Hiểu được mã DNA xuất phát từ giá trị
nhân văn giúp SHB xây dựng giá trị cốt lõi
lấy tâm làm gốc trong mọi hành động,
theo bà Ngô Thu Hà.

Từ ngân hàng nông thôn vốn điều lệ 400 triệu đồng, sau ba thập kỷ phát triển, SHB nằm trong top 4 Ngân hàng TMCP lớn nhất thị trường với vốn điều lệ hơn 36.000 tỷ đồng, tăng gần 90.000 lần.

Bà Ngô Thu Hà, CEO Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, đồng thời, cũng là người chứng kiến gần hai thập kỷ chuyển đổi mô hình ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị của SHB, chia sẻ với độc giả VnExpress chìa khóa phát triển và định hướng trong tương lai của nhà băng.

- Sau 30 năm, từ ngân hàng nông thôn vốn điều lệ 400 triệu đồng, SHB có hành trình tăng vốn hơn 90.000 lần, nằm trong nhóm 4 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống. Điều gì tạo nên sự thay đổi đó?

- Chính sự đổi mới không ngừng đã tạo nên SHB ngày hôm nay. Sự đổi mới bắt nguồn từ định hướng chiến lược trong câu chuyện nhận sáp nhập Habubank.

SHB là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam thực hiện nhận sáp nhập một ngân hàng khác. Đây cũng là thương vụ duy nhất đến nay có thể sáp nhập thành công hai ngân hàng cùng niêm yết trên sàn chứng khoán (khi ấy là HNX), có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới, nhân sư tương đương. Đó có thể coi là một thương vụ ngoạn mục.

Nhận sáp nhập Habubank vào tháng 8/2012 và đến 2016, SHB tiếp tục nhận sáp nhập Vinaconex - Viettel, sau đó thành lập Công ty tài chính tiêu dùng SHBFinance.

Là ngân hàng duy nhất nhận sáp nhập cả ngân hàng và công ty tài chính thực sự rất vất vả. Chúng tôi vừa phải đối mặt biến động của thị trường, vừa nỗ lực giải quyết những tồn tại bất cập của các công ty sáp nhập. Để làm tốt điều này, chúng tôi phải dành nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ hoạt động kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra khi ấy, SHB làm thế nào để vừa xử lý các tồn tại, vừa tích lũy nội lực để đảm bảo hoạt động phát triển an toàn, bền vững.

Do đó, việc tăng vốn đối với ngân hàng là rất quan trọng nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo chuẩn quốc tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển của HĐQT là mở rộng hoạt động ra nước ngoài và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các định chế, tổ chức quốc tế.

Về mạng lưới, SHB là ngân hàng TMCP tư nhân đầu tiên có chi nhánh ở cả Lào và Campuchia và sau đó thành lập ngân hàng con tại hai quốc gia tại Đông Dương, mở văn phòng đại diện tại Myanmar. Trong tương lai, chúng tôi xây dựng kế hoạch vươn xa hơn nữa ra các thị trường châu Úc, châu Âu, châu Phi nhằm mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm.

Vài năm gần đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì chiến lược kinh doanh cũng cần thận trọng hơn. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, SHB cùng khách hàng, tổ chức nhiều cuộc họp với các Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ, giúp khách hàng phục hồi.

Không phải chỉ bây giờ mà SHB luôn luôn tồn tại tinh thần cầu thị và đổi mới. Chúng tôi luôn giữ tinh thần không già, luôn giữ tinh thần trẻ, trẻ sáng tạo, trẻ nhiệt huyết. Phải luôn nhận thức và sẵn sàng đổi mới thì mới phát triển được.

Cùng với sự biến động không ngừng của thị trường, SHB phải chuyển đổi chính mình để bắt kịp sự phát triển của thị trường, vươn lên bứt phá. Tại SHB, chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện ở khắp mọi nơi, bắt đầu từ tư duy mỗi người, từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ nhân viên.

- Để phát triển và tạo dấu ấn trên thương trường, mỗi doanh nghiệp đều cần định danh bằng một mã DNA của riêng mình. Theo bà, mã gene của SHB được định vị ra sao trong suốt ba thập kỷ?

- Tôi có duyên công tác tại SHB từ 2008, là một trong những lớp cán bộ đầu tiên làm việc tại trụ sở Hà Nội đặt tại phố Thái Hà. Trong gần hai thập kỷ, tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi tại SHB như sáp nhập ngân hàng, tăng vốn điều lệ, lên sàn chứng khoán…

Song, trong suốt khoảng thời gian đó chỉ có một điều không đổi là sự tự hào, yêu thương với nơi mình công tác. Ở SHB, lúc nào tôi cũng cảm nhận được sự tự hào, yêu thương từ chính mình cũng các anh chị em, các bạn nhân viên, thế hệ này nối tiếp thế hệ sau…

Có một giá trị văn hóa lớn người SHB luôn tin tưởng là sự nhân văn, xuất phát từ tâm đến mọi hành động. Nếu có văn hóa nhân văn dù ở cương vị nào cũng dễ thành công, vì mọi thứ đều là tình cảm chân thật, xuất phát từ tâm và từ tim.

- Trên thương trường khốc liệt nơi người ta nói về doanh số, lợi nhuận, về chuyện thành hay bại, SHB lại đề cập ở góc nhìn nhân văn. Dấu ấn nhân văn được thể hiện như thế nào qua các thương vụ của ngân hàng?

- Mỗi thương vụ sáp nhập, tiếp quản đều có màu sắc, đặc thù riêng. Nhưng nếu đề cập ở giá trị nhân văn, thương vụ nhận sáp nhập Habubank đã thành công ở góc độ nào đó. Vì đến nay, gần như tất cả các cán bộ nhân viên Habubank vẫn ở lại gắn bó với SHB. Đó là cuộc sáp nhập rất thành công từ con người, đến tác động xã hội và sau đó là sự phát triển.

Nhiều cán bộ nhân viên gắn bó lâu năm tại Habubank vẫn đang tiếp tục cống hiến tại SHB. Nếu họ thấy văn hóa, sự phát triển của tổ chức không phải tương lai họ mong muốn, điều này sẽ không xảy ra. Điều này minh chứng rõ nét nhất tại sao SHB có được như ngày nay, có được anh chị em nhiệt huyết và đạt được sự phát triển như bây giờ.

Tại ngân hàng, chúng tôi xây dựng mọi giá trị từ tâm, xuất phát từ chính cán bộ nhân viên và từ con người để phát triển.

- Để bản thân chính mình hay một nhóm lãnh đạo tin vào triết lý kinh doanh của mình không khó. Nhưng làm thế nào để khiến hơn 70.000 cổ đông ủng hộ quyết định kinh doanh của ngân hàng?

- Theo thống kê, SHB là thuộc nhóm đầu các doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất với hơn 70.000 cổ đông.

Cổ đông là người đồng hành với ngân hàng nên SHB luôn đặt mục tiêu phải làm cho cổ đông yên tâm, tin tưởng vào sự phát triển của nhà băng. Do đó, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, SHB luôn đảm bảo lợi ích của cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ tăng dần từ 7% đến nay là 18% theo tốc độ phát triển bền vững của ngân hàng.

- Trong 10 năm tới, SHB sẽ đổi mới thế nào?

- Với chiến lược phát triển trong giai đoạn 2022-2027, SHB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số một về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu. Chúng tôi sẽ trở thành ngân hàng số được yêu thích nhất.

Để đạt được mục tiêu đó, SHB tập trung vào bốn trụ cột gồm đổi mới thể chế, cơ chế; lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; con người là chủ thể; nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đổi số.

Với bốn trụ cột đã đề ra, SHB sẽ phải đổi mới từ cơ chế thể chế, bộ máy tổ chức trong đó, cán bộ nhân viên là chủ thể quan trọng. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình để nâng cao giá trị cán bộ nhân viên, nâng cao kỹ năng, năng lực, kiến thức, quan hệ nội bộ và quan hệ xã hội.

Không phải chỉ bây giờ, ở SHB luôn luôn tồn tại tinh thần cầu thị, đổi mới. Chúng tôi giữ tinh thần không già, luôn hừng hực ngọn lửa của tuổi trẻ - trẻ nhiệt huyết, trẻ sáng tạo. Phải luôn tỉnh táo để nhận thức và sẵn sàng đổi mới, ngân hàng mới phát triển được.

Trong tương lai, để đi được chặng đường dài, chúng tôi chia ra thành các hành trình ngắn hơn để triển khai từng bước, đảm bảo sự phát triển bền vững. SHB sẽ có những bước đột phá thúc đẩy mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Nội dung: Hồng Thảo - Thiết kế: Hằng Trịnh - Kỹ thuật: Sơn Bá

Nội dung: Hồng Thảo - Thiết kế: Hằng Trịnh
Kỹ thuật: Sơn Bá