Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 4.000 tỷ đồng để mua sắm đồ dùng, trang thiết bịvăn phòng phẩm..., trong đó chủ yếu là các đồ dùng học tập và các thiết bị văn phòng phẩm. Con số này phần nào đã cho thấy thị trường văn phòng phẩm tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng với nguồn cầu lớn đến từ các đối tượng đa dạng từ học sinh, sinh viên cho đến nhân viên, cán bộ tại các công ty, tập đoàn lớn nhỏ...
Nhận thấy cơ hội và tiềm năng kinh doanh trong lĩnh vực này, cuối năm 2014, anh Bùi Tiến Thành đã quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Thành Thảo tại tỉnh Thanh Hóa, chuyên cung cấp và phân phối giấy vở, văn phòng phẩm.
"Sau quá trình nghiên cứu thị trường để tìm hướng đi, tôi nhận thấy đây là lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong suốt 20-30 năm nhưng chưa có đơn vị nào đầu tư quy mô chuyên nghiệp và bài bản; phần lớn đang hoạt động theo kiểu bán buôn. Đó là lý do ra đời của Tiến Thành Thảo", CEO Bùi Tiến Thành chia sẻ.
Thấy bản thân còn yếu về tài chính, kinh nghiệm và mối quan hệ khách hàng nên khi khởi nghiệp, Bùi Tiến Thành không tập trung đầu tư vào các điểm yếu mà nỗ lực phát huy một điểm mạnh là xây dựng hệ thống bài bản và chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Theo anh, cách kinh doanh truyền thống của các nhà phân phối thường đưa sản phẩm đến từng cửa hàng, đại lý bán. Doanh nghiệp nhập hàng gì sẽ phân phối lại cho đại lý mặt hàng đó. Các đại lý nhập hàng nhưng mức độ hiểu biết chi tiết về sản phẩm dường như không nhiều.
Anh chọn cách làm ngược lại: chấp nhận lỗ ban đầu để đầu tư chi phí xây hệ thống bài bản, đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, từng bước gây dựng thương hiệu... Khi có hàng mẫu, nhân viên sẽ đến chào từng khách hàng và đại lý, giải thích cặn kẽ và chi tiết về từng sản phẩm. Nhờ tính kỹ càng và sự tương tác trong tư vấn đó mà doanh nghiệp dần lấy được lòng tin của khách hàng.
Điều khó khăn nhất mà Tiến Thành Thảo cần phải vượt qua là tính kiểm soát trong kinh doanh. Với vài chục nghìn sản phẩm, thậm chí nhiều ngành hàng có tới 7.000 sản phẩm, nếu không kiểm soát tốt các đơn hàng và dòng tiền, doanh nghiệp dễ bị mất cân đối trong kinh doanh. Bởi vậy, CEO của Tiến Thành Thảo xác định đề cao hệ thống thông qua việc xây dựng chi tiết quy trình, quy chuẩn; chuyên môn hóa mọi vị trí, từ bán hàng, thủ kho, kế toán... đến đội ngũ kinh doanh.
"Lĩnh vực này chỉ nên phát triển từ từ và dần dần, phải hiểu sâu về ngành hàng cũng như hiểu được hết các sản phẩm... chứ không nên tham ôm hết các nhãn hàng. Bởi nếu không tính toán kỹ, cứ có tiền mà nhập hàng về để hàng tồn trong kho, thì chắc chắn sẽ thất bại", CEO 8x cho hay.
Với chiến lược phát triển hệ thống vững chắc, lấy uy tín doanh nghiệp làm trung tâm và dịch vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu... Tiến Thành Thảo dần nhận được sự tín nhiệm của đông đảo khách hàng và đối tác lớn.
Sau 4 năm hoạt động, Tiến Thành Thảo trở thành nhà phân phối lớn tại Thanh Hóa trong lĩnh vực cung cấp hàng giấy vở, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng trở thành nhà phân phối độc quyền cho nhiều nhãn hàng có tên tuổi tại Việt Nam như Thiên Long, FlexOffice, giấy vở Hải Tiến, giấy các loại... thậm chí cả ngành hàng tiêu dùng.
Theo CEO Bùi Tiến Thành, trong những năm tiếp theo, ngoài định hướng phát triển mở rộng thêm địa bàn phân phối ở các tỉnh phía Bắc Trung Bộ, doanh nghiệp còn quyết định đầu tư và chuyển dịch dần sang cả lĩnh vực hàng tiêu dùng và hóa phẩm.
Mới đây, CEO Bùi Tiến Thành - Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất trên toàn quốc năm 2018 cũng tham dự chương trình "CEO - Chìa khoá thành công". Đến với sân chơi này, anh mong muốn rèn luyện bản lĩnh thông qua việc cọ sát, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với các doanh nhân; đồng thời đẩy mạnh uy tín nhân hiệu lẫn thương hiệu cho doanh nghiệp.
Huệ Chi