Zuckerberg, Pichai và Dorsey sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến Luật 230 - điều luật được ban hành năm 1996 và là một phần của đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act). Điều 230 bảo vệ bất kỳ trang web hoặc dịch vụ nào lưu trữ nội dung - như phần bình luận của các trang tin tức, dịch vụ video của YouTube, các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter - khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng.
Đảng Cộng hòa đã nhiều lần kêu gọi cải tổ Điều 230 với lo ngại rằng, các nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube của Google và Twitter có thể kiểm duyệt những ý kiến mang tính bảo thủ. Trong khi đó, các nền tảng này nhiều lần phủ nhận.
Vào tháng 5, Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ cho rằng Điều 230 đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông cũng cáo buộc các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.
Người đứng đầu Nhà Trắng sau đó ra sắc lệnh kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Điều 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Giới quan sát khi đó đánh giá, nếu có hiệu lực, sắc lệnh của Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội trên Internet là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.
Bên cạnh Điều 230, nhóm các CEO Facebook, Alphabet và Twitter cũng sẽ trả lời các câu hỏi về quyền riêng tư và "sự thống trị của giới truyền thông".
Phiên điều trần này là lần thứ hai Zuckerberg và Pichai xuất hiện trước Quốc hội trong năm nay. Vào tháng 7, cả hai cùng với CEO Apple Tim Cook và CEO Amazon Jeff Bezos cũng đã xuất hiện trước Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện để trả lời các chất vấn thông qua hình thức trực tuyến.
Bảo Lâm (theo CNBC)