Thứ hai, 25/2/2019, 09:00 (GMT+7)

CEO Đại Việt thành công với triết lý tăng trưởng 1.000 phần trăm

Luôn đặt những mục tiêu "không tưởng", Ngô Xuân Mạnh từng bước đưa Đại Việt tăng trưởng doanh thu từ vài chục cho đến hàng nghìn tỷ đồng.

Giải thích về triết lý tăng trưởng 1.000% mỗi năm, gương mặt cương nghị chứa đầy hoài bão của CEO Ngô Xuân Mạnh ánh lên niềm vui xen lẫn sự tự hào: "Nếu kế hoạch vĩ đại ấy đạt 50% cũng có thể gọi là phi thường. Làm sao có thể đạt được mục tiêu nếu chính chúng ta cũng không tin vào nó?"

Không ít lần anh bắt gặp ánh mắt hoài nghi lẫn tiếng thở dài, những câu nói thầm thì "Anh ấy ảo tưởng" từ nhiều nhân viên khi liên tục nhắc đến mục tiêu tăng trưởng hằng năm trong mỗi cuộc họp của công ty. Thậm chí vì áp lực cao mà các nhân viên không ít lần nảy sinh ác cảm với anh, họ cho rằng anh đang chèn ép cấp dưới. Nhưng với anh Mạnh, đó là cách kích phát tiềm năng trong mỗi người. Kết quả là chưa đầy 12 tháng sau, mọi người đều ngạc nhiên trước các con số đạt được. Không chạm ngưỡng 1.000% nhưng doanh nghiệp cán mốc một phần tư, phân nửa đã là những kết quả lớn so với hình dung của đội ngũ Đại Việt. Khi đặt mục tiêu 1.000%, sự chuẩn bị về mặt con người, kế hoạch đều đã có đầy đủ. Tất cả đều nằm trong dự tính của nhà sáng lập sinh năm 1978. Với anh, sự "không tưởng" chính là bí quyết thành công.

Liều lĩnh một cách có kế hoạch, Mạnh - từ một chàng trai thôn quê nghèo khó đã rẽ sang cuộc đời khác, trở thành người đứng đầu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh với Doanh thu từ vài chục tỷ lên hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Mạnh bước xuống ga Sài Gòn, gương mặt ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh. Những ngôi nhà cao tầng, dòng người đông nghịt, tiếng ồn ào pha lẫn của còi tàu và xe cộ nơi đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam khiến anh choáng ngợp. Đó là năm 1996, Mạnh mới tròn 18 tuổi, không thi đại học, từ đồng ruộng Bắc Ninh, vào TP HCM với khát vọng tìm một công việc để thoát nghèo.

Ký ức làng quê, nơi mẹ và bảy anh chị em trong gia đình vượt qua những ngày mùa đông giá rét khắc nghiệt của miền Bắc in sâu trong luồng suy nghĩ. Năm tuổi đã không còn bố, gia đình lại chẳng có tài sản gì giá trị, ăn không đủ no, dù là con út nhưng Mạnh tự ý thức về hoàn cảnh và sớm đỡ đần mọi người trong gia đình. 13 tuổi anh đã đi bán kem vào mùa hè khi thấy thức quà này được bạn bè trong trường ưa chuộng. Chẳng việc gì anh từ nan, cũng chưa một lần than thân trách phận.

Sài Gòn quá xa lạ, nhưng có một niềm tin nào đấy cho anh thấy tương lai nằm ở đó. Anh nghĩ chỉ có rời khỏi miền quê mới có thể giúp mình thoát nghèo, dù là làm nghề gì chăng nữa. "Có sức khỏe và đầu óc, tôi không tin là mình không tìm được việc làm", anh tự trả lời trăn trở trong mình.

660.000 đồng kiếm được sau hai tháng ra Hà Tây làm phụ hồ ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, phân nửa dành để mua chiếc vé tàu rẻ nhất vào TP HCM. Hành trang Mạnh mang theo chỉ có ba bộ quần áo, vài ký gạo nếp nhà làm, mang vào cho anh trai, tất cả gói trong một chiếc túi nhỏ. Ngồi trên chiếc xe gắn máy cà tàng, nép mình sau lưng anh trai giữa phố thị Sài Gòn, thế giới trong mắt cậu trai trẻ dường như phình ra...

Mạnh làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền, từ phụ hồ, vệ sĩ đến vẽ phim hoạt hình. Sau hai năm lăn lộn nhiều công việc, anh quyết định sang Nga theo lời đề nghị của anh trai. Năm 1998, hành trang lần đầu đi máy bay xuất ngoại của anh có khá hơn một chút, với 6 bộ quần áo, gần 10 ký rau cần mang cho anh em và bán cho khách hàng bởi được giá.

Nhưng Mạnh không lường trước chuyến đi ấy đã nung nấu một giấc mơ cháy bỏng và thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh.

Không rành tiếng bản địa, chỉ có vài người thân ở đất khách, Mạnh đứng trước áp lực làm thế nào để tồn tại và lớn hơn là thoát khỏi cuộc sống cơ cực ngày còn ở Việt Nam, để không chỉ cho anh mà cho gia đình anh được sống tốt hơn. Số tiền tích lũy mấy năm trước đã tiêu tốn cho chuyến đi, lúc này trong túi anh chỉ còn 50 USD làm vốn ban đầu. Không hiểu biết thị trường, sản phẩm, tập quán tiêu dùng cũng như tài chính hạn chế, anh nghĩ trong đầu là phải kinh doanh sản phẩm nào vừa cần vốn ít, cũng không đòi hỏi quan hệ bạn hàng.

"Hay là thử mua vài đôi tất từ chợ bán buôn nhảy lên xe buýt sang chợ bán lẻ bán dạo", anh suy tính rồi làm ngay. Biết rằng tất thời trang có giá đắt và bản thân không đủ khả năng chi trả, anh xác định đối tượng khách hàng của mình nằm ở phân khúc trung niên, không yêu cầu cao về thẩm mỹ mà chỉ quan tâm về chất lượng.

Mỗi ngày, cứ 6h là rời khỏi nhà, Mạnh chạy qua chạy lại giữa chợ bán buôn và bán lẻ bởi vốn ít, bán được một ít hàng mới có tiền lấy thêm hàng mới. Khi về tới nhà, không bao giờ đồng hồ điểm trước mười giờ đêm. Một thời gian sau, ban quản lý chợ vòm tại Moscow mở một khu mới mà tiểu thương không phải mất phí thuê trong 6 tháng. Mạnh ngay lập tức nắm lấy cơ hội, tìm một chỗ trong khu chợ sida, ngoài tất còn bán thêm áo thun, đồ lót phụ nữ. Một mình anh làm mọi thứ, từ mua - bán hàng, khuân vác đến đóng gói, vận chuyển.

Trong thời gian này, mẹ anh hai lần bị tai biến, khi nhận được tin nhà, người con trai thức trắng mấy đêm giữa lựa chọn về nước hay ở lại. Công việc chưa ổn định, thu nhập chỉ vài trăm USD mỗi tháng, lý trí cho anh biết mình cần phải làm gì vào lúc này: ở lại kiếm tiền chi trả viện phí cho mẹ, bởi mỗi mũi tiêm duy trì sự sống cho bà lên đến hàng trăm USD. Anh sẵn sàng chịu khổ, làm việc nhiều giờ hơn chỉ với mong ước duy nhất là mẹ được khỏe mạnh. "Mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi", anh nói về đấng sinh thành bằng đôi mắt tự hào, nhiều cảm xúc.

Một thời gian sau, mẹ anh đã qua khỏi tình trạng nguy kịch. Cùng lúc, khu chợ mới hết thời hạn miễn phí, bắt đầu bán mặt bằng kinh doanh với giá 75.000 USD một cửa hàng và thu phí mặt bằng hàng tháng 5.000 USD. Anh nhượng lại gian hàng bởi không đủ khả năng rồi tiếp tục thuê lại của người chủ mới. "Gọi là gian hàng nhưng thực chất ghép lại từ hai chiếc container với chiều ngang 2,4m, sâu 12m, tầng dưới để buôn bán, tầng trên làm kho", anh miêu tả.

Nhưng thử thách không chỉ nằm ở việc sinh tồn, mà còn là vượt qua nỗi cô đơn nơi đất khách, nhớ mẹ già ở quê nhà.

Mạnh đầu tư 20.000 USD bán thêm đồ lót mùa đông nhưng không lường trước được việc chủ hàng giao tới trễ. "Ở Nga buôn bán tính thời vụ rất cao, đồ thời trang đã qua mùa lỗi mốt thì bán không ai mua, cho không ai lấy. Hàng về tới nơi đã qua thời gian lạnh nhất, lô hàng đó lỗ mất 70% cộng chi phí lưu kho, quản lý thì tổng lỗ là 90%", anh nhớ lại.

Sau trải nghiệm xương máu ấy, anh tập trung vào mặt hàng có tính rủi ro thấp hơn và thảo ra các ràng buộc kỹ hơn với chủ hàng để không lặp lại bài học cũ. Sau ba năm, khi tích lũy được một số tiền kha khá, anh quyết định về lại Việt Nam trước sự ngỡ ngàng của bao người.

Những ngày tha phương cầu thực nơi đất khách, một khao khát nung nấu ngày càng lớn dần trong trong đầu người con gốc Bắc Ninh. Chứng kiến và tự mình nếm trải sự phân hóa giàu nghèo, phân biệt đối xử ở xứ người khiến anh Mạnh quyết tâm phải tạo dựng một doanh nghiệp là niềm tự hào của người Việt trên bản đồ thế giới. Dù tương lai nhiều hứa hẹn ở đất Nga, anh vẫn quyết tâm trở về, quay lại Sài Gòn mua nhà từ tiền tích lũy và xuất phát lại với vị trí thủ kho cho một công ty kinh doanh máy lạnh.

"Nếu ở Nga thêm 10 năm nữa thì tôi có thể kiếm hàng triệu USD nhưng khi về nước cũng đã qua tuổi lập nghiệp, không đủ thời gian để xây dựng cái gì lâu dài và bền vững. Lúc đó, dù có tiền nhưng cũng không thể làm được những việc lớn lao hơn cho cộng đồng, đất nước", anh nói.

Giấc mơ đã có nhưng chưa rõ ràng về ngành nghề sẽ dấn thân, anh Mạnh từng ngày học hỏi từ những việc nhỏ nhất, bày tỏ nguyện vọng được thử sức ở nhiều vị trí, có thời gian rảnh rỗi thì tìm đến khóa học nâng cao kiến thức và kỹ năng như khóa sơ cấp điện lạnh, kế toán, quản trị...

Với phương châm này, kiến thức ngành điện lạnh ngày càng dày lên cũng là lúc Mạnh mở công ty nhỏ song song công việc chính, chuyên lấy máy lạnh số lượng lớn với giá tốt để phân phối, bán đơn hàng nhỏ với mức lãi chênh lệch. "Đó là bước ngoặt để tôi thực hiện giấc mơ của mình", anh nói.

Năm 2005 ấy đã thay đổi mạnh mẽ cuộc đời người đàn ông gốc Bắc Ninh. Nhận thấy tiềm năng khi máy lạnh bấy giờ đang là mặt hàng xa xỉ có khả năng sẽ mở rộng trong những năm tới, hiểu biết cặn kẽ về sản phẩm và thị trường thông qua công việc trước đó giúp anh mạnh dạn đầu tư lớn hơn. Nhà sáng lập Đại Việt bỏ nhiều tiền để quảng cáo sản phẩm, in tờ rơi, thư ngỏ gửi đi khắp các công ty, khu công nghiệp... giữa thời điểm Internet chưa phát triển mạnh. Số lần đi chào hàng bị từ chối lên đến hàng trăm nhưng anh vẫn tự thuyết phục mình bởi niềm tin làm ăn chân chính thì không sớm thì muộn thành công cũng sẽ đến.

"Năm 2008 là bước ngoặt mới, chuyển dịch từ doanh nghiệp nhỏ sang vừa, mua lại một công ty phá sản, quyết định bước sang làm những dự án lớn với giá trị trên 5 tỷ đồng, lúc doanh thu đã trên 100 tỷ đồng", anh cho biết. Nhưng thị trường luôn thay đổi, doanh nghiệp không thể mãi đứng yên và làm mỗi một việc, sau năm năm, anh thấy chu kỳ mới đã đến và máy làm mát chính là con át chủ bài trong tay anh.

Khi tiếp xúc khách hàng, anh biết được nhu cầu về một sản phẩm dùng cho không gian mở, ít tốn điện, giảm chi phí đầu tư ban đầu. Ngay trong lần đầu nhập hàng, anh đặt cược vào những chiếc máy chất đầy kho có diện tích 300m2. "Tôi muốn đưa mình vào thế khó, không có đường lui", anh kể về quyết định mạo hiểm. Mới bán được 6 chiếc nhưng anh lập tức nhập về bốn container hàng. Sau đó, anh đến các công ty, xí nghiệp chào hàng, cho người ta dùng thử, khi nào họ đồng ý mua mới phải trả tiền. Kể từ đó, lần lượt các thương hiệu máy làm mát Nakami, Daikio ngày càng hiện diện nhiều hơn và được thị trường đón nhận. Từ sản phẩm máy làm mát công nghiệp cho nhà xưởng được nghiên cứu và ra mắt vào 2008, bốn năm sau, công ty tung ra dòng máy thương mại, dân dụng và bắt đầu xây dựng kênh phân phối, đại lý khắp Việt Nam.

Năm 2014, anh Mạnh thực hiện thêm một cuộc liều lĩnh có tính toán khác. Số tiền bán máy làm mát năm 2013 đạt 20 tỷ nhưng anh mạo hiểm nhập đơn hàng giá trị 100 tỷ để tồn kho, tất cả tài sản từ lúc đi làm bỏ hết vào đấy, khiến người thân và cộng sự sống trong tình trạng lo lắng, hoang mang. Nhà lãnh đạo 7x nói bản thân có niềm tin và dù không bán được cũng sẽ không bị phá sản. Anh muốn tự tạo áp lực để phải bán cho bằng được, tự mình trực tiếp đến gặp từng đại lý, chào và xử lý đơn hàng.

"Tôi không áp lực vì biết tương lai sẽ thắng bởi bất cứ sự liều lĩnh nào cũng có cơ sở, tôi không làm việc gì nếu không nắm được một vài phần thắng. Khi đã làm thì phải làm lớn, muốn đột biến phải có sự liều lĩnh", anh giải thích.

Cũng chính suy nghĩ này đã tạo nên triết lý về mục tiêu tăng trưởng có vẻ "không tưởng" là 1.000% mỗi năm anh đặt ra. "Thực tế có một năm chúng tôi đã đạt được", anh cho biết. Còn những năm khác, dù không chạm chỉ tiêu nhưng với đội ngũ của hãng, các con số tăng trưởng đều mang tính kỷ lục. Những kết quả ấy đưa anh Mạnh đến gần hơn với giấc mơ hơn một thập kỷ trước anh ấp ủ giữa những ngày lạnh cắt da, cắt thịt của bầu trời nước Nga.

Giữa năm 2018, công ty khánh thành nhà máy lọc nước sau hai năm tích cực nghiên cứu kỹ thuật tiên tiến và tiềm năng thị trường. Đến tháng 11 cùng năm, số lượng sản phẩm này được thị trường tiêu thụ cán mốc 100.000. Hiện công ty có gần 7.500 đại lý, gần 200 nhà phân phối, tốc độ doanh số mỗi năm tăng trưởng từ 200-500%.

Ban đầu, anh dự định đặt hàng đối tác Đài Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... sản xuất, còn mình là nhà phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ý tưởng này thay đổi hoàn toàn khi anh nhận tin vợ mắc ung thư tuyến giáp. Vượt trên câu chuyện lỗ lãi của một sản phẩm, anh rót hàng trăm tỷ đồng vào máy lọc nước để thực hiện tâm nguyện cải thiện chất lượng cuộc sống của người Việt, mà trước hết là những người thân xung quanh.

Cũng từ đó, dự án Ngày Nước Tái Sinh ra đời. Mỗi tháng, Đại Việt sẽ chọn những khu vực khó khăn, "khát" nước sạch để lắp đặt hệ thống máy lọc nước Daikiosan. Theo kế hoạch, trong năm 2019 và 2020, Ngày Nước Tái Sinh sẽ mang máy lọc nước đến cho các bệnh viện, làng ung thư, khu vực dân nghèo, bến xe.... trên cả nước với kinh phí dự kiến khoảng trên 20 tỷ đồng.

"Giá thành máy lọc nước của chúng tôi tung ra thị trường rẻ hơn các thương hiệu cùng chất lượng 10-15%", anh chia sẻ. Trong đó có màng RO của Tập đoàn Dow (Hoa Kỳ), cốc lọc nhập khẩu từ Đài Loan, lõi khoáng từ Hàn Quốc, các linh kiện đầu vào đạt chuẩn quốc tế như NFS (Hoa Kỳ), SGS (Thụy Sỹ). Nước đầu ra sẽ được giám sát chất lượng bởi Viện Y tế Công cộng TP HCM thuộc Bộ Y tế. Tất cả các lô hàng đều được Viện Y tế Công cộng TP HCM lấy mẫu thử nghiệm đảm bảo chất lượng mới được xuất xưởng.

Anh Mạnh nói rằng nếu chỉ vì muốn kiếm tiền, anh sẽ không bỏ ra ngần ấy tâm huyết cũng như nhân lực để đầu tư vào máy lọc nước và dự án nước sạch. "Tôi hiểu nỗi bất lực khi nhìn người thân của mình chịu đựng đau đớn, bị bệnh tật dày vò, càng hiểu sâu sắc hơn khi từng trải qua cảm giác không cần gì ngoài người thân khi họ đứng trước lằn ranh sinh tử. Vì vậy, tôi cố gắng bằng tất cả khả năng mà mình có để người dân được tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí vừa phải", anh chia sẻ.

Vài năm qua, vị tổng giám đốc ấp ủ kế hoạch bước ra thị trường nước ngoài. Trong thời gian này, một số đối tác từ Campuchia, Lào và Thái Lan chủ động tìm đến anh để mua hàng. Vài chuyến container chưa phải là những đơn hàng quá lớn nhưng xác lập cho anh thấy tương lai xuất khẩu hàng triệu sản phẩm ra nước ngoài đang ở rất gần. Trong năm 2019, anh cùng cộng sự bắt tay xây dựng phòng kinh doanh quốc tế và xây dựng thêm nhà máy ở Long An với diện tích 42.000 m2 với tham vọng nội địa hóa 40% máy lọc nước và một phần máy làm mát.

Hiện máy làm mát chiếm 80% doanh số của Đại Việt. CEO kỳ vọng trong thời gian tới máy lọc nước sẽ chiếm 45% doanh số bởi không khí và nguồn nước là định hướng kinh doanh mà anh theo đuổi xuyên suốt cuộc đời mình.

Quan điểm của anh là không có gì khó khi đã hiểu sản phẩm và thị trường. Vì vậy, trước khi làm bất cứ sản phẩm nào, anh luôn tìm hiểu kỹ mọi thứ và luôn nỗ lực hơn những gì mình có. Anh cho rằng nếu đầu tư 200% thì có thể phát triển đến 300% và hơn nữa vì mức độ đầu tư về công sức, chất lượng, thị trường càng tốt thì tính lan tỏa sẽ càng mạnh. Nguyên tắc bất di bất dịch trong kinh doanh của anh là giữ chữ tín, không bao giờ giảm chất lượng để kiếm thêm lợi nhuận. "Bạn có thể sẽ phải hy sinh nhiều thứ nhưng cái đạt được còn lớn hơn, đó chính là niềm tin của khách hàng", anh phân tích.

Tất cả những triết lý nòng cốt ấy sẽ đi theo chiến lược thâm nhập các thị trường nước ngoài của anh. Đó trước tiên sẽ là những quốc gia đang phát triển, nơi nguồn nước và không khí cần những thiết bị hỗ trợ để cải thiện cuộc sống của người dân.

Trước khi làm gì, trong đầu anh cũng hiển hiện hai chữ Đại Việt, không chỉ đơn thuần là tên thương hiệu của công ty, mà còn là giấc mơ về sự khẳng định, niềm tự hào của người Việt trên bản đồ kinh doanh thế giới. Tất cả đến từ những bước đi cẩn trọng, đầy trách nhiệm của ngày hôm nay.

Trương Sanh
Ảnh: Hữu Khoa