Phát biểu tại phiên hiến kế về phát triển kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra sáng ngày 2/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank thừa nhận các ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức vì tình trạng giả mạo danh tính trên các kênh giao dịch rất nhiều.

Ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019.
Các hình thức giả mạo rất đa dạng, từ sử dụng thông tin giả, dùng thông tin thật nhưng người đến làm thủ tục là giả, thậm chí có tình trạng mua bán thông tin thật rồi thuê người đến làm thẻ hoặc đăng ký ebank để sử dụng tài khoản đó. Việc này đặt các ngân hàng vào tình thế khó khăn trong việc phòng chống tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố...
Để định danh khách hàng, hiện tại ngân hàng mới tra cứu được thông tin về mã số cá nhân, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, dù xác thực thông tin đó là đúng, nhà băng cũng không thể chắc chắn các thông tin đó thuộc về người đang thực hiện giao dịch.
"Nếu Chính phủ có cổng xác thực thông tin và dữ liệu mở, với các yếu tố về sinh trắc học như vân tay, mống mắt hay khuôn mặt... để các ngân hàng khai thác thì tỷ lệ giả mạo sẽ bớt nhiều", ông nhận định.
Theo ông Hưng, TPBank là đơn vị đầu tiên triển khai ngân hàng điện tử tự động hoàn toàn LiveBank - hoạt động ngày đêm không cần giao dịch viên. Ngân hàng đã mất hơn nửa năm để thuyết phục cơ quan quản lý cho phép xác thực khách hàng từ xa qua hệ thống điện tử.
Ông cho biết, việc xác thực khách hàng qua LiveBank giúp ngân hàng yên tâm hơn so với giao dịch trực tiếp tại quầy. Bởi qua hệ thống này, đơn vị có thể thu thập cả vân tay, giọng nói, gương mặt của người đến giao dịch. Từ những yếu tố sinh trắc học này, TPBank lại khai thác để phục vụ khách hàng. Chẳng hạn, họ có thể dùng dấu vân tay đó để rút tiền mà không cần mang theo thẻ hoặc bất cứ công cụ nào khác.
Nhờ đó, hệ thống LiveBank nhận phản hồi tích cực từ người dùng. Nhưng phía nhà băng nhận định đây không phải giải pháp toàn diện vì hạn chế về mặt không gian - phải đặt trạm giao dịch gần khách hàng. Nếu triển khai hàng nghìn ngân hàng tự động như vậy thì rất tốn kém về tài chính, nguồn lực và khó đảm bảo hiệu quả.

Dịch vụ ngân hàng điện tử tự động hoàn toàn LiveBank gia tăng tiện ích cho người dùng.
Hiện đơn vị nghiên cứu các giải pháp để triển khai xác thực trên các kênh khác chẳng hạn trên ứng dụng diện thoại di động. Nhưng phía ngân hàng đề xuất cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng từ phía Chính phủ.
"Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các hệ thống xác thực nhưng mà chưa được pháp luật công nhận. Đến khi có cơ chế rõ ràng, tôi nghĩ việc xác thực danh tính khách hàng trên kênh số thì sẽ tốt hơn và sẽ hạn chế tình trạng giả mạo", ông Hưng cho biết.
Với giải pháp xác thực bắc cầu, tức là lấy kết quả xác thực danh tính khách hàng từ một đơn vị khác, ông cho rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì chỉ cần một đơn vị làm không đúng trách nhiệm sẽ dẫn đến hệ lụy không tốt cho cả một chuỗi sau đó.
Theo ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - hiện tại, đơn vị này đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng nghị định về định danh và xác thực điện tử. Cơ quan soạn thảo đã tiến hành nhiều hội thảo nhằm xin ý kiến từ tất cả các bộ ngành, địa phương trong cả nước cũng như các chuyên gia nước ngoài.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, việc định danh cá nhân gốc thường dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước, hộ tịch... Nhưng hầu hết các dữ liệu này tại Việt Nam đều trong quá trình xây dựng. Để đẩy nhanh quá trình triển khai, quan điểm của bộ là sử dụng các thông tin định danh có sẵn, kết hợp với phương pháp xác thực thuận tiện, dễ triển khai, chi phí thấp. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp có khả năng cung cấp các thông tin định danh, xác thực điện tử để triển khai cũng như tham vấn ý kiến nhằm đảm bảo các quy định có tính khả thi, góp phần phát triển kinh tế số.
Định danh và xác thực người dùng trong môi trường Internet là giải pháp được nhiều nước trên thế giới triển khai, đặc biệt là các quốc gia phát triển về chính phủ điện tử để thúc đẩy kinh tế số, nhằm tiết kiệm kinh phí, tăng hiệu quả hoạt động và giảm giả mạo danh tính. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều hệ thống Chính phủ điện tử và thương mại điện tử, đi kèm với nó là xây dựng nhiều hệ thống định danh và xác thực điện tử. Tuy nhiên, ở quy mô quốc gia chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cũng như giải pháp tận dụng và chia sẻ hệ thống định danh và xác thực này giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa Chính phủ với khu vực tư nhân.
Bên cạnh việc phối hợp xây dựng nghị định về định danh và xác thực điện tử, Văn phòng Chính phủ cũng đang đẩy mạnh việc thiết lập Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cổng dịch vụ sẽ tận dụng các nguồn lực có sẵn để xây dựng nền tảng định danh chung, từ đó chia sẻ lại cho toàn xã hội để phát triển nền kinh tế số, thay vì mỗi đơn vị phải xây dựng một hệ thống định danh khác nhau.

Ông Nguyễn Đình Lợi - chuyên viên Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.
"Trong tương lai, khi có các nghị định về định danh và xác thực điện tử, chúng tôi tin tưởng rằng cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống định danh của các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông hoặc các doanh nghiệp lớn khác trong việc xác định các cá nhân thực hiện giao dịch với khu vực công", ông Nguyễn Đình Lợi - chuyên viên Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết.
Theo ước tính của một công ty tư vấn tại Anh, giải pháp tổng thể về định danh và xác thực điện tử cho chính phủ Anh từ nay đến năm 2021 có thể tiêu tốn đến 100-250 triệu bảng Anh. Bù lại, nó giúp tiết kiệm cho xã hội 5-10 tỷ bảng Anh nhờ tăng hiệu quả hoạt động và chống giả mạo danh tính, đồng thời giúp giải phóng khoảng 58 tỷ bảng Anh cho khu vực tư nhân trong việc phát triển nền kinh tế số. Còn tại Estonia, hệ thống định danh giúp giảm đến 90% thời gian thực hiện các dịch vụ công tại các doanh nghiệp. Tổng thời gian tiết kiệm được tính ra khoảng 2% GDP.