"Sức ảnh hưởng của nền công nghiệp văn hóa xứ kim chi" là một trong những nội dung được 400 đại biểu, doanh nhân Hàn - Việt quan tâm tại diễn đàn "Đô thị văn hóa hội tụ CICON Hanoi 2022", hôm 23/12. Sự kiện do Korea CEO Summit (KCS) và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Ban tổ chức xoáy sâu các thách thức, cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế đôi bên.
Đến hội nghị với vai trò diễn giả, bà Lê Hồng Thủy Tiên - CEO IPPG, cho biết vì đặc thù kinh doanh của tập đoàn liên quan mật thiết với công nghiệp văn hóa, nhất là thời trang, bà thường xuyên tìm hiểu các thông tin liên quan Hàn Quốc và ấn tượng với sự vươn lên mạnh mẽ lĩnh vực văn hóa, giải trí nước này.
Theo Naver - cổng thông tin truyền thông lớn nhất Hàn Quốc, Làn sóng Hàn (Hallyu) khởi phát từ những năm đầu thập niên 2000, với loạt phim kinh điển như Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Ngôi nhà hạnh phúc... gây sốt tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Hơn 22 năm qua, văn hóa Hàn được nâng tầm thành nền công nghiệp, tạo dấu ấn đậm nét tại cả 5 châu lục.
Nhóm nhạc BTS, Blackpink... của Hàn được ví như "gà đẻ trứng vàng", có lượng fan đông đảo toàn cầu. Các phim Ký sinh trùng (Parasite), Squid Games... càn quét loạt giải thưởng tại nhiều sự kiện phim ảnh hàng đầu châu Âu, Mỹ... Ngành điện ảnh, biểu diễn, truyền thông Hàn... thậm chí được giới chuyên môn đánh giá là thế lực, xu hướng tương lai.
K-Pop, K-Film hay K-Beauty rất phổ biến tại thị trường Việt, theo bà Thủy Tiên. Nhờ sức ảnh hưởng của Làn sóng Hallyu, Hàn Quốc đưa ngành thời trang của họ lên tầm cao mới, vượt khỏi phạm vi quốc gia để vươn ra "biển lớn". Không dừng lại đó, ngành công nghiệp mỹ phẩm, làm đẹp hay ẩm thực... xuất xứ nước này cũng chinh phục người dùng toàn cầu.
CEO Thủy Tiên nhận định Hàn Quốc thành công vì có những chính sách, chiến lược táo bạo trong việc "xuất khẩu văn hóa". "Chính phủ Hàn chủ trương tự do hóa ngành thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, điện ảnh, công nghệ biểu diễn... đưa nước này trở thành trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu lục và toàn cầu".
Trước hội nghị, nữ doanh nhân nhấn mạnh những lĩnh vực trên mang lại cho họ lợi nhuận khổng lồ, đồng thời quảng bá vẻ đẹp truyền thống, văn hóa, lịch sử, con người... đến bạn bè quốc tế. "Nhờ triển khai bền bỉ, thống nhất các chính sách dựa trên trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các mục tiêu khác của đất nước, song hành chính sách đối nội và đối ngoại, Hàn Quốc đã, đang tạo nhiều bất ngờ với thế giới", bà Thủy Tiên cho hay.
Với kỳ vọng phát triển nền công nghiệp văn hóa nước nhà, nữ doanh nhân đề xuất Việt Nam nên thay đổi tư duy, đánh giá đúng vai trò sức mạnh mềm của lĩnh vực này. Bà lý giải văn hóa không đơn thuần là món ăn tinh thần của người dân, mà sẽ là sản phẩm lan tỏa giá trị truyền thống đến thế giới.
Bà kiến nghị Chính phủ xác định công nghiệp văn hóa là ngành kinh doanh phát triển nội địa và xuất khẩu, đóng góp lớn vào GDP hàng năm. Cần chuẩn bị nền móng về nhân sự cho lĩnh vực sáng tạo này. Trước hết là đào tạo, thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
"Việt Nam cần nhiều chuyên gia trong nước lẫn quốc tế tham gia xây dựng tầm nhìn chiến lược dài hạn về phát triển công nghiệp văn hóa; cần xây dựng các công ty giải trí, truyền thông chuyên nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng, ưu đãi trong việc xã hội hóa các hoạt động biểu diễn. Nhà nước là bệ đỡ, các đơn vị giải trí sẽ thực hiện vai trò cụ thể của mình", bà Thủy Tiên nói.
4,5 triệu Việt kiều là cầu nối hữu nghị quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết lịch sử, phong tục, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nền văn hóa, dân tộc khác. Cuối cùng, bà kỳ vọng nước ta có hành lang pháp lý vững chắc - xuyên suốt - nhất quán và có luật xúc tiến công nghiệp văn hóa.
"Hàn Quốc là người anh lớn, hãy chia sẻ cho chúng tôi chiến lược phát triển kinh tế của các bạn, chúng tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi. Ngược lại, hãy lắng nghe nhu cầu từ Việt Nam và tìm hiểu văn hóa nước tôi, chắc chắn bạn cũng có thể học được một số điều mới", CEO Lê Hồng Thủy Tiên nói.
Bà nhận định mối quan hệ Hàn - Việt rất cần thiết trong khu vực, Hàn Quốc giúp Việt Nam phát triển và Việt Nam đang, sẽ là đối tác chiến lược quan trọng của Hàn Quốc".
Hiếu Châu