Tổng giám đốc tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đề cập ý trên trước 130 đại biểu dự hội thảo "Thúc đẩy hoạt động kinh doanh bao trùm vì một tương lai thịnh vượng", do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) và UN Women tổ chức, hôm 20/12.
"Bình đẳng giới không chỉ là giá trị xã hội, mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh", bà Thủy Tiên lý giải.
Trước đó, ban lãnh đạo nhiều lần khẳng định tiên phong tích hợp bình đẳng giới vào chiến lược ESG (môi trường, xã hội, quản trị) là trọng tâm của IPPG - tập đoàn đa ngành với 37 công ty thành viên thuộc mảng bán lẻ, dịch vụ phi hàng không, phi thuế quan và đầu tư quản lý nhà ga sân bay quốc tế.
Bà Thủy Tiên nhấn mạnh: "Mọi quyết định tại IPPG đều lấy con người làm trung tâm, bởi nhân tài đa dạng là động lực đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ nhất".
Theo đó, đơn vị triển khai loạt sáng kiến thực tiễn, biến bình đẳng giới thành hành động cụ thể:
Tuyển dụng và thăng tiến công bằng: các vị trí lãnh đạo tại IPPG ghi nhận 48% là nữ, cao hơn nhiều so với mức trung bình 31% của các công ty trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo báo cáo từ McKinsey 2023.
Quy trình tuyển dụng, thăng tiến tập trung vào năng lực, mở rộng cơ hội cho phụ nữ trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ - nơi tỷ lệ nữ giới thường thấp.
Phát triển lãnh đạo nữ: đơn vị bổ sung các chương trình huấn luyện, cố vấn dành riêng cho phái nữ, giúp họ sẵn sàng đảm nhiệm vai trò quản lý. Yếu tố này không chỉ góp phần thúc đẩy sự nghiệp cá nhân, mà còn tăng cường năng lực lãnh đạo toàn tổ chức.
Chính sách làm việc linh hoạt: Theo Harvard Business Review, các công ty áp dụng chính sách làm việc linh hoạt ghi nhận mức độ hài lòng của nhân viên tăng 20%. IPPG hưởng ứng mô hình này, tạo điều kiện để người lao động, nhất là phái nữ, cân bằng công việc và gia đình.
Không dừng lại nội bộ, đơn vị mở rộng giá trị bình đẳng giới ra cộng đồng bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp nữ làm chủ (WOBs).
Cụ thể, IPP Travel Retail - công ty thành viên của tập đoàn - đưa sản phẩm của các WOBs vào hệ thống bán lẻ sân bay và chuỗi cung ứng quốc tế.
"Việc hỗ trợ doanh nghiệp nữ không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh, mà còn góp phần nâng tầm sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế", bà Thủy Tiên cho hay.
Ngay khi phát động chiến lược WOBs, IPPG lên kế hoạch, hoạch định ngân sách cụ thể mỗi năm để hỗ trợ doanh nghiệp nữ, nhất là cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, trực tiếp tạo hàng nghìn việc làm.
"Bình đẳng giới là động lực thúc đẩy nền kinh tế, xã hội trở nên công bằng hơn. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay để xây dựng tương lai thịnh vượng và bền vững," bà Thủy Tiên nói thêm.
Trước đó vào năm 2021, bà Lê Hồng Thủy Tiên được UN Women và Liên minh châu Âu vinh danh giải WEPs cấp quốc gia, ghi nhận nỗ lực của bà trong mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới.
Đông Vệ