Chiều 5/11, CEO kiêm người sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm về hành lý LUG - ông Huỳnh Minh Thành có buổi phỏng vấn trao đổi với phóng viên VnExpress về câu chuyện đưa hơn 25 thương hiệu hành lý quốc tế về chung một "mái nhà" LUG.
- Vì sao ông quyết định đưa hơn 25 thương hiệu hành lý quốc tế về kinh doanh tại thị trường Việt Nam, thay vì xây dựng, phát triển thương hiệu của riêng mình?
- Mục đích của LUG khi mang về Việt Nam những thương hiệu lớn của quốc tế là để người Việt có thêm nhiều sự lựa chọn uy tín, an tâm về chất lượng, nguồn gốc. Các thương hiệu như Echolac, Elle, DKNY, Lojel, President nổi tiếng toàn cầu nhờ chất lượng và kiểu dáng sản phẩm. Họ sở hữu những công nghệ tân tiến, tìm tòi, phát triển và cải thiện cho sản phẩm của họ hàng chục năm, hàng trăm năm nay.
Chúng tôi hướng đến, mong muốn duy trì, phát triển ở hiện tại và cả tương lai là làm thế nào để người tiêu dùng Việt có cơ hội tiếp cận với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Người Việt xứng đáng được sử dụng những sản phẩm hành lý tốt, nhập khẩu trực tiếp, bảo hành toàn cầu với mức giá phù hợp.
Bên cạnh đó,chúng tôi chọn con đường tập trung đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Chúng tôi muốn xây dựng nền tảng dịch vụ vững chắc cho LUG từ thời điểm khách biết đến thương hiệu đến khi khách mang sản phẩm về nhà và sử dụng. Phải làm sao cho khách hàng cảm nhận rằng khi họ mua sản phẩm tại LUG, họ có được nhiều hơn là chỉ một chiếc vali, balo, túi xách chứa đồ dùng.
- Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng mang hàng ngoại về nước sẽ gây khó khăn cho hàng Việt?
- Thực tế, trước khi đưa những thương hiệu đầu tiên về Việt Nam, tôi đã có nhiều năm khảo sát và tìm kiếm từ Bắc vào Nam, ở Việt Nam những đối tác tiềm năng có thể làm ra sản phẩm đạt chuẩn tương đương các thương hiệu quốc tế đa số đều làm gia công, hoặc mang xuất khẩu. Nếu muốn nhập hàng của họ về bán, giá cả bị đẩy lên gấp 3, 4 lần. Những doanh nghiệp, nhà máy tự sản xuất thì công nghệ, máy móc lại không đủ tầm và chất lượng.
Điều tôi băn khoăn khi làm ra một cái vali là sức chứa và khối lượng. Trung bình một kg hành lý chứa được 3 bộ đồ. Nếu giảm trọng lượng vali đi một kg, đồng nghĩa người dùng có thể mang thêm nhiều thứ hơn. Khối lượng tiêu chuẩn cho vali size cabin tôi đưa ra là 1,9-2,2 kg. Để làm được điều đó là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu và cải tiến. Trọng lượng nhẹ, chất lượng phải có nhưng giá thành không được tăng thì mới đạt chuẩn.
Khi mang những thương hiệu quốc tế này về Việt Nam, cá nhân tôi cũng trăn trở rất nhiều về câu hỏi "mang hàng ngoại về nước sẽ gây khó khăn cho hàng Việt?". Không ít người ngăn cản nhưng tôi nghĩ việc mang những sản phẩm chất lượng, uy tín về Việt Nam là góp phần thúc đẩy hàng Việt phát triển hơn nữa, chứ không phải giết chết hàng Việt như nhiều người vẫn nghĩ.
Người tiêu dùng trong thời buổi hiện đại thông minh lắm. Họ chỉ chọn những sản phẩm tốt nhất mà họ có thể tiếp cận. Khi sản phẩm hành lý quốc tế có bán tại Việt Nam, họ sẽ có sự so sánh nhất định. Từ đó, sản phẩm Việt buộc phải nâng cao chất lượng, mẫu mã, uy tín mới đủ sức cạnh tranh, làm hài lòng người Việt. Sản phẩm Việt trong tương lai mới có thể vươn tầm, sớm được yêu thích thật sự không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Chúng ta không thể ủng hộ hàng Việt lớn lên chỉ bằng cách nhắm mắt ủng hộ chỉ vì "đó là hàng Việt, phải ủng hộ hàng Việt".
Cho nên, ở thời điểm hiện tại, lựa chọn của tôi vẫn là mang thật nhiều những sản phẩm từ nước ngoài về, phục vụ người Việt một cách bảo đảm nhất, tiện lợi nhất, và cũng là cách để tôi học hỏi nhiều hơn những cách thức, công nghệ từ các hãng lớn. Biết đâu trong tương lai gần, tôi lại có những sản phẩm chất lượng "chính chủ" Việt Nam.
- Ông làm thế nào để 25 thương hiệu quốc tế cùng đứng chung dưới một mái nhà của LUG?
- Những ngành hàng và thương hiệu quốc tế khi đưa về Việt Nam đều yêu cầu, đòi hỏi rất nhiều từ cam kết, giấy tờ đến thủ tục pháp lý. Các công ty phân phối độc quyền thương hiệu quốc tế đều phải phụ thuộc những quy định chặt chẽ và concept, cách bày trí sản phẩm của doanh nghiệp gốc. Dù điều này đôi khi không phù hợp với thị trường và khách hàng Việt Nam.
Chúng tôi không tuân theo quy luật đó mà quyết định đàm phán, cố gắng thuyết phục để LUG trở thành nơi cho phép các thương hiệu quốc tế đứng chung dưới một "mái nhà". Đó là nỗ lực rất lớn của chúng tôi từ những ngày đầu. Việc làm này giúp người Việt tiện lợi hơn trong việc so sánh, lựa chọn thương hiệu, sản phẩm, phân khúc giá, mẫu mã phù hợp nhất với nhu cầu.
- Trên thị trường có nhiều cửa hàng hành lý với giá rẻ, đủ loại đủ màu, LUG làm thế nào để cạnh tranh?
- Với 25 thương hiệu quốc tế phân phối độc quyền, điều đó đã là sự khác biệt cho LUG trên thị trường hành lý Việt Nam hiện tại. Sự đa dạng mẫu mã, kiểu dáng đến từ các thương hiệu quốc tế, chất lượng được đảm bảo, chế độ bảo hành chính hãng toàn cầu mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn.
Bên cạnh đó, ứng dụng những công nghệ mới, khảo sát, dịch vụ chăm sóc và tư vấn khách hàng vào chuỗi dịch vụ, bán hàng giúp việc tìm hiểu, thấu hiểu người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Cung cấp cho khách hàng đúng những gì họ cần, giúp chuyến hành trình tiện lợi, trọn vẹn và thú vị hơn cũng là một trong những điều khác biệt mà chúng tôi đang dốc sức thực hiện và điều này giúp chúng tôi thu hút nhiều khách hàng suốt 3 năm qua.
Ở LUG, tất cả sản phẩm đều được áp dụng đầy đủ chế độ bảo hành 5 năm, đổi trả 365 ngày ở mọi điểm bán để khách hàng cảm nhận được sự quan tâm tuyệt đối thương hiệu dành cho khách. Chúng tôi tin những người cảm nhận được tâm ý của chúng tôi sẽ quay trở lại với LUG.
- Cơ sở nào để ông tin thị trường hành lý Việt Nam sẽ phát triển?
- Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta có nhiều bước phát triển, hạ tầng giao thông nâng cấp, tốt hơn so với trước đây, tạo nhiều điều kiện thúc đẩy ngành du lịch và hàng không trong nước. Từ đó, nhu cầu đi lại của người dân tăng theo. Từ đi công tác, du lịch đến thăm gia đình ở nước ngoài hoặc các tỉnh trong nước bằng đường hàng không dễ dàng hơn. Thị trường hành lý cũng từ đó tăng trưởng theo.
Ngày trước, khi di chuyển hoặc du lịch giữa các tỉnh thành trong nước, người ta chỉ mang theo một túi xách lớn (túi trống) chứa toàn bộ các vật dụng cần thiết. Với thị trường hiện tại, việc sở hữu một hay thậm chí vài chiếc vali không còn là chuyện quá khó khăn.
Ngoài ra, bên cạnh vali, nhu cầu sử dụng túi xách, balo, các phụ kiện hành lý khác của người dùng Việt cũng gia tăng. Khi có đủ chi phí đi du lịch, việc sở hữu thêm những phụ kiện đi kèm khác giúp cho chuyến đi thêm tiện nghi là điều dễ hiểu. Chính điều đó đã thúc đẩy thị trường hành lý dần phát triển.
- Điều ông tâm đắc nhất khi đồng hành cùng LUG trong suốt 3 năm qua?
- Thởi điểm mở cửa hàng thứ 3 của LUG tại Kinh Dương Vương, TP HCM, tôi bắt đầu áp dụng thương mại điện tử. Một vị khách từ Long An không quản khó nhọc, đến tận chi nhánh mới. Chính tay tôi là người đóng gói sản phẩm, nhờ vậy tôi biết được lý do vì sao cô khách ấy lại đi một quãng đường xa xôi đến vậy để mua hàng. Dù có dịch vụ giao hàng tận nơi, khách hàng vẫn muốn tự mình trải nghiệm, sờ vào sản phẩm, cảm nhận chất lượng.
Từ câu chuyện bán hàng trên, tôi quyết tâm đưa chuỗi cửa hàng LUG đến khắp các tỉnh thành trong nước, đồng thời hoàn thiện mục tiêu thương mại điện tử. Khách hàng dù ở đâu tại Việt Nam cũng có cơ hội trải nghiệm sản phẩm hành lý đến từ các thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Hiện mạng lưới cửa hàng LUG đã phủ sóng khắp 23 tỉnh thành với 60 cửa hàng, trong tương lai sẽ mở rộng ra trên cả 64 tỉnh thành.
LUG hiện tại không chỉ là nơi bán hành lý mà trở thành "người bạn đồng hành", cùng người tiêu dùng trải nghiệm mọi hành trình. Đây chính là điều khiến tôi tâm đắc nhất trong suốt 12 năm nung nấu ý định xây dựng một thương hiệu hành lý Việt, phân phối sản phẩm chất lượng đến tận tay người dùng Việt.
- LUG sẽ phát triển theo chiều hướng nào thời gian tới?
- Trong thời gian tới, LUG vẫn tiếp tục đẩy mạnh mảng dịch vụ, chăm sóc khách hàng bao gồm cả bán hàng trực tuyến, tiếp tục thay đổi, phát triển để giữ vững vị thế trong lòng khách hàng.
Trong xu thế thị trường hiện tại, công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, không một doanh nghiệp nào muốn đi sau trong việc kinh doanh, đưa sản phẩm đến khách hàng chậm chạp, thiếu nhạy bén trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Thay đổi để bắt kịp xu hướng là điều bắt buộc mà LUG phải trải qua.
Song, con đường kinh doanh chưa bao giờ bằng phẳng. Tôi từng gặp phải nhiều trở ngại nhưng quyết tâm không bỏ cuộc. Thời điểm mới gầy dựng LUG, từng có thời điểm tôi phải từ bỏ lợi nhuận trước mắt để tập trung vào đường dài. Nhiều nhân viên rời bỏ, cho rằng tôi định hướng sai lầm. Thời gian đã chứng minh nỗ lực và tầm nhìn của tôi là đúng đắn khi LUG hiện tại đã có được vị thế nhất định trong thị trường hành lý Việt.
Hữu Thông