Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 23/9, Dimon nói ông rất thận trọng về địa chính trị - vấn đề có thể quyết định trạng thái của nền kinh tế. CEO JPMorgan cho rằng so với năm ngoái, địa chính trị "đang tệ đi và không khá hơn chút nào".
Ông lo ngại nguồn cung năng lượng gặp vấn đề, vì "chỉ có chúa mới biết quốc gia nào sắp tham gia vào cuộc chiến".
Hôm 23/9, quân đội Israel không kích hàng loạt vị trí của Hezbollah ở Lebanon. Giới chức Lebanon cho biết gần 500 người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải sơ tán trong ngày đẫm máu nhất hàng thập kỷ ở nước này. Trung Đông hiện là khu vực sản xuất dầu chủ chốt của thế giới. Tin tức này khiến giá dầu tăng cao.
CEO JPMorgan còn đề cập đến việc lực lượng Houthi ở Yemen vẫn tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ. Quân đội Mỹ cho biết tháng này, Houthi đã tấn công ít nhất 2 tàu chở dầu. "Bất ổn địa chính trị là mối lo ngại lớn nhất của tôi", Dimon nói. Ông thúc giục giới chức Mỹ chuẩn bị cho việc chiến sự Nga - Ukraine kéo dài.
Năm ngoái, Dimon từng nói địa chính trị là rủi ro lớn nhất với kinh tế toàn cầu, xếp trên lạm phát cao và kinh tế Mỹ suy thoái. Lạm phát Mỹ gần đây hạ nhiệt, còn nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cách xa nguy cơ suy thoái. Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020, khiến Wall Street liên tiếp lập kỷ lục.
Dù vậy, Dimon vẫn bi quan về kinh tế Mỹ và diễn biến của thị trường. "Về dài hạn thì tôi lạc quan. Nhưng trong ngắn hạn, tôi không cho rằng mọi thứ sẽ tuyệt vời. Thị trường đang lạc quan quá mức", ông kết luận.
JPMorgan hiện là ngân hàng lớn nhất Mỹ về quy mô tài sản. Dimon cũng là người có tiếng nói tại Wall Street. Dù vậy, ông nổi tiếng thận trọng, thường xuyên đưa ra cảnh báo về rủi ro suy thoái, lạm phát và lãi suất cao, đặc biệt với Mỹ. Tháng trước, ông vẫn lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái, khi dự báo khả năng hạ cánh mềm khoảng 35-40%.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)