Lazada Việt Nam là thành viên của hệ thống bán lẻ Lazada Đông Nam Á cùng với Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, được thành lập vào tháng 2/2012. Đơn vị đang cung cấp hơn 50.000 sản phẩm thuộc 12 ngành hàng khác nhau. Vốn kinh doanh của công ty hiện gần 490 triệu USD. Ông Christopher Brinkeborn Beselin là đồng sáng lập kiêm CEO của Lazada Việt Nam. |
- Ông có thể cho biết tại sao Lazada lại chọn Việt Nam để đầu tư thương mại điện tử và những khó khăn khi gia nhập thị trường này?
- Việt Nam là thị trường rất thú vị. Giờ mới là những ngày đầu của thương mại điện tử tại đây nhưng lại là thời điểm thích hợp để chúng tôi đầu tư. Các bạn có dân số trẻ, yêu thích điều mới mẻ và mức thu nhập đang tăng trưởng mạnh. Dân số 90 triệu người, đông thứ 13 trên thế giới nên hứa hẹn các cơ hội trong tương lai.
Có một điều gây ấn tượng với tôi mỗi ngày là sự cống hiến tuyệt đối và hăng say của nhân viên Việt Nam. Như tôi đã nói, lúc này thị trường mới bắt đầu, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ nhưng nhờ vào hệ thống phân phối và các giải pháp bù đắp, nhân lực, hoạt động thương mại điện tử vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Mỗi thị trường luôn đi kèm với những thách thức nội tại, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Nhưng khó khăn lại giúp chúng tôi hào hứng hơn khi xây dựng một công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử ở đây.
Còn nhớ lúc thành lập doanh nghiệp, chúng tôi từng khó xử khi tìm kiếm các đối tác giao hàng hội đủ 3 tiêu chí: cung cấp kịp thời, báo cáo và trả tiền đúng thời hạn. Từ danh sách 20 nhà cung cấp, đến hôm nay chỉ có 3-4 đơn vị được chọn. Họ đáp ứng được các đòi hỏi trên và chúng tôi tin đó là điều cần thiết để cung cấp dịch vụ đáng tin cậy cho khách hàng. Để có ngày hôm nay, không thể không nhắc đến sự ủng hộ và tin tưởng của các nhà đầu tư trong thời gian qua.
- Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng nhu cầu của người mua hàng trực tuyến, thưa ông?
- Qua khảo sát, chúng tôi nhận ra rằng khách hàng muốn chạm và cảm nhận sản phẩm trước khi mua. Ai cũng mong muốn có cơ hội để đổi trả sản phẩm nếu họ không muốn mua nữa hoặc sản phẩm không giống như những gì họ xem trên website của nhà cung cấp. Ngay cả sau này, khách hàng thay đổi quyết định của mình, họ cũng muốn trả lại. Do đó, một trong những cách chúng tôi áp dụng là giao hàng mới nhận tiền và có chính sách đổi trả riêng.
Tất nhiên điều này sẽ tốn thêm chi phí cho Lazada, nhưng là sự đầu tư mà chúng tôi sẵn sàng thực hiện để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng và cho thấy những lợi ích của mua sắm trực tuyến cho thị trường Việt Nam.
- Khi phải cạnh tranh trên thị trường ngày một sôi động với sự tham gia của nhiều đối thủ như hiện nay, theo ông đâu là lợi thế để công ty hoạt động?
- Tôi nghĩ ban đầu, các thách thức chủ yếu là làm sao đưa phần lớn dân số Việt Nam tham gia vào mua sắm trực tuyến, chứ không phải lấy đi một vài khách hàng từ doanh nghiệp A hay B đưa về mình. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam những dịch vụ tốt, chăm sóc khách hàng chu đáo. Mọi hoạt động đều hướng đến niềm tin của người tiêu dùng. Với khả năng tài chính mạnh mẽ, chúng tôi nghĩ sẽ tạo được niềm tin từ phía khách hàng.
Về phần đối thủ cạnh tranh, tôi cho rằng các công ty trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam nên làm việc cùng nhau để thúc đẩy những lợi ích cốt lõi của mua sắm trực tuyến như thuận tiện, nhiều sự lựa chọn, giá trị tốt, cùng nhau tạo ra sự tin tưởng của người dân vào mua sắm trực tuyến.
- Cơ quan quản lý mới ban hành một số chính sách liên quan đến thương mại điện tử, ông nghĩ sao về tác động đối với công ty?
- Các chính sách mới về thương mại điện tử này sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Mục tiêu chung nhất vẫn là bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của chính quyền nước sở tại và đánh giá cao những công tác đang được thực hiện tại Việt Nam.
- Ông có đánh giá gì về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2014?
- Tôi tin rằng 2014 sẽ là năm mà người tiêu dùng tỏ ra hứng thú hơn đối với thương mại điện tử. Ngày nay, khách hàng bắt đầu tin tưởng hơn vào mô hình mua sắm trực tuyến tiện lợi này và cũng có được những thương hiệu uy tín trên thị trường.
Từ đó sẽ kéo theo một số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, bé có và lớn cũng có. Điều này sẽ giúp ích nhiều cho mục tiêu chung là phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử tại Việt Nam. Về mặt cá nhân, tôi rất mong những đơn vị này đã sẵn sàng để tham gia và chứng tỏ được tính chuyên nghiệp, nhằm đáp ứng được đòi hỏi thị trường. Nếu không, điều này sẽ kéo tới những hậu quả không hay mà cả khách hàng lẫn ngành công nghiệp thương mại điện tử phải gánh chịu.
Anh Quân