USPTO.
Lo lắng, rối bời vì đã bỏ ra không ít tiền thuê luật sư, lại bắt đầu việc nộp đơn trong niềm hi vọng lớn, Trình càng thất vọng hơn vì vị luật sư này cũng không còn giải pháp nào tốt hơn nữa để phản bác lại thư từ chối của cơ quan cấp bằng sáng chế tại Mỹ.
Nhưng USPTO vẫn cho Khánh Trình cơ hội bằng thời hạn hai tuần để nộp đơn phúc khảo. Trình buồn bã suốt một tuần. Đến ngày đầu tiên của tuần thứ hai, ý chí chiến đấu của anh bắt đầu trỗi dậy. Anh quyết tâm tự đứng lên bảo vệ sản phẩm con đẻ của mình.
Dành nguyên một ngày để nghiên cứu kỹ các luận điểm từ chối của USPTO, Khánh Trình bắt đầu tìm ra đường hướng để phản biện lại lý lẽ của họ. "Tôi cần tìm ra các luận điểm mới sắc bén hơn để 'cãi' lại USPTO và quyết định chứng minh bằng vật lý (phân tích lực) để họ thấy sản phẩm của tôi là hoàn toàn khác (mang tính sáng tạo)".
Dù luật sư khuyên anh không nên chứng minh bằng vật lý, chỉ nên "nói chuyện" với phía Mỹ bằng ngôn ngữ pháp lý, Trình vẫn bày tỏ sự kiên quyết làm theo ý định của mình. "Đây là cơ hội cuối cùng, tôi không còn gì để mất. Phải thử cách làm mới, khi cách làm cũ không hiệu quả và chính vị luật sư kia cũng không biết phải trả lời lại USPTO thế nào. Nếu không làm như vậy thì lý lẽ phản biện sẽ không đủ thuyết phục", anh nói.
Bằng cách vận dụng kiến thức vật lý phổ thông, Khánh Trình đã vẽ phân tích lực và đề nghị luật sư đưa toàn bộ các luận điểm mới này vào đơn phúc khảo. "Kiến thức vật lý là thứ tôi đã áp dụng trong thiết kế ra sản phẩm, nay lại giúp tôi chứng minh tính sáng tạo của nó. Điều đó cũng giúp khẳng định tôi chính là người đã thiết kế ra sản phẩm chứ không phải sao chép của bất kỳ ai", Trình kể lại.
Ngày cuối cùng của kỳ hạn nộp đơn phúc khảo, anh dành 10 giờ đồng hồ làm việc liên tục cùng luật sư để hoàn thiện đơn xin phúc khảo và thư trả lời USPTO. Văn bản bằng Tiếng Anh, dài 15 trang theo ngôn ngữ pháp lý, Trình đã phải rất tập trung, đọc rất kỹ từng dòng để kịp fax đi trong thời hạn. "Về tới nhà lúc 0:30 sáng, tôi mệt mỏi rã rời. Nhưng trong lòng tràn đầy hy vọng", anh bộc bạch.
Quả ngọt từ sự nỗ lực
Sau một thời gian chờ đợi, Khánh Trình nhận được thư trả lời của USPTO, họ đã chấp nhận cấp bằng sáng chế cho sản phẩm xà đơn xếp Made in Vietnam. Đối với nhà sáng lập thương hiệu, để có được tấm bằng uy tín đó là cả chặng đường đầy khó khăn, thậm chí có lúc gần như tuyệt vọng.
Nhờ việc lấy được bằng sáng chế ở Mỹ thành công, đơn xin cấp bằng sáng chế của Khánh Trình cũng dễ dàng được chấp thuận tại nhiều quốc gia khác như Australia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Phi và Nigeria.
Từ khi được cấp bằng bảo hộ độc quyền cho sản phẩm tại xứ cờ hoa, Khánh Trình đã có cơ sở vững chắc ngăn chặn các thương hiệu khác làm nhái sản phẩm của anh trên sàn Amazon. Doanh thu bán hàng tại Mỹ nhờ vậy được giữ vững và tăng trưởng khá ổn định từ đầu năm 2019 đến nay.
Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế chọn mua xà đơn xếp Khánh Trình trên Amazon tăng 100% so với năm 2019. "Trong giai đoạn cách ly xã hội trên toàn thế giới, khi mọi phòng tập trên thế giới phải đóng cửa, lượng khách hàng mua sản phẩm ngày càng đông. Chúng tôi phải đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ đơn hàng", nhà sáng lập cho biết.
Sản phẩm xà đơn xếp Khánh Trình hiện đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á... và được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Nhiều giảng viên thể hình, yoga... cũng lựa chọn xà đơn xếp Khánh Trình để luyện tập và giới thiệu cho những người yêu thể thao.
Hoài Phong