Giới đầu tư không hoàn toàn hy vọng thị trường chứng khoán năm 2014 sẽ có chu kỳ tăng trưởng giống năm 2007. Tuy nhiên, một chu kỳ tăng trưởng bền vững, an toàn và đi vào chiều sâu là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Xét ở góc độ vĩ mô, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng việc rút vốn gói cứu trợ QE3 sẽ ảnh hưởng lên thị trường. Thực tế, gói cứu trợ QE3 của Mỹ rút dần do thị trường đang dần ổn định, các dòng tiền nóng đổ ngược về Mỹ có ảnh hưởng đến một số quốc gia, nhưng không hẳn là Việt Nam. Qua khảo sát năm ngoái, trên cơ sở có những dòng vốn khác đổ dồn về, Việt Nam hay các thị trường như Nam Phi, Brazil, Ấn độ, Indonesia hầu như không bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này cho thấy tín hiệu vĩ mô là khá tốt.
Các định chế tài chính quốc tế cũng từng khẳng định việc tái cấu trúc cũng như cải cách kinh tế Việt Nam có hiệu quả. Đây là một trong những tác động mạnh mẽ tạo sự tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong nước mang tính lâu dài.
Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn nằm ở tháp tăng trưởng dân số vàng, tức số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây chính là động lực phục hồi nền kinh tế dựa trên sự phát triển về nhu cầu tiêu dùng cũng như nguồn lao động dồi dào để sử dụng cho một chu kỳ tăng trưởng kế tiếp, góp phần kích thích tăng trưởng GDP trong thời gian tới.
Về dòng vốn nước ngoài, tình hình FDI và FII trong năm qua là điều thú vị đối với các nhà kinh tế học. Ngoài những lý do như kinh tế vĩ mô và chính trị Việt Nam ổn định, tôi cũng xét đến vấn đề chính trị tại các quốc gia khác. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay vô tình lại là một trong nhiều yếu tố khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Hơn nữa, Việt Nam đang là một trong 12 nước đàm phán các đối tác về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, trong 12 quốc gia này, Việt Nam lại có nét rất riêng. Đơn giản vì chúng ta khác biệt với nước bạn về mức sống, dân trí, mức độ tự do hoá kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng nền kinh tế. Và chúng ta, dựa trên những yếu tố trên, có thể hưởng lợi nhiều nhất trong vòng đàm phán này, nhất là trong lĩnh vực dệt may, nông phẩm xuất khẩu, chế biến… Đây có lẽ là điểm “kỳ lạ” của đất nước ta so với các nước đàm phán khác.
Nếu vòng đàm phát kết thúc sớm và thành công, nó sẽ tạo điều kiện tác động mạnh mẽ vào xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Vì thế, những doanh nghiệp nào đã đi qua khó khăn của 2013 và còn trụ được thì tăng trưởng sẽ rất lạc quan.
Như vậy, ngoài vấn đề địa chính trị Nhật Bản – Trung Quốc, TPP là yếu tố quan trọng để dẫn vốn FDI, FII vào Việt Nam. Và nó sẽ tích tụ để tạo ra các chu kỳ tăng trưởng mà khởi đầu là từ năm 2014.
Những tín hiệu về cổ phần hóa doanh nghiệp cũng đã được phát đi, giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Những điểm này được gọi là “tích tụ” trên thị trường chứng khoán và tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới. Chu kỳ này có thể xuất hiện từ năm 2014 và kéo dài khoảng 5 năm. Những người dũng cảm trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là những nhà đầu tư đầu tiên hưởng thành quả từ chu kỳ mới đó.
Năm ngoái, chúng tôi đã chuyển tất cả những quỹ đóng thành quỹ mở, chấp nhận để nhà đầu tư rút vốn. Điển hình là VF1, từ giá trị gần 2.000 tỷ, nhà đầu tư rút vốn gần 50%. Nhưng chúng tôi đã tái cấu trúc danh mục, năm 2013 lãi gần 600 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi có ba quỹ đóng và chuyển thành quỹ mở, các thành viên khác trong câu lạc bộ cũng vậy. Tôi nghĩ phải chấp nhận, những gì đã cũ và không còn thích hợp thì nên đóng lại.
Tường Vi ghi