Quan điểm này được CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam chia sẻ tại hội thảo bàn về liên kết phát triển bền vững hàng không - du lịch do Báo Nhân dân tổ chức, ngày 12/6.
Hiện nay, các hãng bay trong nước vận hành khoảng 160 tàu, giảm khoảng 60-70 chiếc so với trước dịch. Việc thiếu tàu bay trầm trọng là một trong những nguyên nhân chính đẩy mặt bằng giá vé nội địa lên cao thời gian qua.
CEO Bamboo Airways nói rằng giá vé máy bay nội địa chỉ có thể hạ nhiệt khi số lượng tàu bay của các hãng tăng lên. Theo ông Nam, hiện nay, thị trường thế giới vẫn còn tàu bay, chỉ cần các hãng chấp nhận trả giá cao hơn, "60 tàu hay thậm chí 100 tàu cũng có". Nếu chấp nhận mặt bằng giá hiện nay, số lượng tàu bay có thể tăng lên rất nhanh bởi thủ tục thuê ướt mất khoảng 2 tuần đến 1 tháng, còn thuê khô lâu nhất mất 3 tháng.
Tuy nhiên, ông Nam cho biết các hãng không cố gắng đưa thêm tàu bay về bởi không có động lực kinh tế khi bay càng nhiều, lỗ càng lớn. "Nếu đưa thêm máy bay về mà có lãi, chúng tôi đưa về ầm ầm, không cần cơ quan quản lý phải nhắc", ông nói.
Từ sau Tết đến nay, các hãng trong nước cũng chưa thể thêm tàu bay, thậm chí Pacific Airlines còn phải trả hết để xóa nợ. Đại diện Vietnam Airlines thông tin giá thuê hiện nay đã tăng 20-30%.
CEO Bamboo Airways giải thích với mặt bằng chi phí hiện tại cùng với cơ chế giá trần đã duy trì hàng chục năm nay khiến cho việc bay nội địa có lãi trở nên bất khả thi. Trước dịch, các hãng còn có thể lấy lãi từ thị trường quốc tế để bù đắp hoạt động cho nội địa. Nhưng hiện tại kiếm lãi trên đường bay quốc tế cũng khó khăn hơn vì sự cạnh tranh lớn.
Vì vậy, ông Nam đề nghị cơ quan quản lý xem xét lại công cụ quản lý giá vé không tuân theo cơ chế thị trường này để tạo động lực cho các hãng đưa thêm máy bay về để mở thêm nhiều đường bay, tăng tần suất khai thác.
Theo ông Lương Hoài Nam, từ trước đến nay, mọi người vẫn hiểu nhầm rằng tăng trần giá vé máy bay làm tăng giá vé máy bay. Tuy nhiên, năm ngoái khi trần giá vé trên đường bay Hà Nội - TP HCM là 3,2 triệu đồng một chiều, bình quân giá vé của Bamboo Airways khoảng 1,66 triệu. Từ tháng 3 năm nay, trần giá vé trên đường bay tăng lên 3,4 triệu, bình quân giá vé của Bamboo Airways khoảng 1,4 triệu đồng.
Phó tổng giám đốc Vietjet Đỗ Xuân Quang bổ sung, để hàng không và du lịch Việt Nam cùng phát triển, cần xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, không chỉ dừng lại ở sự kết hợp mang tính thời điểm giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không mà còn là những cái "bắt tay" lâu dài, trên cơ sở đồng hành, cùng chia sẻ lợi ích chung.
Lãnh đạo Vietjet cũng đề xuất Chính phủ có hỗ trợ về thuế môi trường với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp hàng không, du lịch...
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cũng đồng tình với việc bỏ trần giá vé máy bay. Cơ chế quản lý giá vé này có từ thời ông Thanh còn làm lãnh đạo tại Cục Hàng không Việt Nam.
Thay vào đó, ông cho rằng cần có giá sàn để chống lại việc các hãng bán phá giá. "Tại nước ngoài có hai cơ chế rất hữu hiệu để chống cạnh tranh không lành mạnh là không dùng giá dưới giá thành để cạnh tranh và không lợi dụng vị thế độc quyền để tăng giá một cách quá đáng", Chủ tịch ACV chia sẻ.
Ông cũng đánh giá trước đây các hãng trong nước cạnh tranh nhau bằng giá vé, tạo cho người dân thói quen đi máy bay với mức giá thấp hơn mức các hãng có lợi nhuận. Giai đoạn trước, dải vé giá rẻ có thể chiếm đến 30% tổng số lượng vé, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5%.
ACV đang quản lý, vận hành 21 sân bay trong nước, nhưng ông Thanh cũng than rằng chỉ 6 cảng có lãi gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh. 4 cảng phải bù lỗ gồm Thanh Hóa, Cát Bi, Côn Đảo, Buôn Mê Thuột. 11 cảng còn lại cũng đều lỗ.
Chủ tịch ACV thông tin dù đầu tư lớn cho nhiều cảng, đa phần mức giá phục vụ hãng bay vẫn giữ từ năm 2012 hay 2015. Ông Thanh nói rằng ACV đang phải thi hành chính sách nuôi dưỡng nguồn thu từ hãng bay vì sợ khó khăn quá, hãng hàng không phá sản thì ACV cũng "chết" vì là chủ nợ lớn.
Về đề xuất Nhà nước cần cởi mở để có thêm hãng hàng không mới, ông Thanh khẳng định Chính phủ chưa bao giờ ngừng khuyến khích đầu tư vào vận tải hàng không. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều "bỏ của chạy lấy người" vì không nhìn thấy lợi nhuận khi đầu tư vào ngành hàng không.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cũng chia sẻ trước đây làm du lịch, đứng ngoài nhìn thì thấy dễ. Nhưng khi nhảy vào thị trường, ông mới thấy rất khó vì các chi phí quá lớn.
Ông Kỳ cũng nhìn nhận các hãng hàng không đang bay gia công bởi Việt Nam chỉ có nhân lực, thị trường, khách hàng. Còn lại mọi thiết bị tàu bay, phụ tùng từ phanh, lốp đến công nghệ checkin, bán vé đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì phụ thuộc như vậy, nên theo ông Kỳ, chỉ cần một biến động rất nhỏ trên thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến các hãng bay Việt Nam.
Chủ tịch Vietravel Airlines cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần ngồi lại cùng các hãng để bàn về các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Anh Tú