Đoàn Vinh Phú (sinh năm 1995 tại Tuy Hòa - Phú Yên) là gương mặt trẻ tiêu biểu trong cộng đồng start-up Việt Nam, sở hữu nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải đặc biệt cuộc thi WTA - Bình Dương SmartCity Ideas Competition 2018, giải khuyến khích Nhân tài đất Việt 2018... Gần đây nhất, Phú cùng dự án iNut Platform lọt vào top 100 chung kết Khởi nghiệp toàn cầu năm 2019.
iNut Platform là một nền tảng kết nối vạn vật, có thể kết nối các nhà phát triển phần cứng, phần mềm và người sử dụng cuối. Sự phối hợp này tạo nên hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện vào Internet và có thể điều khiển trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính.
"Học tập cũng giống kinh doanh, bạn cần chủ động và có mục tiêu"
Để gặt hái thành công như ngày hôm nay, Phú đã trải qua thất bại khi khởi nghiệp lần đầu năm 20 tuổi ở lĩnh vực in ấn, quảng cáo. Chứng kiến công ty phá sản, Phú đánh giá lại quá trình vận hành để tìm ra nguyên nhân chính. Sau đó, vạch ra mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tiếp theo là cân bằng giữa việc học ở Trường Đại học Kinh tế Luật song song với việc chủ động tìm kiếm những cơ hội mới.
"Học tập cũng giống như kinh doanh, bạn nên đặt cho mình một mục tiêu cụ thể: đậu vào trường A, đạt điểm số B, hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh với mức điểm C... Sau đó, bạn tìm cho bản thân động lực cố gắng, động lực càng lớn mục tiêu càng khả thi. Mọi bí quyết để tiến bộ trong học tập đều nằm ở việc thực hiện mục tiêu một cách kỷ luật. Một thời gian sau nhìn lại, bạn sẽ thấy mình rất khác", Phú chia sẻ.
Nói về sự chủ động trong học tập, Phú nhấn mạnh lợi thế của thế hệ Z, những người làm chủ công nghệ. Công nghệ đã xóa nhòa biên giới của tri thức, mọi người dễ dàng tìm kiếm thông tin, kiến thức của mọi lĩnh vực trên toàn thế giới nhờ Internet. Công nghệ tạo ra những mô hình mới lạ, điển hình như các lớp học trực tuyến không đóng khung bởi trường lớp mang tính vật lý với bục giảng và thời khóa biểu cố định. Vì vậy, theo Phú, sẽ thật tiếc nếu không tận dụng loại hình học tập trực tuyến này, bên cạnh lớp học truyền thống.
Học trực tuyến từ lớp 10 và vẫn tiếp tục khi đã là CEO
Phú cho rằng, học trực tuyến không chỉ mang lại kiến thức, kỹ năng mà còn rèn luyện thái độ học tập chủ động, mở rộng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, thời gian học linh hoạt hơn so với học truyền thống. Nếu biết nắm bắt và tận dụng các lợi thế này của việc học trực tuyến, người học sẽ dễ dàng đạt mục tiêu mà mình muốn trong học tập và công việc.
Bắt đầu học trực tuyến tại nền tảng học trực tuyến hocmai.vn từ năm lớp 10, Phú nhận thấy học trực tuyến đặt ra những thách thức khi đòi hỏi các bạn cần có thái độ học tập nghiêm túc, kỷ luật.
"Bạn cần có mục tiêu và kế hoạch thực hiện nghiêm túc, biết tự thưởng sau một giai đoạn kiên trì thành công. Khi mới bắt đầu, bạn nên học ở những nơi người thân có thể quan sát để tạo áp lực học tập. Đặc biệt, bạn phải ghi chép và làm bài tập đầy đủ. Ngoài ra, hãy tìm một vài 'cạ cứng' để cùng học, họ sẽ cùng bạn trao đổi nếu gặp thắc mắc, cùng chia sẻ thành tích và quan trọng là có bạn đồng hành", Phú chia sẻ.
Đang điều hành một công ty sử dụng công nghệ, Phú cho rằng công nghệ bây giờ đã trở thành một phần tất yếu trong mọi lĩnh vực. Việc bắt đầu học trực tuyến khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường có thể là bàn đạp, mở ra nhiều cơ duyên với công nghệ và cuộc sống. Hiện Phú vẫn duy trì thói quen học trực tuyến qua những khóa học quản trị kinh doanh, marketing đồng thời trau dồi tiếng Anh qua những ứng dụng thông minh.
"Được gặp gỡ những người thầy truyền cảm hứng, tham gia cộng đồng học sinh cùng độ tuổi trên khắp đất nước đã cho tôi nhiều mối duyên đáng quý. Đến giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với những người thầy trực tuyến và bạn học dù khoảng cách địa lý xa xôi. Mỗi lần có dịp, tôi luôn dành thời gian gặp gỡ họ và không còn nhớ từ bao giờ, họ đã trở thành hậu phương vững chắc luôn cổ vũ cho tôi", Phú nói.
Thế Đan