Ông Trần Duy Phong - CEO Công ty TNHH Tép Bạc - Quán quân Startup Việt 2020 cho biết, chuyển đổi số đang là xu thế của thế giới trong tất cả ngành nghề. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng không ngoại lệ. Công nghệ và ứng dụng AI giúp nhà nông tối ưu hiệu quả nuôi trồng.
Theo đó, Tép Bạc đã nghiên cứu giải pháp, đầu tư ứng dụng giúp tự động hóa quy trình nuôi. Trong 8 năm thử nghiệm, Tép Bạc nhiều lần thử, sai và lại thử, khó khăn chất chồng vì thiếu vốn, đầu ra cho sản phẩm. Chính giấc mơ người Việt phải làm chủ thị trường thủy sản của nước mình, Tép Bạc dần vượt qua các trở ngại. Đơn vị sắp ra mắt hệ thống gồm tủ điều khiển, thiết bị đầu dò đo môi trường ao nuôi và ứng dụng cho người nuôi thủy sản, giúp nhà nông cải thiện kinh tế.
- Người nuôi thủy sản được lợi gì nếu dùng hệ thống này?
- Tính năng nổi bật nhất của Farmext là giải pháp IoT kết hợp nền tảng dữ liệu trung tâm điện toán đám mây, giúp chủ ao quản lý trang trại từ xa.
Trong đó, thiết bị quan trắc môi trường tự động điều khiển và cứ 5 phút lại đo một lần theo các thông số cài đặt rồi gửi dữ liệu về ứng dụng. Thiết bị cảm biến thông báo cho chủ ao chỉ số quan trọng gồm độ pH, nồng độ oxy, nhiệt độ, độ mặn, chỉ số oxy hóa khử ORP.
Mỗi trại nuôi nhỏ (500-2.000 m2) có thể đặt 5 đầu dò cảm biến. Khi có chỉ số nào vượt ngưỡng, ứng dụng hiện thông báo cảnh báo. Chủ ao có thể theo dõi tình trạng nước ở bất cứ đâu, thay vì phải ra ao ngày hai lần sáng, tối để đo các chỉ số như hiện nay.
Với trại nuôi lớn cần đảm bảo độ chính xác, trung thực, ít sai số hoặc rủi ro hơn, hệ thống Farmext vẫn đáp ứng được. Ứng dụng còn giúp chủ nuôi tính toán doanh thu, lời lỗ trong mỗi mùa vụ.
Còn tủ điều khiển sẽ đấu nối, tích hợp công tắc của thiết bị trong trại nuôi như quạt, máy sục khí oxy, máy cho ăn... Thông qua hệ thống Wifi, người dùng điều khiển tủ bằng ứng dụng Farmext trên di động. Thiết bị tự động nhận diện các chỉ số, từ đó người dùng điều chỉnh thiết bị để tạo ra môi trường nước thích hợp. Chẳng hạn, nếu chỉ số oxy trong ao cao quá, có thể tắt bớt quạt trong ao thông qua ứng dụng.
Ứng dụng và bộ đầu dò, kết hợp cùng tủ điều khiển tạo ra một bộ sản phẩm hoàn chỉnh giúp chủ nuôi tự động quy trình nuôi thủy hải sản.
Để tạo thuận lợi cho bà con khi sử dụng, Farmext còn xây dựng các tiện ích hỗ trợ như quy trình nuôi được xây dựng dựa trên thực tế sản xuất, cảnh báo dịch bệnh, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ chuyên gia... Ứng dụng cung cấp khoảng 10 quy trình dành cho người nuôi tôm, cá.
- Nhiều nhà nông nuôi thủy sản dựa theo kinh nghiệm của bản thân và ông cha truyền lại, làm thế nào để thuyết phục chuyển sang ứng dụng công nghệ?
- Với người nuôi tôm, cá lâu năm, đặc biệt là trại nuôi nhỏ, khó khăn lớn nhất là tiếp cận, thuyết phục họ thay đổi thói quen từ nuôi theo kinh nghiệm nhìn bằng mắt, sờ bằng tay, sang sử dụng công nghệ để đo lường chỉ số ao nuôi, tính toán chi phí, thức ăn và doanh thu mỗi vụ.
Để tiếp cận, chúng tôi áp dụng thí điểm Farmext tại một số vùng nhất định, để người dân "mục sở thị" hiệu quả công nghệ. Hiện chúng tôi có hai trại thí điểm tại Cần Giờ, một trại ở Cà Mau, kết quả thu về khả quan. Chúng tôi còn được hỗ trợ từ các tập đoàn lớn để mang hệ thống đến các địa phương có nuôi tôm, cá... Do đó, sản phẩm dần được nhiều bà con khu vực miền Tây biết đến và đón nhận.
Ứng dụng Farmext đã ra đời từ năm 2017, nhưng chỉ chạy phiên bản Beta. Sau nhiều lần hoàn thiện, hiện có hơn 2.500 tài khoản sử dụng, mỗi tài khoản quản lý một đến hai ao nuôi 1.000-2.000 m2. Các thử nghiệm trong nhiều tháng qua cho thấy thiết bị có thể đo chính xác thông số, độ bền cao, do đó chúng tôi tự tin sẽ thuyết phục nhiều nhà nông sử dụng hơn nữa.
- Mất 8 năm nghiên cứu, Tép Bạc xoay sở ra sao để có nguồn thu duy trì hoạt động kinh doanh?
- Bên cạnh thiếu nhân lực, kỹ thuật, chúng tôi gặp trở ngại ở phần cứng khi phải tự thiết kế tất cả chi tiết. Thiết bị IoT dùng quan trắc môi trường nước thường đặt liên tục trong ao nước nên dễ hỏng hoặc cho kết quả không chính xác do môi trường ao nhanh bị bám bẩn.
Êkip mất hai năm nghiên cứu để đầu dò tự động vệ sinh, cho kết quả chính xác, độ bền cao. Cụ thể, chúng tôi cho đầu dò một buồng đo để bảo vệ và đẩy nước ra ngoài khi không đo. Mỗi 5 phút một lần, hệ thống mở ra cho nước vào đo, đầu dò tiếp xúc với nước trong vòng 30 giây đến một phút. Thời gian còn lại, hệ thống đóng lại để vệ sinh đầu dò nhằm đảm bảo độ chính xác cho lần đo sau.
Dựa trên cảm biến nhập từ Mỹ, chúng tôi đã đăng ký bằng sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện thiết bị có thể triển khai trên 700.000 ao nuôi tôm tại Việt Nam. Bộ đầu dò Tép Bạc ra mắt thị trường có giá 29 triệu đồng, gồm một máy đo 4 chỉ số, bảo hành một năm, tuổi thọ kéo dài hai năm (so với các sản phẩm trước đó chỉ sử dụng trong 8 tháng). Tủ điều khiển thì tùy theo công suất điện, có giá 8-15 triệu đồng.
Còn ứng dụng Farmext, chúng tôi cũng đập đi xây lại nhiều lần, với ba phiên bản khác nhau, cải tiến công nghệ liên tục để phù hợp với người dùng Việt.
Trong nhiều năm nghiên cứu, đã vài lần chúng tôi định bỏ cuộc. Tuy nhiên, chính sứ mệnh và mục tiêu chuyển đổi số ngành thủy sản Việt Nam đã thôi thúc đội ngũ tiếp tục thử, sai và lại thử.
Cả thế giới đều chuyển đổi số, ngành thủy sản Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nếu chúng tôi không làm, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ làm. Nhưng điều tôi muốn, là người Việt cần làm chủ thị trường thủy sản của người Việt. Tối ưu quy trình nuôi trồng giúp nhà nông làm giàu trên chính quê hương mình.
Do vậy, chúng tôi lấy ngắn nuôi dài, dựa vào những dự án nông nghiệp khác mà công ty đang triển khai để có doanh thu duy trì nghiên cứu hệ thống Farmext suốt 8 năm. Trong vài ngày tới, Farmext chính thức ra mắt thị trường.
- Ra mắt sản phẩm trong bối cảnh Covid-19, Tép Bạc có những kịch bản gì để hoàn thành kế hoạch đề ra?
- Mục tiêu doanh thu 2021 là 10 tỷ đồng, bán 150 bộ sản phẩm. Hiện chúng tôi có một xưởng sản xuất ở quận Bình Tân với năng suất 5 bộ mỗi tháng. Để đạt mục tiêu, êkip tăng tốc độ tối đa kể từ tháng 6, có thể outsource (thuê ngoài) nếu cần.
Chúng tôi cũng đang làm việc với đối tác lớn, trung tâm khuyến nông địa phương để tạo động lực cho thị trường thay đổi. Đích đến cuối vẫn là giúp trại nuôi nhỏ và người nông dân chuyển đổi số.
Tuy nhiên, Covid-19 là thách thức lớn. Nguồn chip đặt từ Mỹ về chậm hơn so với dự kiến, ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung. Để khắc phục, chúng tôi đặt số lượng nhiều hơn thay vì đặt lượng ít như trước đó, đồng thời tìm nhiều đối tác uy tín cung ứng linh kiện.
Chúng tôi cũng tận dụng thời gian giãn cách để chuẩn bị chỉn chu các tài liệu cho việc ra mắt sản phẩm, dự trù tình huống xấu nhất là phải xin tài trợ hoặc gọi vốn trước kế hoạch.
Sau giải thưởng Quán quân Startup Việt 2020, Tép Bạc được thị trường biết đến nhiều hơn, ký hợp đồng thêm với một số đối tác. Hiện công ty có 15 nhân sự. Website có khoảng 23.000 người dùng đăng ký, 10.000 lượt truy cập mỗi ngày
- Chiến lược của Tép Bạc trong thời gian tới?
- Tép Bạc có kế hoạch bốn bước gồm: xây dựng nền tảng quản lý, tự động hóa quy trình cho người nuôi, phát triển nền tảng thương mại điện tử và nguồn dữ liệu cho ngành thủy sản. Giai đoạn xây nền tảng đã hoàn tất.
Trong giai đoạn thứ hai này, chúng tôi phát triển máy cho ăn tự động, giúp chủ nuôi giảm tải nguồn nhân lực ao nuôi. Từ năm 2022 tập trung phát triển trang thương mại điện tử, liên kết với đối tác tham gia, minh bạch khâu trung gian, từ đó giảm giá thành con giống cho người nuôi, đem đến sản phẩm chất lượng, giá tốt cho người dùng.
Đặc thù của ngành thủy sản Việt Nam và các chủ nuôi nhỏ lẻ là chưa có nguồn dữ liệu để đánh giá lý do thành công hoặc thất bại. Do đó ở giai đoạn cuối, Tép Bạc kỳ vọng xây dựng nguồn dữ liệu cho ngành thủy sản tại Việt Nam, có thể áp dụng được trên toàn thế giới, kết hợp cùng công nghệ AI để tự động hóa, khép kín quy trình nuôi thủy sản cho nhà nông.
Hà Thanh (Ảnh: Tép Bạc)