Chiều 22/7, FIFA thông báo số lượng CĐV dự khán trận mở màn bảng E giữa Việt Nam và Mỹ là 41.107 người. Trên sân Eden Park với sức chứa 50.000 chỗ, chiếm đa số là CĐV Mỹ - đội giữ kỷ lục bốn lần vô địch giải. Chỉ khoảng 3.000 người trong số đó đến cổ vũ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, giống như các cầu thủ dưới sân, bị áp đảo về số lượng nhưng CĐV Việt Nam gây ấn tượng mạnh không kém đối thủ.
Ở một góc khán đài A, lá đại kỳ Việt Nam được giăng ra. Đây là hình ảnh quen thuộc mỗi khi các đội tuyển Việt Nam thi đấu, nhưng lại là điều lạ lẫm với người Mỹ. Trên tờ New York Times (Mỹ), phóng viên Juliet Macur mô tả: "CĐV Mỹ chiếm phần lớn, nhưng CĐV Việt Nam rất cuồng nhiệt. Ở một góc khán đài, họ giăng ra lá cờ có kích thước bằng một chiếc xe đầu kéo. Nhiều CĐV cũng mang theo dụng cụ để cổ vũ".
Trước đó một ngày, chủ nhân của lá đại kỳ - chị Nguyễn Thúy Hiền - đăng bài trên một diễn đàn dành cho người Việt Nam ở New Zealand, kêu gọi mọi người hỗ trợ giăng cờ trên khán đài. Chị Hiền bay từ TP HCM sang Auckland để lo việc riêng và tình cờ phát hiện đội tuyển đá World Cup tại đây.
"Do lịch trình bận rộn, tôi chỉ có thể cổ vũ đội tuyển trận đầu tiên", chị nói với VnExpress. "Ý định đến sân cổ vũ cũng đột xuất nên việc chuẩn bị lá cờ hơi gấp. Tuy nhiên, vào sân mới thấy tình cảm người hâm mộ dành cho đội tuyển quê nhà rất lớn lao. Thua kém về số lượng, nhưng chúng tôi hô vang khẩu hiệu cổ vũ với âm lượng và tần suất không kém gì CĐV Mỹ. Hy vọng tinh thần đó sẽ được duy trì ở những trận tiếp theo".
Trước giải, FIFA khẳng định đây sẽ là kỳ đại hội lớn nhất và hấp dẫn nhất trong lịch sử. Tuyên bố này đứng trước nhiều hoài nghi. Việc giải đấu được tổ chức ở Australia và New Zealand bị cho là làm khó các đội mạnh và CĐV của họ vì quãng đường xa xôi. Số lượng đội tham dự tăng từ 24 lên 32, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều trận đấu chênh lệch về chuyên môn, như cách Mỹ đánh bại Thái Lan 13-0 tại World Cup 2019 để tạo ra tỷ số cách biệt nhất trong lịch sử giải đấu.
Trận đấu giữa Mỹ và Việt Nam được chú ý theo khía cạnh này. Nhiều người chờ xem Mỹ sẽ sút tung lưới Việt Nam bao nhiêu lần. Nhưng thực tế, dù bị áp đảo hoàn toàn và thua 0-3, sự thắng thế về mặt tinh thần của Việt Nam được thể hiện từ trước khi bóng lăn. Tờ New York Post thậm chí đặt câu hỏi vì sao toàn bộ đội hình Việt Nam đồng thanh hát Quốc ca, trong khi chỉ ba cầu thủ Mỹ làm điều này. Trên khán đài, tuy ngồi rải rác ở nhiều khu vực, CĐV Việt Nam cũng hát vang để tạo không khí của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
"Tôi ở New Zealand đã tám năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện có đông người Việt Nam như vậy", anh Nguyễn Đình Tùng, biên tập viên của báo Regional News tại Wellington, chia sẻ. "Tôi đi xem cùng em họ và cô, chú. Cô, chú tôi bay từ Việt Nam sang đây chỉ để cổ vũ cho đội tuyển. Biết là thực lực Việt Nam chưa bằng các đội tuyển khác, nhưng giành vé dự World Cup đã là kỳ tích. Tôi không kỳ vọng gì, chỉ mơ ước duy nhất là từ hôm nay, thế giới sẽ biết tới bóng đá nữ Việt Nam với tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi".
Anh Tùng khẳng định sẽ tiếp tục đến sân xem Việt Nam thi đấu dù kết quả thế nào.
Theo số liệu của Cục dữ liệu quốc gia New Zealand vào năm 2018, có khoảng hơn 10.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại quốc gia này, với tuổi trung bình 27,7. Nhiều bạn trẻ chọn học tập và làm việc tại đất nước thuộc khu vực châu Đại Dương. Nhưng về phương diện thể thao, nếu không phải là người hâm mộ môn rugby, New Zealand ít được biết tới.
Tại World Cup 2023, cả ba trận vòng bảng của Việt Nam đều diễn ra tại New Zealand. Trận gặp Mỹ ở Auckland vừa qua, Bồ Đào Nha vào ngày 27/7 ở Hamilton, còn Hà Lan vào ngày 1/8 ở Dunedin. Khoảng cách giữa ba thành phố này không gần nhưng nhiều CĐV Việt Nam không tiếc tiền để theo chân đội tuyển.
Trung bình, mỗi vé xem Việt Nam thi đấu có giá 40 đôla New Zealand, tương đương 600.000 đồng. Đa số CĐV đi cùng gia đình theo kiểu tự phát, đặt mua vé trước trên trang web của FIFA. Vì thế, ở trong sân, CĐV Việt Nam không thể quy tụ ở một khu vực mà ngồi rải rác. Tuy vậy, màu cờ sắc áo nhanh chóng kéo họ lại gần nhau.
Chị Đoàn Lan Vy, giáo viên một trường trung học tại Wellington, cùng chồng, hai con và mẹ đến cổ vũ cho Việt Nam. Tại sân, họ cùng gia đình một người quen chuẩn bị dụng cụ cổ vũ và tranh thủ giao lưu cùng các CĐV Mỹ. Chị Vy cho biết còn gặp cả CĐV Việt Nam đến từ Australia hay Đức.
"Gia đình mê bóng đá nên tôi từng đến sân xem đội tuyển nam của Việt Nam thi đấu ở quê nhà. Nhưng lần đầu xem đội tuyển nữ đá trực tiếp, lại diễn ra ở nước ngoài, mang lại cho tôi những cảm xúc khác biệt", chị nói. "Giữa một rừng các CĐV Mỹ, nhìn thấy màu cờ sắc áo Việt Nam khiến tôi xúc động và tự hào. Tôi thấy mình may mắn hơn các bạn bè ở Việt Nam vì được chứng kiến khoảnh khắc này".
Bóng đá nữ thường bị đánh giá kém hấp dẫn hơn bóng đá nam về mức độ giải trí và đối kháng giữa các cầu thủ. Điều này khiến nhiều CĐV còn dè dặt trong việc bỏ tiền xem các đội nữ thi đấu. Theo công bố của FIFA, tổng tiền thưởng của World Cup 2023 là 110 triệu USD, chỉ bằng một phần tư so với World Cup nam 2022, dẫn tới các cầu thủ nữ được trả ít hơn.
Là người từng theo dõi cả đội tuyển nam lẫn nữ Việt Nam thi đấu, chị Vy cho rằng công sức và số tiền bỏ ra để đến sân xem đội nữ thi đấu hoàn toàn xứng đáng, dù Việt Nam thua Mỹ 0-3. Chị nói: "Tôi và gia đình đánh giá giá trị và mức độ thỏa mãn mà hai đội tuyển nam và nữ mang lại là ngang nhau. Chúng tôi đến sân vì tinh thần đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, sự vượt khó của các cầu thủ nữ đã chạm đến cảm xúc và khiến chúng tôi cảm thấy tự hào".
Anh Tùng thì nhận xét: "Tôi đến sân một phần vì hâm mộ Thanh Nhã, Huỳnh Như, Dương Thị Vân hay Hoàng Thị Loan - hoa khôi bóng đá Việt Nam. Tôi không quan trọng kết quả. Sự cố gắng của các cầu thủ nữ vì màu cờ sắc áo đã là điều đền đáp xứng đáng cho người hâm mộ rồi".
Quang Huy