Tại hội nghị Sun Valley, sự kiện được mệnh danh "Trại hè của giới tỷ phú" năm 2017, cánh săn ảnh đã chụp được rất nhiều khoảnh khắc của ông chủ Amazon. Ông đã chuyển mình từ hình tượng một mọt sách thành một tỷ phú hấp dẫn. 2017 cũng là năm Bezos soán ngôi của Bill Gates trở thành người giàu nhất hành tinh.
Khi ảnh của Bezos được chia sẻ, nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra thích thú: "Chúc mừng nhé, tôi thích thay đổi mới này của anh, từ phong cách 'thanh niên nghiêm túc' sang 'mạnh mẽ phóng khoáng'", một người dùng Twitter viết. Kể từ đó, vị CEO này dành nhiều thời gian hoàn thiện hình ảnh của mình trước công chúng, tạo dựng hình tượng một doanh nhân lạnh lùng, tự chủ mọi quyết định của bản thân.
Steve Yegge, một nhân viên từng làm việc tại Amazon, kể lại thời gian của anh tại đây và miêu tả trải nghiệm thuyết trình trước mặt Jeff Bezos - giống đang đánh vật trong một trận chiến thực sự. "Bạn mà bị ông ấy phê bình thì xác định là tự 'gặm nhấm' nỗi đau một mình và tự kỷ thêm vài ngày nữa", Yegge chia sẻ.
Tuy nhiên, hình tượng này của ông chủ Amazon không hề xuất hiện trong phiên điều trần ngày 29/7 vừa rồi. Bezos liên tục lẩm bẩm và thường xuyên bị ngắt lời khi đang trả lời chất vấn, thậm chí có lần còn quên không bật mic trước khi phát biểu.
Trong khi đó, cũng tại phiên điều trần, nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg - tỏ ra điềm tĩnh, khéo léo, trả lời một cách quả quyết, không nhượng bộ. Nhiều người có lẽ sẽ bất ngờ với hình ảnh này của Zuckerberg, vốn được gắn mác một thiên tài kỳ quặc, nhút nhát trong bộ phim The Social Network.
Giới phân tích nhận định dường như hai đại gia công nghệ của thung lũng Silicon vừa hoán đổi hình ảnh cho nhau.
Nếu là người trong ngành công nghệ, không có gì bất ngờ về hình ảnh quyết đoán, nhìn xa trông rộng này của Zuckerberg. Nhiều năm trở lại đây, nhiều công ty lo sợ Facebook sẽ sao chép những ý tưởng của họ nếu họ bị Zuckerberg để mắt tới. Những email được quốc hội Mỹ công bố trong phiên điều trần đã cho thấy lo ngại của nhà sáng lập Instagram về nguy cơ bị thâu tóm bởi Facebook năm 2012, trước khi thực sự bị Zuckerberg mua lại với giá một tỷ USD. Về vấn đề thuế của Facebook ở một số quốc gia, Zuckerberg vẫn giữ thái độ quả quyết, cứng rắn như phần trình bày tại phiên điều trần. Chỉ một vài lần Zuckerberg tỏ ra lúng túng. Đó là khi bị đặt câu hỏi: "Liệu Facebook có đang sao chép các đối thủ?". Chuyên gia ngôn ngữ hình thể Craig James Baxter nhận xét: "Các dấu hiệu thiếu thoải mái từ cử chỉ của Mark là mím môi chặt, phát biểu ngập ngừng và nhún vai".
"Có thể nói Mark đã quen bị chất vấn kiểu này vì ông từng trải qua không ít phiên tương tự vài năm gần đây. Ngoài ra, ông có đội ngũ tư vấn chính trị giàu kinh nghiệm, như Nick Clegg - chuyên gia trong điều trần", David Richards, CEO của WANdisco, nhận xét.
Không được may mắn như Mark Zuckerberg, CEO của Amazon bị các thành viên của Quốc hội chất vấn liên tục về hoạt động kinh doanh. Một chủ đề nhận được nhiều quan tâm từ Quốc hội là "liệu Amazon có sử dụng thông tin sản phẩm được bán trên nền tảng để tạo ra các mặt hàng cạnh tranh của riêng hãng không". Đương nhiên, Bezos phủ nhận, nhưng lại ngập ngừng khi nói về chính sách của công ty trong việc cấm nhân viên truy cập vào các thông tin có giá trị này. "Chúng tôi đang điều tra... Tôi không muốn ngồi đây và tôi không muốn nói trước những gì tôi không chắc", Bezos do dự.
CEO của Amazon thậm chí còn giả vờ không biết khi được hỏi có nhận được thông tin trợ lý ảo Alexa thiên vị các sản phẩm từ Amazon. "Nếu thật sự như vậy, điều này là không thể chấp nhận được", ông nói.
Chuyên gia Baxter nhận xét: "Màn trình diễn của Bezos và Zuckerberg rất khác nhau. Có vẻ tốc độ đặt câu hỏi liên tục của Hạ viện Mỹ làm Bezos khó chịu. CEO của Amazon thường ngập ngừng khi phát biểu, làm giảm độ tin cậy của câu trả lời cũng như khiến các cử chỉ tay chả có mấy tác dụng". Lý do trục trặc kỹ thuật của ông trong phiên điều trần càng làm các câu trả lời thêm kỳ quặc.
Đăng Thiên (theo Telegraph)