- Cơ duyên nào đưa các ông đến với ngành bánh kẹo?
- Bánh kẹo là nghề truyền thống của gia đình. Tôi và anh trai mình (ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT Kinh Đô) đã tiếp quản và cùng gây dựng Kinh Đô từ khi hai anh em còn rất trẻ. Bất cứ ngành nghề nào cũng luôn có những thuận lợi, khó khăn nhất định. Điều quan trọng là chúng tôi có đủ tâm huyết, lòng yêu nghề, không ngại khó để kiên trì với ngành và sự táo báo, quyết tâm nắm bắt những cơ hội để Kinh Đô đạt được thành công mới với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
- Ông nhìn nhận doanh nghiệp của gia đình mình đã biến đổi như thế nào dưới bàn tay chèo lái của hai anh em trong 2 thập niên qua?
- Chúng tôi đã đi từ một cơ sở sản xuất bánh kẹo quy mô nhỏ lên thành tập đoàn thực phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm hơn 30% thị phần bánh kẹo và và có nhiều sản phẩm dẫn đầu thị trường, chiếm thị phần lớn trong cùng phân khúc. Trải qua nhiều giai đoạn chia tách - mở thêm công ty, niêm yết trên sàn chứng khoán, mua bán sáp nhập, đến năm 2013 Kinh Đô đã có 4 nhà máy, 5 công ty thực phẩm, 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán lẻ và hơn 7.000 lao động. Sản phẩm của doanh nghiệp đã xâm nhập vào 30 thị trường quốc tế và các thị trường trọng điểm.
Có rất nhiều điều đáng nhớ sau chặng đường phát triển vừa qua, nhưng tôi tự hào nhất ở 2 thành tựu mang tính bước ngoặt. Một là ra mắt sản phẩm bánh trung thu vào năm 1998, không lâu sau đó chúng tôi chiếm lĩnh hơn 70% thị phần tại Việt Nam. Hai là mua lại thương hiệu kem Walls từ tập đoàn Unilever và thành lập Công ty cổ phần Kem KIDO vào năm 2003. Với việc phát triển 2 nhãn hiệu kem Merino và Celano chúng tôi đã tạo nên mức tăng trưởng hàng năm trên 20%. Điều này đã tạo nên một sự kiện đột phá của doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó.
Ngoài ra, tôi cũng ấn tượng với giai đoạn Kinh Đô niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2005. Cổ phiếu KDC chào sàn đã kéo theo nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Kinh Đô liên tục nhận được sự đầu tư từ các quỹ lớn trong và ngoài nước. Tôi tự hào rằng nhờ sở hữu cổ phiếu KDC, cán bộ công nhân viên tập đoàn đã cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống lên rất nhiều.
Chúng tôi cũng gạt sang một bên tâm lý lo ngại bị thâu tóm và chuyển sang thế chủ động tham gia nhiều thương vụ mua bán sáp nhập. Năm 2005, Kinh Đô đầu tư vào Công ty Cổ phần Nước Giải Khát Sài Gòn - Tribeco. Hai năm sau, Kinh Đô Group và Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược. Thời điểm này, chúng tôi và Công ty Cổ Phần Thực Phẩm Dinh Dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) cũng đã ký kết hợp tác liên minh chiến lược toàn diện, sau đó là đầu tư vào Vinabico.
Năm 2010, Kinh Đô tiến hành sáp nhập Công ty Kinh Đô Miền Bắc (NKD) và Công ty KI DO vào Công ty CP Kinh Đô (KDC). Đây là bước khởi đầu cho định hướng chiến lược phát triển dài hạn, đưa Kinh Đô trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu trong nước và khu vực. Năm 2011 chúng tôi ký kết đối tác chiến lược với công ty Ezaki Glico (Công ty thực phẩm đến từ Nhật Bản). Năm 2012 tiếp tục sáp nhập Vinabico vào KDC, góp phần tạo hiệu quả cho Tập đoàn.
- Ông có thể chia sẻ về bài học kinh nghiệm đáng nhớ nhất mà doanh nghiệp đã vượt qua?
- Thách thức luôn rất nhiều nhưng lớn nhất là làm sao không ngừng tiến lên và vươn xa hơn nữa. Áp lực tăng trưởng luôn ám ảnh và không hề dễ dàng. Có những giai đoạn Kinh Đô đã đầu tư ngoài ngành, vấp phải không ít chướng ngại vật. Năm 2007-2008, chúng tôi đầu tư tài chính và bị thua lỗ, doanh nghiệp nghiêm túc rút kinh nghiệm về bài học này.
Chúng tôi cũng thành lập công ty bất động sản vào năm 2004. Hiện doanh nghiệp vẫn còn quỹ đất nhưng chưa lên kế hoạch đầu tư vì thị trường địa ốc trầm lắng. Cổ đông cũng không đồng thuận việc đổ tiền vào bất động sản trong lúc này. Ngoài ra, Kinh Đô còn có một dự án phức hợp tại khu trung tâm TP HCM, tiền đất lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường không thuận lợi nên chưa lên kế hoạch cụ thể. Về cơ bản, chúng tôi đã rút khỏi kênh đầu tư này. Kinh Đô nghiệm ra quay về với năng lực cốt lõi - ngành thực phẩm là quyết định hoàn toàn đúng đắn.
- Kinh Đô rút ra bài học kinh nghiệm gì cho việc đầu tư ngoài ngành như vậy?
- Những năm 2007 – 2008, không đứng ngoài xu thế chung của các doanh nghiệp, chúng tôi cũng đầu tư tài chính, bất động sản. Những khoản đầu tư này từng mang về hiệu quả lớn cho Kinh Đô. Tuy nhiên, khi thị trường không thuận lợi, chúng tôi đã nhanh chóng tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính cũng như kịp thời rút khỏi các dự án bất động sản để tập trung lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Kinh nghiệm chúng tôi rút ra chính là trong kinh doanh, người lèo lái sáng suốt là người không tiếc nuối quá khứ, sẵn sàng cắt bỏ những hoạt động không hiệu quả và quay về giá trị cốt lõi. Chính sự quyết liệt, dứt khoát, xoay chuyển kịp thời giúp chúng tôi duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh chung nhiều khó khăn.
- Là một blue-chip trên thị trường chứng khoán, những khó khăn của kinh tế năm qua đã tác động như thế nào tới tình hình kinh doanh của Kinh Đô?
- Từ 2008 bắt đầu khủng hoảng kinh tế thì tốc độ tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Kinh Đô cũng bị ảnh hưởng. Vài năm trở lại đây, kinh tế trong nước không ổn định, tăng trưởng chậm, hầu như ngành nào cũng gặp chướng ngại vật, không ít thì nhiều. Dòng vốn trên thị trường khựng lại, khó đẩy nhanh sản xuất, hàng tiêu dùng tăng trưởng chậm. Người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu và chỉ hướng đến các mặt hàng nhu yếu phẩm khiến Kinh Đô đứng trước thách thức là phải tìm kiếm những hướng đi mới để kích thích tăng trưởng qua chiến lược “Thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu”.
Thêm vào đó, sắp tới, khi cộng đồng ASEAN mở cửa, dỡ bỏ hàng rào thuế quan thì thị trường càng khó. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, chúng tôi đang tranh thủ mua bán sáp nhập, liên kết để thêm bạn bè, tăng đối tác, bớt đối thủ.
Trong hai năm qua, chúng tôi đã chủ động tái cơ cấu danh mục sản phẩm, tập trung các sản phẩm chủ lực, đồng thời khai thác tối đa lợi thế quy mô, năng lực quản trị để kiểm soát chi phí. Đặc biệt, một trong những dấu ấn quan trọng là công ty đã và đang thay đổi là cách thức vận hành hoạt động hướng về thị trường, luôn bám sát thị trường để nắm bắt và đón đầu xu hướng tiêu dùng, nhanh chóng thay đổi để đáp ứng và khai thác từng cơ hội nhỏ để họat động kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn.
Khi tạm thời không thể khai thác nhanh và sâu hơn thị trường trong nước do sức mua của người dân hạn chế, khai thác các cơ hội tại thị trường nước ngoài chính là đòn bẩy để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của Kinh Đô sau bước ngoặt 20 năm. Do đó, sắp tới, ngoài dự án mở rộng nhóm sản phẩm thiết yếu như mì ăn liền, gia vị, chúng tôi sẽ xúc tiến các kế hoạch liên kết hợp tác với các đối tác nước ngoài.
- Ông từng nhiều lần đề cập thị trường bánh kẹo Việt Nam đã bão hòa, trong khi đó hàng ngoại vẫn gia nhập thị trường. Kinh Đô giải quyết bài toàn này như thế nào để duy trì vị thế dẫn đầu?
- Thứ nhất, chúng tôi hiểu người tiêu dùng, sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng với giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi đã liên tục đầu tư công nghệ và nguồn lực để sáng tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bằng hàng loạt các sản phẩm mới với hương vị độc đáo. Hiện nay, Kinh Đô có hàng trăm sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, trong đó, nhiều sản phẩm đã dẫn đầu thị trường, chiếm thị phần lớn trong cùng phân khúc như bánh Trung thu Kinh Đô bánh AFC, Cosy, Solite, bánh mì tươi, kem…. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng xây dựng hệ thống phân phối với 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán, đảm bảo sản phẩm Kinh Đô luôn sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng cả nước từ thành thị đến nông thôn.
- Khát vọng và chiến lược của Kinh Đô trong chặng đường mới sẽ thế nào?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục lớn mạnh trong 20 năm kế tiếp, vươn ra nhiều thị trường nước ngoài, học hỏi công nghệ, phát huy thế mạnh tại thị trường trong nước đồng thời sẵn sàng hợp tác với những thương hiệu quốc tế lớn mạnh để đưa sản phẩm của Kinh Đô đi xa hơn nữa. Chúng tôi hướng tới vị thế là tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Từ năm 2014 trở đi, Kinh Đô sẽ khai thác thêm những sản phẩm thiết yếu hàng ngày bên cạnh mặt hàng bánh kẹo truyền thống của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tăng thêm sản phẩm mới: mì ăn liền, sản phẩm gia vị.
Tập đoàn sẽ đẩy mạnh M&A ở ngành hàng thực phẩm dựa trên lợi thế thương hiệu mạnh, có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, hệ thống phân phối rộng khắp. Việc đầu tư mua lại những nhà máy phục vụ sản xuất ngành thực phẩm sẽ được đặc biệt chú trọng.
Kinh Đô cũng tính đến việc mở rộng ra thị trường nước ngoài. Chiến lược của Kinh Đô là phát triển thị trường trong nước đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội, khai thác thị trường nước ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chúng tôi không đầu tư tài chính, không đầu tư bất động sản và quay trở về ngành cốt lõi là thực phẩm.
Trung Tín