Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 10/6, ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, cuối năm 2019, ban lãnh đạo dự báo môi trường kinh doanh năm nay sẽ khó khăn hơn. Bởi "con đường không còn cỏ xanh và nắng ấm" như hai năm trước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dự báo này vẫn còn lạc quan. Từ khi dịch bệnh bùng phát, thị trường nữ trang biến động rất mạnh. Kế hoạch bán hàng cho mùa cao điểm ngày Thần Tài, Valentine và Quốc tế phụ nữ đều huỷ bỏ vào phút chót để chuyển sang kế hoạch mới. Nhiều tiệm vàng phải chuyển sang trạng thái ngủ đông, mua bán - sáp nhập hoặc rời thị trường.
"PNJ vì thế cũng phải chuyển chiến lược từ rải bom tấn sang bắn tỉa chính xác từng mục tiêu để thích nghi với điều kiện phức tạp hiện nay", ông Thông ví von.
Lãnh đạo PNJ đánh giá, sự chuẩn bị từ nhiều năm trước và thay đổi nhanh giúp công ty ghi nhận doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 410 tỷ đồng trong quý đầu năm. Kết quả kinh doanh vẫn đi lên, thị phần tiếp tục gia tăng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty không thể tránh được khoản lỗ 90 tỷ đồng khi phải đóng cửa đến 85% cửa hàng.
Tác động của dịch bệnh cũng buộc công ty thay đổi kế hoạch kinh doanh trước phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên. PNJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.485 tỷ đồng, giảm 15%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế ban đầu từ tăng 15% thành giảm 30%, còn 832 tỷ đồng.
Lý giải về kế hoạch tăng trưởng âm, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết, dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng, dẫn đến rất nhiều thay đổi so với điều kiện kinh doanh bình thường. Các hợp đồng xuất khẩu không có, hoặc nếu có cũng không thể giao hàng. Mảng bán sỉ giảm sút mạnh vì sức mua lao dốc, các tiệm vàng không đặt hàng.
"Chưa năm nào chúng tôi giao kế hoạch cho ban lãnh đạo khó như năm nay. Chúng tôi vừa động viên, vừa ép các bạn phải thực hiện được", người đứng đầu PNJ nói. Đồng thời, bà đề nghị công ty treo thưởng cho Hội động quản trị và các lãnh đạo chủ chốt 1% lợi nhuận sau thuế nếu hoàn thành kế hoạch. Nếu đạt 115% mục tiêu lợi nhuận, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu thưởng (ESOP) với tỷ lệ 0,85% cổ phiếu đang lưu hành.
Ban lãnh đạo PNJ khẳng định, bối cảnh để đạt những con số này không dễ. Công ty sẽ chú trọng vào hoạt động bán sỉ, cạnh tranh với các sản phẩm xách tay trên thị trường. Công ty đăng ký thêm các ngành nghề nhằm bổ sung cho hoạt động thương mại điện tử và bán trả góp.
Đối với mảng đồng hồ, doanh số năm ngoái tăng gấp ba lần nhưng ban lãnh đạo đánh giá chưa thành công như mong đợi. Công ty khẳng định sẽ đầu tư vào chiều sâu, nhắm vào tập khách hàng cao cấp nên sản phẩm không đại trà như các đối thủ.
Mạng lưới cửa hàng sắp tới được mở rộng tại các tỉnh thành cấp 2 và 3 để tận dụng việc sức mua bị ảnh hưởng ít hơn các thành phố lớn. Sự tập trung vào chuỗi PNJ Next và PNJ Watch theo mô hình shop-in-shop để đảm bảo tối ưu chi phí vận hành.
PNJ đợt này bổ sung ba thành viên mới vào Hội đồng quản trị, gồm ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, bà Tiêu Yến Trinh – Tổng giám đốc Talentnet và bà Trần Phương Ngọc Thảo (con gái bà Dung), đang đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số hoá.
Theo bà Dung, ông Hải là nhà đầu tư có mối quan hệ rộng, am hiểu thị trường trang sức ở miền Bắc nên sẽ giúp phản biện và làm giàu năng lực đầu tư, ngoại giao cho công ty. Người đứng đầu Talentnet sẽ đóng góp lớn về tư vấn chiến lược quản trị nhân sự, trong khi bà Thảo có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số nên có thể bổ sung nguồn lực trẻ.
Bà Dung cũng cho biết thêm, việc ông Robert Alan Willet - người được PNJ phát hành 400.000 cổ phiếu ưu đãi trong năm 2019 – vừa từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhằm tránh xung đột lợi ích khi giữ chức tương tự tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Đây là doanh nghiệp niêm yết đang phân phối cùng mảng đồng hồ với PNJ.
Phương Đông