Sado Germany Window là một trong những doanh nghiệp bán sỉ (B2B) sản phẩm nhôm kính tại Việt Nam. Công ty vừa ký kết hợp tác với ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - Phó Chủ tịch CenGroup nhằm nâng cao vị thế trong mảng bán lẻ (B2C).
![Ông Nguyễn Công Chính (trái) - Tổng Giám đốc Sado Germany Window và ông Phạm Thanh Hưng tại lễ ký kết giữa hai đơn vị, hôm 12/12.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2019/12/16/VNe-2-3198-1576486579.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9CBdkVnomQ5Q6mOr60OeZA)
Ông Nguyễn Công Chính (trái) - Tổng Giám đốc Sado Germany Window và ông Phạm Thanh Hưng tại lễ ký kết, hôm 12/12.
- Sau 10 năm hoạt động ở thị trường B2B, tại sao Sado quyết định lấn sân sang thị trường B2C?
- Từ trước đến nay Sado chủ yếu làm B2B. Công ty không cần triển khai mạnh hoạt động PR, marketing, bởi các đối tác thường tìm đến chúng tôi và ký hợp đồng. Nhưng B2B là mảng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp rất lớn. Chúng tôi muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Để làm B2C doanh nghiệp phải có đại lý cả online và offline ở trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã có hệ thống đại lý trong nước và mở rộng đại lý tại các nước như Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan; chuẩn bị ký kết với các đại lý ở Myanmar, Đức, Australia và Canada.
Một lý do khác để Sado quyết định "nhảy" vào mảng bán lẻ, là chúng tôi đề ra chiến lược kinh doanh: hàng chất lượng cao với giá thấp hơn các đối thủ cùng phân khúc; đồng thời cạnh tranh với hàng Trung Quốc tràn lan, giá rẻ hơn và chất lượng không cao. Tôi tin tưởng sản phẩm Sado có chất lượng vượt trội, mức giá ngang bằng hoặc rẻ hơn hàng Trung Quốc sẽ dần giành được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Vấn đề quan trọng là Sado cần nâng cao hoạt động truyền thông để người tiêu dùng hiểu được một sản phẩm nhôm kính cao cấp khác dòng thấp cấp như thế nào.
- Vì sao Sado chọn hợp tác với Shark Hưng?
- Shark Hưng không chỉ là nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, mà còn là người làm thương hiệu và marketing nhận được sự yêu mến của cộng đồng.
Trong khi đó, bản thân Sado đã xây dựng được vị thế nhất định trong mảng bán sỉ nhôm kính, được các nhà thầu, nhà quản lý trong ngành xây dựng, các chuyên gia kĩ thuật cũng như đội ngũ kiến trúc sư trong và ngoài nước tin tưởng qua các dự án trọng điểm như sân bay T2 – Đà Nẵng, sân bay Vân Đồn, sân bay Cam Ranh, một phần sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều công trình tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... Nhưng chúng tôi chưa phát triển mạnh về bán lẻ, việc xây dựng thương hiệu đại chúng với khách hàng cá nhân còn hạn chế. Vì vậy, Sado muốn lan tỏa các giá trị tới khách hàng là hàng triệu người dân Việt Nam. Chúng tôi xác định cần nâng cao hoạt động xây dựng thương hiệu, marketing, bán lẻ online - offline qua đại lý và xuất khẩu.
Shark Hưng đã đứng ra kêu gọi đầu tư 12 triệu USD cho Sado. Sự tham gia của những công ty khai thác quặng boxit, nhôm là hoạt động đầu tư cho tương lai. Chúng tôi nghĩ rằng họ đã nhận ra thấy tiềm năng của thị trường cũng như tin tưởng công nghệ của Sado.
![Ông Nguyễn Công Chính - Tổng Giám đốc Sado Germany Window.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2019/12/16/VNe-1-6105-1576486579.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rQOEKOv3v_PG5JOxlhlmlw)
Ông Nguyễn Công Chính - Tổng Giám đốc Sado Germany Window.
- Sado có lợi thế và khó khăn gì khi chuyển hướng sang bán lẻ?
- Chúng tôi tự tin về các sản phẩm của Sado với công nghệ, quản lý và chất lượng của Đức, có giá thành phù hợp với phần đông người tiêu dùng Việt Nam. Sado chỉ thu về 5% lợi nhuận nhằm có dòng tiền xoay vòng.
Sado có 100 đại lý, nếu sau 1 năm trừ hết các khoảng chi phí, các đại lý có lợi nhuận khoảng 1 triệu USD, tức là khoảng 23 tỷ đồng.
Trước đây, với doanh thu 1.000 tỷ đồng, Sado có thể lời 200 tỷ đồng, nhưng với chiến lược này, nếu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng thì chúng tôi mới đạt mức lợi nhuận đó.
Tuy nhiên, dù mức lợi nhuận chỉ bằng 1/4, nhưng để có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, được người tiêu dùng biết đến thương hiệu, lựa chọn sử dụng sản phẩm đồng thời mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn cho các đại lý thì Sado cho rằng đó cũng là thành công.
- Để hiện thực hóa chiến lược này, Sado đã có sự chuẩn bị như thế nào?
- Đây là chiến lược đòi hỏi công ty đầu tư lâu dài. Chúng tôi đầu tư máy móc tiên tiến, tự động hóa, giúp sản phẩm đạt chất lượng cao và giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng, lỗi. Tôi lấy ví dụ, máy cắt kính hiện đại khi được tối ưu tốt sẽ giảm phần kính thừa so với sản xuất đại trà, máy móc cũ. Sado cũng lập kế hoạch tỉ mỉ để tối ưu hóa quy trình vận hành sản xuất gồm dây chuyền sản xuất, vận chuyển để có mức giá rẻ nhất, hoặc thời điểm sản xuất nào sẽ có giá điện thấp nhất...
Ngoài ra, chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng công suất máy lên gấp 4 lần, tận dụng hết công suất nhằm tạo nhiều công ăn việc làm cho nhân công và đại lý, đưa những sản phẩm tốt ra thị trường.